Dân “thách”…
Dân Đà Nẵng “thách” lãnh đạo TP để dân giơ tay biểu quyết là chuyện vừa xảy ra chiều 20/3 tại buổi tiếp xúc của ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP với 101 hộ dân ở các tổ 10,11, 12, 13 khu vực Cầu Vồng 2.
Nhiều hộ dân trong "khu ổ chuột" cạnh chợ Cồn đã sống ở đây qua nhiều thế hệ! (Ảnh: HC) |
Như Infonet đã đưa tin, hai ông đến là để bàn với người dân các tổ này về chuyện giải tỏa “khu ổ chuột” cạnh chợ Cồn mà rất nhiều hộ đã sống ở đó cả nửa thế kỷ qua, dù nơi đó nằm giữa trung tâm sầm uất nhất của một TP đang phát triển rất nhanh chóng. Ai từng đến nơi đây sẽ thấy, các hộ dân này gần như nằm ngoài sự đổi thay của Đà Nẵng sau 40 năm giải phóng. Nói như ông Trần Thọ, Đà Nẵng xưa thế nào thì các hộ dân này vẫn thế!
Bà Nguyễn Thị Hương ở tổ 10 cho biết: “Hầu hết dân trong tổ của tôi đã sống ở đây hơn… 50 năm!”. Có cụ bà hơn 90 tuổi tới đây từ hồi… còn con gái. Giờ không chỉ con cái cụ đã có dâu rể mà dâu rể cũng đã có… con cái. Cả mấy thế hệ “chôn chân” ở túp nhà chưa tới 10m2 trong “khu ổ chuột” này, bởi cuộc sống của họ gắn liền với lúc sáng sớm, buổi chiều hôm buôn thúng, bán mẹt quanh chợ Cồn kiếm ngày hai bữa.
Tuy nhiên, trước cuộc tiếp dân chiều 20/3 ít lâu, có dư luận báo chí cho rằng Đà Nẵng dự định xây dựng lại chợ Cồn đã xuống cấp nghiêm trọng thành trung tâm thương mại là… chạy đua theo các nơi khác, là vì lợi ích của nhà đầu tư mà bất chấp sự sống còn của tiểu thương… Từ đó họ cho rằng, việc TP này muốn giải tỏa “khu ổ chuột” cạnh chợ Cồn chính là bước đầu tiên để tiến tới biến ý định đó thành hiện thực.
Và vì thế, chiều qua, trong số khá đông PV đến dự, có một số người sẵn sàng “tâm thế” để đưa tin về sự phản đối của người dân “khu ổ chuột”. Họ càng tin chắc điều đó khi chính ông Trần Thọ phải tự nói ra những câu hỏi có thể lẩn khuất trong suy nghĩ của người dân: “Giải tỏa đi rồi chỗ đó mấy ông làm chi? Hay tính cho nhà đầu tư vô đây mà không nói?”.
Đáp lại, ông Lê Đình Mãi ở tổ 10 nói: “Sau 40 năm giải phóng, mọi nơi đều đổi mới vậy mà Cầu Vồng 2 vẫn cứ là khu ổ chuột. Tôi nghe nói khu này nằm trong dự án xây dựng chợ Cồn thành trung tâm thương mại lâu rồi nhưng không thực hiện. Không phải người dân không đồng thuận, vì ai cũng muốn xây dựng nơi đây đẹp đẽ hơn, còn họ có chỗ ở rộng rãi hơn, kinh tế vững vàng hơn!”. Rồi ông bất ngờ “thách”: “Ông Bí thư cứ thử cho mọi người biểu quyết đi. Tôi tin chắc 100% các hộ ở đây sẽ đồng tình!”.
Ông Lê Đình Mãi: "Ông Bí thư cứ thử cho mọi người biểu quyết đi. Tôi tin chắc 100% các hộ ở đây sẽ đồng tình!” |
Vì dân tin…
Quả nhiên, khi hai vị lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị người dân biểu quyết có đồng ý với chủ trương của TP về việc giải tỏa “khu ổ chuột” cạnh chợ Cồn hay không thì tất cả đều đưa tay đồng tình. Đó là vì họ cũng cảm nhận được điều như ông Hồ Văn Hiền ở tổ 11 phát biểu: “Thấy Bí thư, Chủ tịch TP xuống bàn bạc, lắng nghe ý kiến của dân, suy nghĩ đầu tiên của tôi là thấy rất dân chủ và có cái gì đó rất vì dân!”.
Hay phát biểu của bà Nguyễn Thị Hương: “Việc này tôi chờ đợi từ rất lâu rồi. Thấy lãnh đạo TP quyết tâm giải tỏa để cải thiện cuộc sống người dân ở đây và làm cho TP sạch đẹp hơn, tôi rất đồng tình. Sau rất nhiều năm chờ đợi, hôm nay tôi tin chắc mình sẽ đến nơi mới tốt đẹp hơn vì tôi thấy ông Bí thư, Chủ tịch đưa ra các phương án cho dân tự chọn chứ không phải áp đặt, bắt buộc là rất hay!”.
Và vì họ cũng tin lời những lời của ông Trần Thọ, như: “Chưa có nhà đầu tư nào đặt vấn đề về chỗ này mà chỉ có một việc: TP ưu tiên giải quyết cho cuộc sống của người dân ở đây”... “Tính gì đó thì tính nhưng cuối cùng người dân phải có lợi hơn, có cuộc sống, có chỗ ở tốt hơn và nếu tính về kinh tế thì cũng có lợi hơn chứ Nhà nước không tính thiệt hơn với người dân trong việc này!”. Hay của ông Huỳnh Đức Thơ: “TP làm các chỗ khác mới tính khai thác quỹ đất, còn khu vực này hoàn toàn không!”.
Dân giúp lãnh đạo “sáng” ra nhiều vấn đề
Trong sự tin tưởng lẫn nhau đó, dân “khu ổ chuột” đã giúp TP sáng ra nhiều điều. Chẳng hạn trước cuộc tiếp dân, Bí thư và Chủ tịch TP đã họp với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan để chuẩn bị. Có người đề nghị thực hiện đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư theo giá Nhà nước như lâu nay vẫn làm. Nhưng nhiều ý kiến đề nghị đền bù giải tỏa theo giá thị trường rồi dân tự mua đất theo giá thị trường, nếu mua đất của Nhà nước cũng theo giá thị trường. Như thế “khỏe” cho Nhà nước mà dân khỏi thắc mắc sao không đền bù theo giá thị trường.
Người dân vỗ tay đồng tình... |
và biểu quyết đồng thuận với chủ trương giải tỏa "khu ổ chuột" cạnh chợ Cồn của lãnh đạo TP Đà Nẵng! |
Đến khi biểu quyết, bất ngờ 100% hộ dân “khu ổ chuột” cạnh chợ Cồn vốn rất nhạy với mấy chữ “giá cả thị trường” đều đồng tình với phương án đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư theo giá Nhà nước. “Tôi nói rồi, cứ xuống hỏi dân, dân sẽ cho mình biết nên làm thế nào. Đừng có ở trên này phán xuống rồi cứ tưởng ý dân giống ý mình. Đấy, các anh thấy chưa, có chỗ ý dân đâu có giống ý mình!” – ông Trần Thọ nói.
Tương tự, theo UBND quận Hải Châu báo cáo thì toàn bộ nhà, đất của 101 hộ dân đều là “đất ở”, chỉ có số ít là “đất lấn chiếm”. Nhưng khi tiếp dân, lãnh đạo Đà Nẵng mới “nghe cũng hơi lạ” khi anh Nguyễn Văn Phúc (ở tổ 10) và một số trường hợp khác cho biết họ ở nhà thuê của Nhà nước (vốn là ga xe lửa tạm ở chợ Cồn) từ năm… 1960 đến nay. Năm nào họ cũng nộp thuế đất nhưng không làm được sổ nghiệp chủ...
“Trường hợp ở liên tục qua nhiều thế hệ, gốc gác lâu đời nhưng có thể có vấn đề gì đó chưa làm được sổ nghiệp chủ thì vẫn được cân nhắc thỏa đáng chứ không phải lo gì đâu. Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ họp xét các trường hợp này rất kỹ. Có những hộ mặc dù chưa làm sổ đỏ nhưng vẫn có thể có quyền lợi tùy theo tính hợp pháp của việc sử dụng đất đai một cách liên tục. Tuy không bằng người có nhà, đất hợp pháp, chính chủ nhưng cũng chắc chắn sẽ tốt hơn!” – ông Huỳnh Đức Thơ trả lời.
Và dân cũng đòi hỏi lãnh đạo phải bản lĩnh, uyển chuyển
Thực tế cho thấy, tuy lãnh đạo Đà Nẵng có sự chuẩn bị nhưng tới cuộc tiếp dân vẫn phát sinh nhiều vấn đề cần được phản hồi một cách nhanh chóng để người dân an tâm. Điều đó đòi hỏi họ phải thật bản lĩnh và uyển chuyển chứ không thể cứng nhắc theo sự bàn bạc, thống nhất sơ bộ với lãnh đạo các ban, ngành, địa phương trước đó.
Chứng kiến cảnh sống như thế này của người dân, lãnh đạo Đà Nẵng càng quyết tâm giải tỏa "khu ổ chuột" cạnh chợ Cồn! |
Đơn cử như tình huống ông Lê Đình Mãi đưa ra: Gia đình ông có 2 – 3 thế hệ dù đã tách hộ nhưng vẫn ở chung một nhà. Nay giải tỏa, bản thân ông sẽ có được lô đất hoặc căn hộ mới, nhưng các hộ “con” thì có được xem xét không, hay vẫn tiếp tục dồn vào một chỗ như trước?
Cách trả lời của ông Huỳnh Đức Thơ đúng, nhưng khá nguyên tắc: “Hiện bà con ở 2 – 3 thế hệ chỉ có 30 - 40m2, giờ đến nơi 100m2 thì chừng đó người ở vẫn rộng hơn nơi cũ chứ. Nếu đòi hỏi mỗi người con có vợ, có chồng cũng phải có một lô riêng thì khó lắm. Tùy hoàn cảnh cụ thể, TP sẽ xem xét nhưng rõ ràng làm cho tốt hơn chứ không thể thỏa mãn mọi mong muốn được!”.
Sau một hồi suy nghĩ khá lâu, ông Trần Thọ bổ sung thêm: “Ngoài cơ chế chính sách được hưởng, các gia đình có 2 – 3 thế hệ nếu sau khi bố trí tái định cư mà vẫn quá chật thì TP có thể xem xét bán thêm đất nhưng với hệ số khác, thấp hơn giá thị trường một chút để các hộ đó giải quyết khó khăn!”.
Tương tự, lãnh đạo TP cũng thống nhất, đối với các hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo, sau khi đến bù mà vẫn chưa đủ tiền thì TP sẽ vận động các đoàn thể hỗ trợ thêm cho họ có tiền làm nhà hoặc mua căn hộ chung cư. Trường hợp quá đặc biệt thì Chủ tịch UBND TP sẽ xem xét có sự hỗ trợ cá biệt mà các hộ khác không được có sự phân bì, so đo!
Họ trực tiếp tiếp xúc, đối thoại thẳng thắn với người dân để tìm ra sự đồng thuận! |
Đơn giản nhưng rất thấm!
Tất nhiên gần 2 giờ chưa thể đủ để người dân “khu ổ chuột” đồng thuận hết ngay mọi vấn đề có liên quan trực tiếp và trọng đại đối với cuộc sống, miếng cơm manh áo của họ lẫn con cái, cháu chắt. Thế nên, dù không có ý kiến phản đối nhưng tại cuộc tiếp dân chỉ mới có 33/101 hộ đưa tay hoàn toàn đồng ý với phương án đền bù, bố trí tái định cư mà lãnh đạo TP Đà Nẵng đưa ra. Số còn lại đang suy nghĩ thêm.
Và lãnh đạo Đà Nẵng lại có thêm sáng kiến hay khi cho biết sẽ phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ dân. Nếu đủ 80% số hộ đồng ý thì bắt tay vào làm; còn chưa đủ thì tiếp tục vận động cho tới khi nào đủ mới tiến hành; đồng thời tiếp tục thuyết phục, giải thích để số hộ còn lại đồng tình với chủ trương chung vì lợi ích của cộng đồng.
Ông Trần Thọ lý giải nghe đơn giản nhưng rất thấm: “TP quyết tâm làm là để cải thiện cuộc sống của người dân. Dân chưa hiểu thì giải thích đến khi họ đồng thuận thì mới làm, chứ đừng để tới khi làm lại nói qua nói về, mời lên, mời xuống, rồi cưỡng chế này nọ khiến tình cảm của Đảng, Nhà nước với nhân dân không hay ho gì!”.
Thật ra cách làm này của Đà Nẵng đâu phải quá khó, nếu “Nhà nước không tính thiệt hơn với dân” như lời ông Trần Thọ nói!
Theo Infonet