Vụ mất tích đầy bí ẩn
Thấy cậu con trai cả đi mấy ngày không về, vợ chồng ông Đinh Văn Inh và bà Đinh Thị Cái cùng với người dân thôn Ngau (xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) phân nhau đi tìm khắp nơi. Sau gần 2 tháng sống trong rừng sâu, Tuân trở về với gia đình, song bỗng có những khả năng đặc biệt.
Đến xã Phú Vinh, chúng tôi không khó tìm ra nhà của Tuân, ngôi nhà nhỏ lợp mái fibro ximăng nép sau hàng cây um tùm. Trong nhà, Tuân đang cặm cụi sửa những chiếc tivi, đồ đạc bày la liệt khắp nơi… Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về câu chuyện của mình, Tuân cười khẽ và bảo: “Các anh ngồi uống nước chờ một lát, tôi sửa xong nốt mấy thứ cho khách đang đợi lấy”.
Bà Cái (trạc 50 tuổi, mẹ Tuân) kể: “Chuyện xảy ra cách đây cũng lâu rồi. Đó là một ngày mùa đông giá lạnh năm 2004, Tuân bỏ đi không nói một lời nào. Ban đầu, vợ chồng tôi cứ nghĩ nó đi theo bạn bè đi chơi đâu đó một vài ngày rồi về, nhưng đợi mãi chẳng thấy nó đâu. Lo lắng, người nhà và nhiều người xung quanh đã chia nhau đi tìm. Chúng tôi phải mất gần 2 tháng (đúng 39 ngày) mới tìm thấy em nó sống trong một hang núi ở giữa rừng rồi đưa về nhà”.
Theo lời bà Cái, Tuân là con trai cả trong nhà, bên dưới còn 4 người em trai. Khi mới sinh ra, Tuân cũng bình thường như bao cậu bé khác trong làng. Vì cuộc sống gia đình khó khăn, Tuân chỉ học hết lớp 1 rồi phải ở nhà giúp bố mẹ chăm lo cho các em. Lớn hơn, Tuân theo bố mẹ lên nương, lên rẫy. Vì phải làm lụng vất vả, suốt ngày trên nương, trên rẫy, ít tiếp xúc với bạn bè nên Tuân trở nên ít nói.
Khi đến độ tuổi đôi mươi, Tuân đem lòng yêu thương một số cô gái trong làng, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên cả mấy mối tình đều thất bại. Đặc biệt là từ sau khi Tuân lên rừng sống rồi trở về, nhiều người ở làng cho rằng anh bị “ma rừng ám”.
Dù thời gian đã trôi đi cũng khá lâu rồi, nhưng những ký ức về những ngày tháng đó vẫn còn nguyên. Tuân chia sẻ: “Không biết “ma xui quỷ khiến” thế nào, tự nhiên tôi lại chạy lên rừng. Lần ấy, tôi đi mãi đi mãi, đi hết khu rừng này đến khu rừng khác. Có rất nhiều lần trèo lên núi bị trượt chân ngã may chỉ bị trầy xước, chứ không rơi xuống vực thì chỉ có nước chết. Trong rừng sâu không bóng người, đói thì tôi trèo cây hái quả ăn, khát thì xuống suối uống, đêm đến thì men theo sườn núi chỗ nào có hang có hốc thì vào ngủ.
Kể từ lúc vào rừng, tôi thấy mình rất “lạ”, tự nhiên tôi trèo cây rất giỏi, chạm vào lá han không bị ngứa. Vì lá han có lông rất độc, khi chạm vào người sẽ ngứa đến rộp da, sưng tấy. Ấy thế mà khi ấy, tôi không thấy có cảm giác gì là ngứa, chạm thoải mái không sao cả”.
Cũng nhiều lần, Tuân muốn về nhà vì đi lâu cũng thấy nhớ cha, nhớ mẹ nhưng lại không thể về. Tuân chia sẻ: “Rất nhiều lần, tôi muốn về nhà nhưng lại có ai đó như níu lại không cho về, có lần đã đi ra khỏi rừng rồi lại quay lại. Cứ thế, Tuân lang thang hết khu rừng này đến khu rừng khác. Thức ăn không chỉ có hoa quả mà cả cua, ốc, rắn và các con thú nhỏ.
Tuân ngậm tuốctơvít vào miệng cắm vào ổ điện, bút thử đèn báo sáng.
Từ rừng trở về bỗng có khả năng dị thường
Sau gần hai tháng sống ở rừng, Tuân được gia đình và dân làng đưa về hòa nhập với cộng đồng. Dần dần, cuộc sống của chàng trai người Mường cũng bắt nhịp bình thường và trở lại bình yên. Khi người dân trong thôn đã quên đi chuyện cũ thì chàng “người rừng” học hết lớp 1 lại khiến tất cả phải ngạc nhiên. Không hề đi học một trường lớp nào về sửa chữa xe máy, sửa chữa điện, điện tử, nhưng Tuân lại biết làm những công việc đó rất có nghề.
Bà Cái cho biết: “Vì nhà nghèo Tuân chỉ học hết lớp 1, nó cũng chẳng theo học lớp dạy nghề nào. Thế mà bỗng dưng lại biết sửa chữa đồ điện, sửa xe máy. Lúc đầu, mọi người trong xóm không tin, nhưng khi họ mang các đồ bị hỏng đến nó sửa lại được, từ đó ai hỏng cái gì lại là mang đến sửa. Tuân biết làm mấy việc ấy là từ khi sau khi ở rừng về thôi. Trước đấy, nó chưa biết gì”.
Anh Đinh Công Diều (người cùng thôn) cho biết: “Xe máy của tôi bị hỏng nên mang đến cho Tuân sửa. Mỗi khi đồ diện trong nhà bị hỏng cũng mang đến đây. Tuân sửa nhanh lắm, giá cả cũng vừa phải, không riêng mình tôi mà ở thôn rất đông người đều đến nhờ sửa. Chú ấy có khả năng đặc biệt lắm, sờ tay trực tiếp vào điện 220V mà không sao cả, anh không tin bảo chú ấy thử cho mà xem”.
Nghe anh Diều nói vậy, chúng tôi cũng tò mò muốn biết về khả năng dị thường của “người rừng” thực hư ra sao. Khi chúng tôi ngỏ lời, Tuân không ngần ngại và đồng ý biểu diễn ngay. Tuân nhắc nhở: “Khi tôi sờ vào điện, các anh đừng sờ vào nhé! Không điện giật đấy!”. Nói xong, Tuân đưa cho chúng tôi một chiếc bút thử điện và nói: “Lúc nào tôi chọc vào ổ điện thì các anh dùng bút thử vào bất cứ chỗ nào trên người tôi, sẽ có điện”.
Nói xong, Tuân cầm vào phần sắt của tuốctơvít đầu nhọn cắm trực tiếp vào ổ điện 220V. Quả nhiên, khi tôi dùng bút điện thử vào tay Tuân thấy đèn trong bút thử sáng lên. Không những thế, Tuân còn ngậm tuốctơvít vào miệng cắm vào ổ điện, bút thử đèn vẫn báo sáng.
Ngôi nhà nhỏ nơi Tuân đang sinh sống.
Chưa hết, Tuân còn có thể ăn được bóng điện. Anh lấy ngay một chiếc bóng điện cũ đã hỏng cho vào mồm nhai một cách ngon lành. Bà Cái nói: “Từ lần ở rừng về, bỗng dưng nó có khả năng lạ đấy. Lần đầu thấy nó lấy bóng điện ra ăn, tôi sợ quá gọi cả nhà ra can ngăn, nhưng nó vẫn ăn. Hôm ấy, tôi sợ, phải theo dõi cả ngày xem nó có bị làm sao không. Dù sau thấy nó không sao, nhưng tôi vẫn thấy sợ. Từ đó đến nay, nó đã ăn mấy cái bóng điện rồi đấy!”.
Lân la hỏi chuyện về nghề sửa chữa, Tuân cho hay: “Đúng, thực sự tôi không có tiền để đi học nghề, tôi biết sửa xe máy, sửa điện… là do mấy lần đi lên chợ, tôi học lén ở mấy cửa hàng sửa chữa, về lần mò ra thế là biết làm thôi”.
Câu chuyện về chàng trai người Mường Đinh Công Tuân - bỏ lên rừng sống bị người dân đồn thổi là bị ma rừng nhập - không quá xa lạ với người dân nơi đây. Nhưng từ sau khi từ rừng trở về, việc Tuân bỗng có khả năng “đặc biệt” vẫn còn là điều bí ẩn đối với mọi người trong thôn, trong bản. Nhưng một điều thực tế là sau khi trở về, Tuân đã trở lại cuộc sống bình thường và sống có ích.
Và nay, cũng như bao chàng trai khác khi đến tuổi trưởng thành đều mong muốn có một cuộc sống gia đình của riêng mình, Tuân cũng không ngoài lệ. Anh đang mơ về một cuộc sống gia đình trong tương lai gần. Tuân tâm sự: “Công việc của tôi hiện tại cũng giúp tôi kiếm ra tiền và tôi luôn cố gắng làm việc thật tốt. Nhưng chuyện quan trọng hơn cả là tôi mong sớm tìm được một nửa kia của mình”.
Ông Đinh Công Hà - trưởng thôn Ngau - cho biết: Chuyện anh Đinh Công Tuân là có thật. Trước đây, có thời gian anh Tuân bỏ lên rừng sống. Sau đó, anh được gia đình và bà con trong thôn động viên giúp đỡ trở về nhà. Bố mẹ anh Tuân có 5 người con, hoàn cảnh kinh tế cũng khó khăn. |
Khả năng của Tuân có thể là biến cố ngẫu nhiênLý giải về hiện tượng kỳ lạ của anh Tuân, TS.Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng - UIA - nói: “Trường hợp người sờ vào điện không bị giật, ăn thứ người khác thường không thể ăn đã từng được nhắc đến. Đối với người bình thường bỗng phát tác ra những khả năng này là do trải qua một biến cố gì đó trong cuộc sống. những biến cố đó có thể là về sức khỏe, về tâm lý, tai nạn… Nó đã sắp xếp lại các tổ chức, kết cấu trong cơ thể và phát ra những khả năng đặc biệt, giống như tai biến vậy. Tôi cũng khuyến cáo những người bình thường không nên học theo cách ăn bóng điện hay sờ vào điện, sẽ nguy hiểm đến tính mạng”. |
Theo Lao Động