Biệt thự quan chức: Vòng vo khó tránh nghi ngờ

Thứ sáu, 28/02/2014, 07:55
Đã đến lúc cán bộ, công chức nên sẵn sàng cho việc minh bạch tài sản, thu nhập, để nếu những tài sản lớn phát lộ, công luận không phải nghi ngờ.

Thế nào là giàu "chính đáng"?

Thông tin nguyên Tổng thanh tra Chính phủ có tài sản "khủng" đang tạo ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Suy cho cùng, đó cũng là một phản ứng khá tự nhiên, khi một người đột nhiên giàu có vượt bậc so với mức thu nhập bình thường của đại đa số, bao giờ cũng sẽ bị đặt câu hỏi: Họ làm gì mà giàu thế nhỉ?

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó là tài sản được tạo dựng một cách chính đáng, nghĩa là phải hợp pháp và hợp lý. Vậy cán bộ, công chức giàu trước hết phải hợp pháp.

Hiện nay, nhà nước đã có chính sách cởi mở hơn để phát huy nguồn lực trong đội ngũ của Đảng khi cho phép đảng viên được làm kinh tế không hạn chế quy mô, mức độ, ngành nghề mà pháp luật không cấm (Hội nghị TW 12 Khóa X).

Nhưng cán bộ, công chức không phải là đối tượng được phép kinh doanh. Luật Doanh nghiệp quy định cán bộ, công chức không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (điều 13). Quy định này cũng phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, nhằm hạn chế việc lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi (điều 18). Đó là quy định phù hợp trong điều kiện của VN hiện nay.

Biệt thự khủng, quan chức, Trần Văn Truyền, minh bạch tài sản, tham nhũng, kê khai tài sản

Cổng vào biệt thự ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ. Ảnh: Soha

Không được kinh doanh, vậy tài sản, thu nhập được xem là chính đáng của cán bộ, công chức có thể hình thành từ đâu?

- Tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân.

- Tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của của vợ/chồng và con chưa thành niên.

- Tài sản được tặng cho, thừa kế...

Tất cả những tài sản, thu nhập trên đều có thể chứng minh bằng bảng lương tại cơ quan, đơn vị công tác, bằng các văn bản tặng cho, thừa kế có giá trị pháp lý, bằng quá trình kê khai và nộp thuế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Những việc này hoàn toàn nằm trong khả năng.

Suy nghĩ "một người làm quan cả họ được nhờ" đã hình thành từ rất lâu đời và vẫn đúng với hiện tại là có lý do, khi mà vấn nạn con ông cháu cha, chạy chức chạy quyền vẫn diễn ra âm ỉ. Khi mà tài sản kếch xù chỉ là phần nổi của tảng băng tham nhũng, hối lộ mà ai có chức có quyền mới có cơ hội để thực hiện.

Thế nhưng, những ngờ vực này chưa bao giờ được làm sáng tỏ. Việc Tổng cục trưởng nọ có mấy chục lô đất vàng ở Đồng Nai, dinh thự trăm tỷ của Bí thư tỉnh ủy kia,... Tất cả những nghi án đó đều chưa có câu trả lời rõ ràng và thỏa đáng trước công luận.

Không thể đòi hỏi công luận phải tin hoặc không nên nghi ngờ khi mà đương sự hoặc những bên có liên quan dường như không có một động thái nào đủ thuyết phục để chứng minh điều đó.

Nếu vẫn tiếp tục vòng vo hoặc im lặng thì sự nghi ngờ sẽ còn là con dao hai lưỡi ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cán bộ, công chức cũng như lòng tin của nhân dân.

Công khai, minh bạch: thuốc "đặc trị"

Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đã quy định:

Kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc tài sản tăng.

Nếu có tài sản tăng thêm thì người có nghĩa vụ kê khai tự giải thích, chứng minh về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai trước đó.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền có quyền xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực, chính xác của việc kê khai tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục.

Bản kê khai được sử dụng trong một số trường hợp, trong đó có phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc công khai, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xác minh, kết luận, xử lý về hành vi tham nhũng;

Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và đây là thời điểm cần thiết để công khai và đối chiếu những thông tin đã tự kê khai và những thông tin do công luận cung cấp. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn, khác biệt, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người có nghĩa vụ kê khai.

Công luận có lúc "vơ đũa cả nắm", nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận không có lửa làm sao có khói. Nếu không xử lý đến nơi đến chốn, làn khói đó có thể lan xa và phủ một màu xám xịt lên tất cả các cán bộ, công chức, kể cả các cán bộ, công chức giàu một cách rất chính đáng.

Đã đến lúc cán bộ, công chức nên sẵn sàng cho việc minh bạch tài sản, thu nhập, để nếu những tài sản có giá trị lớn bị phát lộ, cũng sẽ được công luận đồng tình ủng hộ hơn là nghi ngờ. Vì cây ngay thì không sợ chết đứng.

Cán bộ, công chức giàu không xấu, con cái của cán bộ, công chức giàu càng không xấu. Nhưng sự giàu có mà cần phải che đậy thì dễ làm nảy sinh nghi ngờ về tính chính đáng lắm!

Theo VNN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích