Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima tham dự cuộc điều trần tại Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ. |
Từ The Hague trở về, sau khi tham dự cuộc điều trần lần thứ nhất của Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima, ngày 11.7, đã tuyên bố: "Nếu Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc tuyên bố có thẩm quyền xét xử vụ Manila kiện Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, thì chính phủ Philippines sẽ xem xét khả năng đề nghị tư pháp quốc tế cho áp dụng các biện pháp tạm thời ngăn chặn Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại các vùng đang có tranh chấp".
Hiện nay, nhóm chuyên gia pháp lý của Philippines đang nghiên cứu khả năng này.
Ông Antonia Carpio, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, giải thích: Điều 290 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho phép thực hiện khả năng này. Theo đó, nếu một vụ tranh chấp được đệ trình lên tòa có thẩm quyền xét xử theo đúng thủ tục, tòa án có thể đưa ra mọi biện pháp bảo đảm tạm thời được coi là phù hợp với hoàn cảnh, để bảo vệ các quyền riêng của từng bên tranh chấp hoặc để ngăn không cho môi trường của biển bị những tổn thất nghiêm trọng, trong khi chờ quyết định cuối cùng của tòa án.
Năm 2013, Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện cùng Philippines và khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này.
Ngày 7.7 vừa qua, Tòa án đã tổ chức cuộc điều trần lần thứ nhất để phía Philippines trình bày các lập luận và đưa ra các tài liệu để chứng mình rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua bản đồ 9 đoạn là vô giá trị, chiếu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Philippines, việc Tòa án Trọng tài Thường trực đồng ý tiếp tục tổ chức cuộc điều trần lần thứ hai vào ngày 13.7 là một tín hiệu tốt và chứng tỏ là Tòa án rất quan tâm, muốn tìm hiểu thêm lập trường của Philippines trong vụ kiện này.
Theo LaoĐộng