Thiết bị màu vàng của tàu Ocean Shield giúp dò tín hiệu hộp đen. Ảnh: AFP |
Ocean Shield, tàu hải quân Australia, vừa khởi hành nhưng dự kiến ngày mai mới tới khu vực tìm kiếm MH370. Tàu được trang bị thiết bị dò tín hiệu hộp đen của hải quân Mỹ.
Pin của bộ phận phát tín hiệu từ hộp đen chỉ tồn tại trong một tháng. Hơn ba tuần đã trôi qua kể từ khi máy bay mất tích, và về lý thuyết nó sẽ ngừng hoạt động vào khoảng cuối tuần này.
Các chuyên gia cho rằng pin của bộ ghi dữ liệu chuyến bay có thể sẽ cạn trong vài ngày tới, hoặc thậm chí đã chết. Ông Robert Francis, cựu lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ, cho biết khả năng phát hiện được hộp đen là "vô cùng xa vời". "Tôi nghĩ việc tìm những những bộ ghi dữ liệu đó thực sự rất, rất mong manh", CNN dẫn lời Francis nói.
Angus Houston, cựu chỉ huy không quân Australia đang lãnh đạo cuộc tìm kiếm, phát biểu rằng công cuộc tìm kiếm dấu tích MH370 có thể kéo dài. "Việc này sẽ mất thời gian. Đó không phải là điều có thể giải quyết trong vài tuần. Vào lúc này chúng ta không chính xác được".
Tàu Ocean Shield đang trên đường tới nơi tìm kiếm tại khu vực hình chữ nhật, sọc vàng. Đồ họa: Telegraph |
Hiện có khoảng 6 tàu và 10 máy bay của nhiều nước tham gia hoạt động tìm kiếm, tập trung vào một khu vực rộng lớn cách Australia khoảng 1.850km về phía Tây.
"Chúng ta nợ các gia đình, chúng ta nợ những người đi lại bằng đường hàng không, chúng ta nợ chính phủ các nước có công dân trên máy bay đó, chúng ta nợ cả thế giới rộng lớn hơn đang sững sờ trước bí ẩn này suốt ba tuần nay", Thủ tướng Australia Tony Abbott nói. "Như tôi nói, cường độ của cuộc tìm kiếm và phạm vi chiến dịch của chúng ta đang tăng lên, không giảm đi".
Khi máy bay số hiệu 447 của hãng Air France rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009, đội tìm kiếm phải mất hai năm mới thấy hộp đen, dù các mảnh vỡ máy bay được định vị chỉ trong vòng 24 giờ.
Còn với MH370, sau hơn ba tuần, chưa một mảnh vỡ nào máy bay được tìm thấy. Hộp đen của nó có thể không bao giờ được tìm thấy, kèm theo nó là câu trả lời cho sự mất tích bí ẩn của phi cơ. Điều này khiến nhiều người kêu gọi thay thế bộ lưu dữ liệu chuyến bay kiểu hiện tại sang các hệ thống có thể truyền trực tiếp thông tin hoặc có thể văng ra khỏi máy bay khi va chạm.
Sau vụ mất tích của máy bay Malaysia Airlines, nghị sĩ Mỹ David Price giới thiệu lại một dự luật, trong đó yêu cầu các hãng hàng không sử dụng hộp đen có thể phóng ra khỏi máy bay. Dự luật lần đầu được đưa ra năm 2005, sau những vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Hộp đen, có kết cấu vững chắc với lớp vỏ màu cam, là một thiết bị lưu trữ thông tin được gắn trên máy bay để ghi lại dữ liệu các chuyến bay. Trên mỗi máy bay có hai hộp đen gồm một chiếc ghi mọi dữ liệu chuyến bay (FDR) như hoạt động của động cơ, tốc độ, độ cao... và một chiếc ghi âm thanh trong buồng lái (CVR). Chúng sẽ giúp các chuyên gia tìm nguyên nhân gây tai nạn trong trường hợp máy bay rơi.
Theo VnExpress