Người Việt Nam thạo tiếng Anh hơn nhiều nước châu Âu?

Thứ hai, 20/01/2014, 16:29
Báo GĐ&XH (số 8, ra ngày 17/1) đã đăng tải nhiều ý kiến xung quanh việc Bộ GD&ĐT dự thảo không đưa môn Ngoại ngữ làm môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây vì cho rằng việc học và thi ngoại ngữ ở nước ta đang lỗi thời. Ngày 18/1, Tổ chức giáo dục quốc tế EF (Education First) đã đưa ra công bố về chỉ số tiếng Anh của Việt Nam khiến nhiều người sửng sốt.
Người Việt Nam thạo tiếng Anh hơn nhiều nước châu Âu? 1

Theo các chuyên gia giáo dục, bỏ thi môn ngoại ngữ sẽ làm hạn chế Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Ảnh: TL

Hơn Pháp và nhiều nước trong khu vực

Theo công bố của EF, năm 2013, Việt Nam đã vươn lên thứ hạng 28/60 nước (năm 2012, Việt Nam đứng thứ 31) và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng chỉ số thông thạo trình độ tiếng Anh, cao hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Thậm chí, chỉ số này của Việt Nam còn cao hơn một số nước châu Âu như Ý, Pháp… Trong khi đó, một số nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, có đầu tư lớn nhưng mức độ sử dụng thành thạo tiếng Anh lại giảm nhẹ.

Chỉ số thông thạo Anh ngữ EPI (English Proficiency Index) năm 2013 được khảo sát trên 750.000 người tại những nước không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Ông Minh Trần, Giám đốc dự án khảo sát này cho biết, đây là một bài kiểm tra trên mạng miễn phí, người tham gia tự làm bài nếu muốn đánh giá khả năng tiếng Anh của mình.

Mặc dù bản báo cáo trên chỉ mang tính tham khảo cho người học, cho các nhà hoạch định chính sách nhưng với việc xếp hạng 28/60 nước và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát, đây thực sự là dấu hiệu đáng mừng cho giáo dục Việt Nam khi trình độ tiếng Anh của người dân ngày càng được cải thiện.
Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay còn nhiều bất cập, chất lượng thấp, trình độ, năng lực của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa chênh lệch so với các thành phố. Hơn nữa, cách thức thi cử môn ngoại ngữ lạc hậu, bằng trắc nghiệm cũng chỉ đánh giá học sinh về từ vựng, ngữ pháp. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT có phương án “không bỏ môn thi ngoại ngữ mà khuyến khích học sinh thi môn này để cộng điểm tốt nghiệp”.

Bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc tổ chức EF khu vực miền Bắc nhận xét, việc đào tạo ngoại ngữ trong nước hiện đã lỗi thời so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, bà Vân không cho rằng việc ngừng đưa môn ngoại ngữ vào làm môn thi chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là tốt, nhất là trong bối cảnh nhiều học sinh trong nước đang chủ yếu học để thi như hiện nay.

Thiệt thòi cho học sinh vùng khó khăn

Với phân tích trên đây, bà Vân cho rằng, nếu không đưa môn ngoại ngữ vào làm môn thi chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ ảnh hưởng đến nhiều học sinh ở vùng khó khăn, bởi các em khó có cơ hội tiếp cận với ngoại ngữ vì không có điều kiện theo học tại các trung tâm ngoại ngữ.
Còn theo ông Minh Trần, việc bắt buộc thi môn ngoại ngữ hay không, thực sự không quan trọng. Quan trọng là hiệu quả của việc sử dụng ngoại ngữ trong công việc như thế nào. Nhận xét này cũng phù hợp với nghiên cứu của EF khi qua các chương trình khảo sát ở 60 quốc gia trên thế giới cho thấy, càng giỏi ngoại ngữ, thu nhập càng cao và xác suất giao dịch thương mại của cá nhân đó càng lớn.

Ông Nguyễn Thế Đại, Hiệu trưởng Trường Hà Nội Academy nhận định, tiếng Anh là công cụ không thể thiếu trong xu thế hội nhập. Đặc biệt, riêng ở Việt Nam, thi cử là động lực để học sinh học tập. Vì vậy, không nên bỏ ngoại ngữ trong các môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ông Đại cũng cho rằng, kết quả khảo sát của EF không thể phủ kín được biểu đồ giáo dục ở Việt Nam vì ngoại ngữ đang phát triển chủ yếu ở khu vực thành phố. “Vùng trũng” ngoại ngữ chủ yếu tập trung ở nơi nghèo và khu vực nông thôn. Trước đây, chúng ta có cách làm khá hợp lý, vùng nông thôn không có điều kiện học ngoại ngữ có thể dùng môn khác thi thay thế.
Còn những vùng đang phát triển đào tạo ngoại ngữ, nên tùy điều kiện của địa phương để khuyến khích. “Trong khi việc học ngoại ngữ đang phát triển rất tích cực như hiện nay, việc dự tính bỏ thi môn ngoại ngữ sẽ làm hạn chế Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Trên lý thuyết, Bộ GD&ĐT muốn dừng lại một số năm để tiến tới chất lượng đồng đều giữa các vùng miền. Tuy nhiên, lý thuyết vẫn là lý thuyết nếu không có phương pháp thích hợp”, ông Đại nói.
Theo Gia Đình

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích