Đường Trường Chinh mở rộng bị bẻ cong chỉ vì tiết kiệm 130 tỷ đồng? |
Ông Hưng cho biết, tuyến đường dài hơn 2km này được chia làm 3 đoạn gần bằng nhau; đoạn thứ nhất từ Ngã tư Sở đến đường Tôn Thất Tùng được mở lên phía Bắc; đoạn từ Tôn Thất Tùng đến sông Lừ mở về phía Nam; từ sông Lừ đến Ngã tư Vọng mở lên phía Bắc. Ông Hưng nói: “Đường có cong nhưng không đến nỗi cong như ghi đông xe đạp”.
Thưa ông, vì sao tuyến đường lại bị thiết kế cong như vậy?
Hiện trường đường Trường Chinh (Hà Nội) đang thi công mở rộng. |
Nói về quy định, dự án tuân thủ các quy hoạch được công bố, cụ thể là phù hợp với Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND của thành phố công bố chỉ giới đường đỏ tuyến đường này. Ngoài ra, lý do mà Sở Quy hoạch Kiến trúc giải thích là vào năm 1998, tuyến đường được thiết kế mở rộng tất cả về phía Bắc. Tuy nhiên, do việc mở rộng tuyến đường có sử dụng đất quốc phòng nên Văn phòng Kiến trúc sư trưởng lúc đó (Sở Quy hoạch Kiến trúc hiện nay - PV) phải thỏa thuận với Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc Phòng có ý kiến là lấy về phía Bắc 6m, lấy về phía Nam đủ để đường rộng 53,5 m. Sau đó, Viện Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thay mặt Văn phòng Kiến trúc sư trưởng đưa bản vẽ để Bộ Quốc phòng ký xác nhận.
Vì đoạn này mở rộng về phía Bắc, đoạn kia mở rộng về phía Nam sẽ dích dắc nên trong bản vẽ trên, Viện Quy hoạch Kiến trúc xử lý bán kính cong, vuốt nối giữa các đoạn. Trong quyết định công bố chỉ giới đường đỏ của UBND thành phố ghi rất rõ là vuốt nối tại đâu.
Ông nghĩ gì khi dư luận cho rằng, việc để đường cong là để tránh nhà quan hay trụ sở doanh nghiệp nào đó?
Chính các đoạn vuốt nối trên đã gây ra xung đột lợi ích của một số hộ dân, nên họ có ý kiến. Còn trong quá trình làm việc, chúng tôi chưa hề có một văn bản nào nói là để tránh nhà ai. Cơ sở để thực hiện là văn bản của Bộ Quốc phòng và được thực hiện đúng như vậy.
Xét từ góc độ lợi ích của Nhà nước, khi sử dụng đất quốc phòng chỉ phải bồi thường tài sản trên đất, bằng khoảng 20% kinh phí mở rộng lên phía Bắc; giải tỏa lên phía Bắc sẽ tốn gấp 5 lần. Như vậy là bảo vệ lợi ích của nhà nước chứ không bảo vệ lợi ích các quan chức.
Vì sao sau khi lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, các cơ quan thiết kế không lấy về một bên để đường thẳng?
Sử dụng đất quốc phòng có đoạn đấy, ý kiến của Bộ Quốc phòng cũng nói về đoạn đấy thôi. Đúng là muốn thẳng phải sửa tổng thể 2 đoạn kia. Nhưng khi chỉ giới đường đỏ đã công bố, sửa lại mới là sai.
Nhưng từ năm 2000, Quân chủng Phòng không Không quân đã có ý kiến là lấy về phía Nam giống như Bộ Quốc phòng sau này. Vì sao mọi việc không được tính toán từ lúc đó?
Cái này Ban dự án không trả lời được mà phải hỏi Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Các hộ dân cho rằng, nếu làm như hiện nay, tim đường Trường Chinh mới sẽ đâm vào trụ cầu vượt Ngã tư Vọng, không đi vào khoảng trống lớn nhất dưới cầu này. Việc đó có ảnh hưởng đến giao thông không?
Ông Nguyễn Đức Hưng |
Vấn đề này không thuộc chức năng của Ban nhưng các phương án tổ chức giao thông là rõ, nghiên cứu tổng thể và chi tiết. Người dân cũng không phải lo sợ.
Tóm lại là tuyến đường được thiết kế trên quan điểm của Bộ Quốc phòng, sử dụng ít ngân sách nhà nước nhất và an ninh với Bộ Quốc phòng được bảo đảm. Lấy đất của Bộ Quốc phòng chỉ mất có 26 tỷ đồng, lấy phía bên kia gấp 5 lần (khoảng 130 tỷ đồng- PV)
Những biện pháp thiết kế đưa ra thế nào để đảm bảo an toàn giao thông?
Để đảm bảo an toàn giao thông, thiết kế tính toán ở tốc độ, bề rộng bán kính cong. Tuyến đường này vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn 2 đô thị.
Là kỹ sư giao thông, nếu được chọn phương án cong và thẳng trước khi có chỉ giới đường đỏ, ông chọn phương án nào?
Nếu mà thẳng thì dễ quá, cong mới phải tính toán các yếu tố kỹ thuật đi kèm. Nhưng trường hợp này, đường cong ít tiền hơn cả trăm tỷ đồng.
Cảm ơn ông.
Đường cong, dân mất thời gian, xăng xe ai chịu ?
TS. Trần Hữu Minh (Đại học GTVT Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc, các tuyến đường cong vẫn đảm bảo an toàn giao thông khi áp dụng các biện pháp xử lý kỹ thuật.
Tuy nhiên, khi tuyến đường cong sẽ dẫn đến việc người tham gia giao thông mất thời gian, xăng xe, hỏng hóc phương tiện... Theo TS Minh, tiết kiệm chi phí một tuyến đường không thể tính đơn giản là tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng.
“Mỗi người bị trễ mất 3 phút khi qua tuyến đường này, nhân lên cả chục nghìn lượt qua đây 1 ngày; tính trong một năm chi phí xã hội cho đường cong này là rất lớn, có thể lớn hơn nhiều chi phí mặt bằng. Tôi không hiểu vì sao, trong quy hoạch chung của Thủ đô, tuyến đường được vẽ thẳng, khi làm lại cong như vậy. Nếu là tôi, sẽ chọn phương án thiết kế đường đi thẳng vì nó còn liên quan đến mỹ quan đô thị”, TS Minh nói.
Theo Tiền Phong