Gặp người Việt vượt đại dương bằng bè mảng

Thứ năm, 27/02/2014, 12:38
Là người duy nhất của Việt Nam vượt đại dương bằng bè mảng, đến nay đã hơn 20 năm trôi qua, song ông Lường Viết Lợi (55 tuổi) quê Sầm Sơn (Thanh Hóa) vẫn còn nhớ mãi về ký ức đó.

110 ngày vượt đại dương

Đến nay ông Lợi đã ở cái tuổi cuối chiều, song ông vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm của thời trai trẻ dám để cả vợ và 3 đứa con thơ ở nhà để cả gan vượt đại dương bằng bè mảng với nhóm người ngoại quốc.

Gặp chúng tôi ông Lợi vui lắm, ông vui vì từ cái ngày ông vượt đại dương bằng bè mảng (năm 1993) đến nay đã 20 năm trôi qua ông mới được kể lại câu chuyện thừa sống thiếu chết 110 ngày lênh đênh trên biển.

Ông Lợi đang kể lại cuộc hành trình vượt đại dương bằng bè mảng của mình.

Rót chén nước chè mời khách, ông Lợi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vượt đại dương của mình.

Vào năm 1993, ngày ấy gia đình ông Lợi nghèo lắm. Nghề chính của ông là làm mộc, song những ngày rảnh rỗi ông lại theo bố đi biển. Một hôm có một người ngoại quốc có tên Tim Xeevorin người Ailen là một nhà hàng hải mà cũng là nhà văn nổi tiếng đến Việt Nam đề cập vấn đề với ông được làm bè mảng để vượt đại dương.

Khi nghe xong câu chuyện, bản thân ông Lợi cho rằng người ngoại quốc kia “điên rồ”, bởi ông nghĩ chẳng có cái bè thô sơ nào mà lại vượt được đại dương như vậy, lại rất mạo hiểm có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào ở biển khơi.

Ban đầu ông Lợi nghe xong cũng chùn bước, nhưng Tim nói  di chỉ văn hóa ở châu Mỹ gần giống với di chỉ văn hóa Đông Sơn, Tim cho rằng từ lục địa xa xôi người ta đã vượt đại dương bằng chiếc bè thô sơ để giao lưu kinh tế, văn hóa, ông muốn dùng thực nghiệm để trả lời cho câu hỏi đó.

Vậy là ông Lợi nhận lời làm bè mảng cùng Tim để vượt đại dương. Ông kể, ngày đó ông và hàng chục bà con cùng gia đình tham gia đóng bè. Chiếc bè đầu tiên đóng nhỏ, ghép bằng 50 cây luồng để đem thử thách trong sóng gió biển cả. Chiếc này ông Lợi được giao phụ trách phần mộc và kiểm tra, đôn đốc.

Hình ảnh chiếc bè mảng vượt Thái Bình Dương.

"Ngay từ chiếc thứ nhất tôi đã rất hứng thú về hành trình vượt đại dương bằng bè mảng của Tim nên tôi nêu nguyện vọng được đi cùng đoàn thám hiểm và được chấp nhận" - ông Lợi mừng vui nhớ lại thời khắc đó.

Sau khi đã thử thách chiếc bè đầu tiên, Tim bắt tay vào làm bè lớn chiều dài 20 mét, rộng 6 mét, cao gần 1 mét được ghép 4 lớp ( lớp luồng, lớp gỗ) tổng cộng 500 cây luồng.

Đến ngày 16/3/1993, chiếc bè làm xong, ông Lợi được giao nhiệm vụ đưa chiếc bè ra Hòn Gai (Quảng Ninh). Bè được chiếc tàu hải quân kéo đi mất hai ngày, ở đó bè được lắp buồm. Sau 10 ngày buồm làm xong, bè được cẩu lên một chiếc thuyền của Việt Nam chở sang Hồng Kông, tại đây chuẩn bị đầy đủ hành lý để lên đường.

Đối mặt với tử thần

Ngày 17/5/1993, chiếc bè mảng mang quốc kỳ Ailen và Việt Nam bắt đầu vượt chặng đường đầu tiên Hồng Kông – Đài Loan, ông Tim làm trưởng đoàn, ông Rô bác sĩ người Anh, ông Giép Phi, ông Mác là người Hồng Kông cùng đi.

“Chặng đường này đoàn gặp 4 trận bão. Một trận lớn khiến cột buồm bị gẫy, 5 người vật lộn mãi mới có thể khắc phục được. Khi đến Đài Loan mọi người đã lên cảng hết, chỉ còn duy nhất tôi không được lên bờ.

Họ cho rằng tôi là người vượt biên trái phép, lúc này mấy người Tây đấu tranh cho tôi, họ còn bảo đây là bè của người Việt Nam làm nên phải có người Việt đi cùng để sửa chữa nên tôi mới được lên bờ”, ông Lợi nhớ mãi.

Tại Đài Loan, NiNa (người Nhật) đã lên bè đi cùng đoàn. Ngày 5/8, bè bắt đầu cuộc hành trình vượt đại dương đi Mỹ. Dự định chuyến đi 100 ngày nhưng phải mất 110 ngày mới tới nơi. Trên đường đi, NiNa ở lại Nhật Bản.

(Ảnh tư liệu do ông Lợi cung cấp).

Chặng đường này ông Lợi bị đau ngực, ông Tim bị cánh buồm đập vào người gẫy cả hai xương sườn phải nằm liệt suốt một tuần trời.

“Việc ăn ngủ, sinh hoạt trên bè chúng tôi có thực đơn hằng ngày, phân công nhau nấu cơm và rửa bát, rất bình đẳng, còn ban đêm thì thay ca nhau trực, cứ ngủ 2 giờ thì thức 4 giờ, lúc nào cũng có 2 người thức trực”, ông Lợi kể.

Ông Lợi kể tiếp, trong chuyến vượt đại dương này đoàn của ông liên tục bị hỏng bè, có những lúc đứt nối làm ông phải ngâm mình dưới nước cả ngày để buộc lại lạt. Sóng to, mưa lớn liên tục đe dọa đến tính mạng.

“Tôi còn nhớ như in hai lần cả đoàn thoát chết, đó là lần trời tối bè đi không có đèn báo hiệu suýt nữa bị tàu trọng tải lớn đâm vào. Tôi phải đánh lái hết cỡ mới lách được, khi tàu lớn đến nơi thì đã sát mạn bè.

Cú thứ hai là gặp nhóm cướp biển, bọn chúng leo lên bè, nhưng do trên bè không có của cải gì nên chúng tha cho, không thì cũng bỏ mạng rồi”, ông Lợi kể.

Đến ngày 29/9, bè đến hải phận Mỹ. Bè đi gần đến đất liền thì gặp gió đông, suốt 10 ngày bè bị đi giật lùi, khi còn cách đất liền khoảng 1000 dặm thì bè không thể tiến thêm chút nào nữa, tàu Mỹ phải ra đón vào đất liền.

Ngày 25/11/1993, đoàn thám hiểm đã đi tàu Nhật về Tokyo, sau đó các thành viên về nước mình. Còn ông Lợi trở về Hồng Kông sau đó bay về sân bay Nội Bài sau 6 tháng hành trình tính điểm xuất phát từ Hồng Kông.

Bà Đàm Thị Thái, Phó phòng Văn hóa - Thông tin, TX Sầm Sơn cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý cho phục dựng lại bè mảng để giới thiệu khi du khách đến du lịch Sầm Sơn như một nét văn hóa truyền thống của địa phương.

Ông Lợi cũng chia sẻ, ông sẵn sàng phục dựng lại bè mảng khi TX Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa đồng ý.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn