Sự thật tá hỏa khi thâm nhập làng miến "bẩn" Hà Nội

Thứ tư, 02/04/2014, 07:57
Sau hình ảnh miến phơi ngay hố phân, theo tìm hiểu của phóng viên chúng tôi, đa số người dân xã Dương Liễu không ăn miến do mình sản xuất và muốn miến đen hay trắng... chỉ cần cho hóa chất.

Để làm rỏ sự thật về những phên miến dong được phơi ngay cạnh hố nước phân đen ngòm, chuồng gà, chuồng lợn ruồi nhặng bu đầy… tại xã Dương Liễu (Hoài Đức - Hà Nội) đang khiến người tiêu dùng kinh hãi, phóng viên đã thâm nhập vào xã Dương Liễu để tiếp tục tìm hiểu.

“Chỉ sản xuất miến, chứ không ăn”

Trong vai khách hàng, chúng tôi đã đi khảo sát ở một số khu chợ, cửa hàng tại xã Dương Liễu thì được biết, miến nơi đây không bán nhỏ, lẻ mà chỉ đem phân phối đến những nơi khác với số lượng lớn, nếu có bán cũng chỉ 1-2 cửa hàng tạp hóa bày bán, nhưng thường là những loại “miến không ngon”. Cũng theo thông tin có được, người dân ở đây không ăn miến mà mình đã làm ra.

Miến ăn hàng ngày được người dân xã Dương Liễu phơi ngay cạnh phân trâu, chuồng gà..

Để kiểm chứng trước những thông tin trên, chúng tôi bước vào một quán ăn được mở ngay cạnh đường quốc lộ thuộc xã Dương Liễu gọi bát miến, thì chủ quán nói thẳng: “Ở đây không bán miến đâu em. Chỉ có bún và cơm thôi. Em có ăn không? Bán miến ở đây cũng chẳng có ai ăn đâu em ơi!”.

Tuy nhiên, khi hỏi lý do tại sao người dân xã Dương Liễu lại không ăn miến do chính mình sản xuất, thì chủ quán không trả lời và nói tránh sang chuyện khác.

Miến đổi màu theo yêu cầu khách hàng

Vẫn trong vai người tìm mua miến, chúng tôi trực tiếp đi vào một cơ sở sản xuất miến và chủ tên Trọng.

Ban đầu, ông Trọng từ chối việc bán miến lẻ và nói rằng, gia đình chỉ bán miến theo tấn. Tuy nhiên, sau một hồi nài nỉ, ông Trọng đã quyết định bán cho chúng tôi 5 kg miến với giá 100 nghìn đồng. Theo lời của ông Trọng, đây là “loại miến ngon, tiêu thụ chủ yếu ở các thị trường miền Bắc”.

Clip miến chất đống, vứt ngổn ngang dưới đất có nhiều bụi bẩn, đá sạn và bị dẫm đạp trong quá trình bó:

“Miến ở xã Dương Liễu chủ yếu là miến dong, phơi nắng, sấy rất ít. Miến được tiêu thụ ở nhiều nơi trên cả nước, thậm chí là vào tận trong miền Nam. Trong trường hợp, nếu khách hàng muốn miến có màu đen hoặc trắng đều được cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu, chỉ cần nhờ đến hóa chất nhuộm miến. Miến được bán tại cơ sở sẽ có giá khoảng 25.000 đến 30.000 đồng/kg và sẽ có người đến tận nơi để chở đi”, ông Trọng cho hay.

Ông Trọng cho biết thêm, những hóa chất dùng để làm thay đổi màu miến không gây độc hại và ảnh hưởng đến chất lượng của miến. Thế nhưng, khi chúng tôi ngỏ ý xem qua thì ông Trọng không đồng ý.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cơ sở sản xuất miến của ông Trọng chủ yếu làm thủ công, những người tham gia sản xuất miến là các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều bó miến sau khi được làm ra, bị vứt một cách ngổn ngang dưới nền đất đầy bụi bẩn và đá sạn. Không chỉ vậy, trong quá trình bó miến, chủ cơ sở này còn liên tục dùng chân bẩn đẫm đạp lên miến mà không cần đề ý đến vấn đề an toàn vệ sinh. Miến được làm ra không được che đậy và bao bọc bằng bất cứ thứ gì…

(còn nữa)

Theo Kiến thức

Các tin cũ hơn