Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Edwin Lacierda bày tỏ hy vọng Manila sẽ giành được một phán quyết có lợi từ tòa trọng tài. Một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao trong chính phủ Philippines đã tham dự phiên điều trần trước tòa. Ông Lacierda cho biết, sự tham dự của các quan chức này thể hiện “một quan điểm thống nhất ủng hộ tuyên bố chủ quyền của đất nước theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”.
Trong bài phát biểu trước tòa, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh tầm quan trọng của vụ kiện đối với thế giới, nêu bật tinh thần cốt lõi của UNCLOS và từ đó có thể liên quan việc giải quyết các tranh chấp biển trong tương lai.
Tiếp đó, Trưởng đoàn luật sư đại diện cho Philippines Paul Reichler và những người khác trình bày lý do tại sao vụ kiện dứt khoát thuộc thẩm quyền của tòa, cũng như nêu những cáo buộc về đánh bắt hải sản và môi trường chống Trung Quốc. Philippines đang tìm cách làm rõ chủ quyền biển và bác bỏ hiệu lực các yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ biển Đông.
Tuần trước, Ngoại trưởng Del Rosario phát biểu trước tòa rằng, Trung Quốc không có tư cách để thực thi cái mà Bắc Kinh gọi là “quyền lịch sử” đối với các vùng nước ở biển Đông; “đường chín đoạn” không có cơ sở, không dựa trên luật pháp quốc tế. Ông Del Rosario cũng tuyên bố, việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo, xây đảo nhân tạo và đánh bắt nguy hiểm đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển khu vực, vi phạm UNCLOS.
Philippines cũng xem xét việc đề nghị tòa yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo đảo trên Biển Đông. Ngoài việc bác bỏ “quyền lịch sử” và “đường chín đoạn” vô căn cứ, Philippines cũng phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc dựa vào các hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng gần đây. Các đảo nhân tạo này được tin là sẽ trở thành các căn cứ hải quân và không quân tương lai của Trung Quốc. Manila còn cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào việc thực thi chủ quyền của Philippines trên Biển Đông.
Theo PhilStar, Bắc Kinh đang cố viện dẫn “quyền lịch sử” để bao biện cho “đường chín đoạn” đầy phi lý và những hành động hung hăng tại các vùng biển tranh chấp. Ngoại trưởng Philippines nói rằng, nước này chỉ yêu cầu tòa xác định các ranh giới biển thuộc về Manila theo quy định của UNCLOS. Phần lớn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines theo quy định của UNCLOS bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền với “đường lưỡi bò”.
Ngăn Trung Quốc bồi lấp ở Biển Đông
Chính phủ Philippines có thể tìm kiếm những giải pháp tạm thời nhằm ngăn chặn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông nếu tòa trọng tài quốc tế phán quyết họ có thẩm quyền xem xét vụ kiện, báo PhilStar ngày 13/7 trích lời Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima. Bà Lima cho biết, nhóm chuyên gia chính phủ Philippines tham gia điều trần vụ kiện đang xem xét gợi ý của Phó chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio về việc tìm kiếm giải pháp tạm thời trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Bà Lima nói vấn đề này vẫn đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng có thể đó là việc mà Philippines sẽ tiến hành.
Ông Carpio vừa đưa ra đề xuất trên, dựa vào điều 290 (1) của UNCLOS. Theo điều khoản này, nếu như một vụ tranh chấp được trình ra một tòa án có thẩm quyền xét xử, tòa có thể phán quyết bất kỳ các biện pháp tạm thời nào đó, được xem là thích hợp với hoàn cảnh nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên tranh chấp hoặc ngăn ngừa những hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường, trong khi chờ phán quyết cuối cùng.
Bà Lima nói rằng, nhóm chuyên gia luật Philippines cử tham gia vụ kiện do luật sư trưởng Florin Hilbay, cùng các luật sư nước ngoài do Paul Reichler thuộc hãng luật Foley Hoag của Mỹ dẫn đầu, cần tập trung vào phiên điều trần về vấn đề thẩm quyền diễn ra ngày 13/7 trước Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague.
Tòa đang thụ lý vụ kiện trong khi Bắc Kinh từ chối tham gia. Tòa có thể tự động ra phán quyết. Bà Lima nói Philippines vẫn đang trong giai đoạn xem xét vấn đề thẩm quyền và đây là vấn đề mang tính cơ bản phải vượt qua. “Những gì cần thiết là một chiến lược pháp lý tốt, nó cũng quan trọng như vị thế lẽ phải của chúng ta”, bà nói.
Philippines đệ đơn kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc từ tháng 1/2013 nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc luôn từ chối tham gia vụ kiện, đòi giải quyết tranh chấp theo hướng song phương và tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa. Mặt khác, Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh “vận động hành lang” để giành lợi thế nhất định. Theo TiềnPhong