Thái Lan bầu cử: Quyết định số phận Thủ tướng Yingluck

Thứ hai, 31/03/2014, 08:42
“Chúng tôi rất quan tâm đến lần bỏ phiếu này, bởi đây là cuộc bầu cử quan trọng, quyết định số phận chính trị của Thủ tướng Yingluck”- chị Note Wasinee - một cư dân Bangkok cho biết.

Từ sáng sớm 30/3, cử tri Thái Lan đã đến các điểm bỏ phiếu bầu lại một nửa trong tổng số 150 thượng nghị sĩ. Những người biểu tình chống chính phủ ủng hộ cuộc bầu cử Thượng viện vì phe đối lập chiếm đa số tại đây.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep đã dẫn đầu đám đông biểu tình ở Băng Cốc ngày 29.3.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep đã dẫn đầu đám đông biểu tình ở Bangkok ngày 29/3.

Chị Noon Apinita, một trí thức làm việc tại Bangkok - người đã từng tham gia nhiều cuộc tuần hành của phe đối lập - cũng đã chia sẻ những hình ảnh và cảm xúc hồ hởi trong lần bỏ phiếu này. Theo chị Noon, người biểu tình ở Thái Lan đã đi bỏ phiếu đầy đủ, không khí giống như ngày hội.

Từ Bangkok - anh Nguyễn Quỳnh - CTV của NTNN cho biết, không khí lần bỏ phiếu này khá đối lập. Theo anh Quỳnh, có những địa điểm người đi bỏ phiếu tụ tập lại, nhộn nhịp, hồ hởi, trong khi có những khu vực như chỗ anh Quỳnh đang sống thì lại khá im ắng.

Cũng theo anh Quỳnh, đã có những đám đông biểu tình ở Bangkok từ ngày 29/3, tuy nhiên, không xảy ra bạo động. Người biểu tình phần lớn là dân thành phố và thuộc lớp trung lưu, muốn chính phủ của bà Yingluck được thay thế bằng “hội đồng nhân dân” không qua bỏ phiếu. Các nhà hoạt động chống chính quyền muốn Thủ tướng Yingluck phải từ chức.

Báo chí Thái Lan cũng dẫn lời Phó Thư ký Ủy ban Bầu cử Thái Lan Suthep Promvas cho biết: "Cuộc bỏ phiếu đã bắt đầu mà không có báo cáo nào về rắc rối".

Vào đầu tháng 2, những người biểu tình chống chính phủ đã làm mọi cách để gây rối, cản trở cuộc bầu cử lập pháp. Họ đã lấy hòm phiếu, phiếu bầu, đe dọa ứng viên và cử tri và cuối cùng, họ đã đạt được mục tiêu của mình: Tòa án Bảo hiến đã hủy bỏ cuộc bầu cử này.

Cũng vẫn những người biểu tình này lại có thái độ hoàn toàn khác đối với cuộc bầu cử Thượng viện ngày 30/3. Họ tuyên bố tránh gây ra những sự cố và thậm chí còn hồ hởi tham gia cuộc bỏ phiếu.

Theo giới chuyên gia, có hai lý do giải thích điều này: Trước tiên là phe đối lập chiếm đa số tại thượng nghị viện. Một nửa trong số 150 thượng nghị sĩ được chỉ định bởi các thẩm phán và lãnh đạo các cơ quan nhà nước, đại diện cho bộ máy bảo thủ của chính quyền. Lý do thứ hai là phong trào chống chính phủ cần đến Thượng viện để hoàn tất tiến trình phế truất Thủ tướng chính phủ, trong khuôn khổ cuộc điều tra về tham nhũng.

Trong những ngày tới, ủy ban chống tham nhũng phải quyết định có khởi tố bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra hay không với tội danh “lơ là” trong khi thực hiện trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân. Thế nhưng, Thượng viện có tiếng nói quyết định cuối cùng về việc buộc tội bà Yingluck và kết quả cuộc bầu cử ở Thượng viện lần này sẽ là chìa khóa cho số phận chính trị của bà Yingluck.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn