Công an đi bộ 4 giờ đường rừng để bắt lâm tặc

Thứ bảy, 11/07/2015, 08:45
5 lâm tặc đang dùng cưa xăng triệt hạ 3 cây sa mu quý hiếm có đường kính gần 3 m ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An) để kéo qua biên giới Lào bán cho đầu nậu bản địa thì bị bắt giữ.
Lâm tặc  đang vận chuyển Pơ Mu

Ngày 10/7, Công an huyện Quế Phong (Nghệ An) đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5 người có tuổi đời 25-40, đều trú tại xã Thông Thụ về tội Vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng.

Ông Đặng Văn Hiếu, Phó trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết, trước đó nhận được tin báo của quần chúng về nhóm lâm tặc đang khai thác gỗ trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, địa bàn xã Hạnh Dịch, sát biên giới Việt - Lào, tổ công tác gồm công an, quân đội, kiểm lâm đi bộ 4 giờ đường rừng để tuần tra.

Trưa 3/7, tại vùng lõi rừng đặc dụng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cách biên giới Việt - Lào khoảng một km, tổ công tác phát hiện 5 người đàn ông đang dùng cưa xăng cắt hạ 3 cây sa mu (loại sa mu đỏ thuộc nhóm 2A quý hiếm). Nhóm lâm tặc sau đó bị bắt giữ.

Theo ông Hiếu, lúc bị bắt giữ 5 người này đã cắt hạ được 2 cây sa mu hàng trăm năm tuổi, đường kính khoảng 2,5-2,8 m, cao 35-40 m. Cây thứ ba đang bị cắt dở. "Tổng số gỗ của cả ba cây sa mu bị khai thác trái phép vào khoảng 240 m3", ông Hiếu nói.

Tại cơ quan điều tra, 5 nghi can khai nhận có giấy thông hành qua Lào. Họ bàn bạc vào khu vực sát biên giới khai thác gỗ, sau đó sẽ dùng máy tới kéo gỗ vượt qua đường biên giới rồi bán cho các đầu nậu người bản địa. Giá một m3 gỗ sa mu xẻ làm dong giá 7-8 triệu đồng. Trong khi đó giá một bộ dong bằng gỗ sa mu sau khi được vận chuyển từ Lào về Việt Nam tăng lên 80 triệu đồng.

Công an Quế Phong cho biết, hiện tại khó khăn nhất là việc vận chuyển số gỗ bị bắt giữ ra ngoài do hiện trường các cây bị chặt phá nằm sát biên giới, mất nhiều giờ đi bộ đường rừng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt do Ban chỉ huy quân sự huyện Quế Phong phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chịu trách nhiệm bảo vệ. Sau vụ việc, UBND huyện Quế Phong và các ban ngành liên quan đã tổ chức họp khẩn để bàn phương án khắc phục và tìm giải pháp canh giữ khu rừng này.

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285 ha, là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt... Khy dự trữ sinh quyển này trải rộng trên địa bàn 9 huyện ở Nghệ An, trong đó Vườn quốc gia Pù Mát làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo).

Một báo cáo gần đầy nhất thì khu vực này có khoảng 2.500 loài, trong đó khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao (74%); có 130 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như: sao la, hổ, thỏ vằn trường sơn...

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích