Philippines kêu gọi tòa quốc tế bác bỏ 'đường lưỡi bò' của TQ

Thứ sáu, 10/07/2015, 10:48
Đại diện Philippines đã kêu gọi Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là phi pháp đồng thời cảnh báo sự nguyên vẹn của Luật Biển của Liên Hợp Quốc đang bị đe doạ.
Ngày 8/7, trong các bình luận mở đầu phiên tòa ở La Hay, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói nước này tìm kiếm sự can thiệp tư pháp vì cách cư xử của Trung Quốc ngày càng ‘hung hăng’ và các nỗ lực giải quyết thông qua đàm phán không cho thấy hiệu quả.
Ông del Rosario cho biết, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà cả Philippines và Trung Quốc đều phê chuẩn, cần được sử dụng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia.
Các đại diện của Philippines tại phiên tòa
"Vụ kiện lần này có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với Philippines, với khu vực và cả thế giới. Theo quan điểm của chúng tôi, vụ kiện này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự nguyên vẹn của Công ước, và đối với trật tự pháp lý của các biển và đại dương", Ông del Rosario nói.
Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố sở hữu hầu hết Biển Đông dựa trên ‘đường 9 đoạn’ đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia, mà nước này tự đưa ra.
Từ đầu năm 2013 đến nay, Philippines đã trình lên PCA nhiều tài liệu chứng minh tuyên bố ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Trong khi đó, Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và cho rằng PCA không có thẩm quyền xem xét vụ kiện của Philippines đồng thời kêu gọi nước này giải quyết vấn đề theo song phương.
Trong phiên điều trần đầu tiên tại phiên toà diễn ra ở The Hague, Hà Lan, ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã đưa ra 5 luận điểm bác bỏ ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc.
Lập luận của Philippines xoay quanh quyền đánh bắt cá, khai thác các nguồn lợi khác trong vùng biển phía Tây Philiplines dựa trên Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
"Quyền lịch sử"
Trung Quốc không có quyền áp dụng cái gọi là ‘quyền lịch sử’ đối với các vùng biển, đáy biển và lòng đất nằm ngoài giới hạn cho phép của nước này theo UNCLOS.
Ông Antonio Carpio, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines nói rằng ‘kể cả khi nó đúng’ thì những ‘quyền lịch sử’ đó cũng không liên quan gì đến các tranh chấp trên biển theo công ước.
"UNCLOS không công nhận tất cả các quyền lịch sử của các quốc gia", ông Carpio nói.
"Đường 9 đoạn"
‘Đường 9 đoạn’ hay còn gọi là ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc tự đưa ra không có bất cứ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế  để xác định giới hạn theo tuyên bố về “quyền lịch sử” của Trung Quốc.
Các bãi đá và đảo
Những đặc điểm hàng hải khác nhau mà Trung Quốc dùng làm cơ sở để đòi hỏi quyền lợi trên Biển Đông không phải là các đảo có thể phát sinh quyền về vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Theo khoản 3 Điều 121 của UNCLOS, đó chỉ là các bãi đá, mỏm đá nhô lên khi thuỷ triều rút.
Các hoạt động cải tạo các bãi đá này thành đảo nhân tạo của Trung Quốc gần đây cũng không thể thay đổi nguồn gốc tự nhiên và đặc điểm của chúng.
Vi phạm Luật Biển
Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi can thiệp vào việc thực thi quyền và phạm vi quyền của Philippines.
Phá huỷ môi trường
Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn đối với môi trường biển bằng việc phá hủy các rặng san hô, các hoạt động đánh bắt cá mang tính huỷ diệt và gây nguy hiểm, đánh bắt các loài sinh vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng trên vùng biển phía Nam Trung Quốc, bao gồm cả vùng EEZ của Philippines.
Theo VTCnews

Các tin cũ hơn