Người dân nhiều địa phương không đồng tình với việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. |
Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XI chính thức khai mạc sáng 13-7. Một trong những vấn đề “nóng” được cử tri tỉnh quan tâm là có nên tiếp tục hay ngừng việc thu phí sử dụng đường bộ (SDĐB) đối với xe máy?
Chỉ thu được 2,8%
Ông Lê Nhân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Ngãi, cho biết từ khi triển khai thu phí SDĐB đối với xe máy (ngày 1-1-2013) đến nay, hiệu quả rất thấp. “Riêng 6 tháng đầu năm 2015, số tiền thu được chỉ 1 tỉ đồng, đạt 2,8%. Một số địa phương không triển khai được việc thu phí như ở huyện Lý Sơn và một số huyện miền núi khác của tỉnh” - ông Nhân dẫn chứng.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho rằng huyện triển khai thu phí đến tất cả các xã, cán bộ xã, thôn vận động nhưng người dân không đồng tình, không chịu đóng. “Cán bộ xã, thôn đi vận động tốn rất nhiều công sức, nhiều lúc phải qua 4-5 lần mới gặp được nhưng họ cố tình không đóng. Cán bộ cũng không thể suốt ngày đi “đòi nợ” nên bỏ cuộc” - ông Nguyên nói.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Hoàng, Trưởng thôn Tang, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, than vãn: “Từ khi UBND xã giao nhiệm vụ thu phí ở trong thôn, số hộ đóng phí đếm trên đầu ngón tay. Nhiều hộ cho rằng mua xe chỉ đi ở vùng rừng núi, đi rẫy... sao phải đóng phí? Họ nói như thế cũng có lý bởi họ đi núi, đi rừng quanh năm, đường rừng toàn phải khiêng xe qua suối, qua khe, sao phải bắt đóng phí. Tôi thấy bất hợp lý nên đã dừng việc thu phí”.
Dân không đồng tình
Từ năm 2013 đến nay, hầu hết các tỉnh, thành quyết liệt triển khai thu phí SDĐB đối với xe máy nhưng kết quả không khá gì hơn tỉnh Quảng Ngãi.
Tại Bình Định, ông Lê Từ, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh, đánh giá mặc dù kế hoạch thu phí SDĐB đối với xe máy triển khai rộng khắp ở 159 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố nhưng công tác thu khá ì ạch. Cụ thể, tổng thu năm 2013 đạt 1,62 tỉ đồng, năm 2014 tăng lên 13 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2015 tụt xuống dưới 1 tỉ đồng, đạt 10% kế hoạch. Theo ông Từ, nguyên nhân chính vẫn do người dân không đồng tình việc thu phí.
Đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có khoảng 10/53 xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí SDĐB đối với xe máy. Do có nơi thu, nơi không nên khoản tiền thu được không nhiều: Năm 2013 chỉ thu được 300 triệu đồng, năm 2014 gần 2 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2015 chỉ thu được 195 triệu đồng.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Yên, với hơn 100.000 xe máy, nếu người dân đóng đủ thì tổng thu mỗi năm trên 10 tỉ đồng. Thế nhưng, ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Yên, xác nhận năm 2014, cả tỉnh chỉ thu được hơn 1 tỉ đồng, còn 6 tháng đầu năm nay thu vỏn vẹn 260 triệu đồng. “Nguồn thu này không được bao nhiêu. Chủ yếu là các phường thu qua việc vận động đảng viên khi họp thôi, còn các xã khó thu lắm” - ông Lãnh thừa nhận.
Nên dừng
Khi được hỏi về việc có nên duy trì việc thu phí SDĐB đối với xe máy hay không khi 6 tháng qua, toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ thu đạt 2,8% so với kế hoạch, ông Lê Nhân nói ngay: “Đã không hiệu quả thì nên dừng”. Trong khi đó, ông Võ Đức Triều, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận, cho biết trong 6 tháng cuối năm 2015, tỉnh tạm dừng thu phí SDĐB đối với xe máy. “UBND tỉnh dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh phương án điều chỉnh mức thu phí xe máy vào kỳ họp HĐND cuối năm 2015” - ông Triều cho biết thêm.
Tỉnh Đắk Lắk triển khai thu phí SDĐB đối với xe máy từ tháng 7-2013 nhưng theo ông Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Quản lý Giao thông Sở GTVT tỉnh này, việc thu phí này rất khó khăn, nhất là đối với địa phương có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo cao như Đắk Lắk. Vì lý do này, theo ông Vinh, sắp tới, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk sẽ trình HĐND tỉnh đề xuất bỏ thu phí xe máy.
Bỏ thu, cử tri Hà Nội rất ủng hộ
Số liệu thống kê của UBND TP Hà Nội cho thấy năm 2013, số thu quỹ bảo trì đường bộ đối với xe máy chỉ được 55 tỉ đồng, đạt 14% so với dự kiến. Mức thu năm 2014 còn thấp hơn với 36 tỉ đồng, đạt 13,28%. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2015, Hà Nội mới thu được gần... 3 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết Hà Nội đã triển khai thu phí bảo trì đường bộ rất nghiêm túc nhưng nếu Chính phủ bỏ thu phí này thì HĐND TP và cử tri Hà Nội rất ủng hộ.
Theo NLĐ