Sự phức tạp Samsung |
Đối với nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc, chaebol– các tập đoàn gia đình trị đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước này và đang thống trị mọi lĩnh vực từ các sản phẩm điện tử đến công viên giải trí – là một niềm tự hào. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, chaebol lại là vấn đề khiến họ đau đầu.
Điều này được thể hiện rõ hơn vào tháng 5 vừa qua, khi Samsung đưa ra lời đề nghị sáp nhập hai công ty con là Cheil Industries và Samsung C&T với nhau. Samsung C&T là tập đoàn xây dựng lớn nhất Hàn Quốc với nhiều công trình nổi tiếng trong đó có tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai.
Khi những tin tức đầu tiên về vụ M&A này xuất hiện, cổ phiếu của Cheil đang ở quanh mức cao nhất kể từ khi IPO hồi tháng 12 năm ngoái. Ngược lại, cổ phiếu của C&T đang ở mức thấp nhất 5 năm. Hãng môi giới CLSA cho rằng M&A sẽ giúp Cheil có được mảng kinh doanh cốt lõi của C&T “miễn phí”, sau khi trừ đi giá trị của các cổ phần ở những công ty con khác.
Vụ M&A này cũng có lợi cho Lee Jae-yong, người con trai duy nhất của Chủ tịch Lee Kun-hee. Ngài Lee đã điều trị ở bệnh viện trong suốt hơn 1 năm qua sau một cơn đau tim, và con trai của ông sẽ là người thừa kế khối tài sản kếch xù. Jae-yong đang chuẩn bị nguồn lực để nộp 5 tỷ USD tiền thuế thừa kế và sẽ phải cố gắng rất nhiều để giữ vững quyền kiểm soát của nhà họ Lee đối với Samsung.
Cheil Industries sáp nhập với Samsung C&T sẽ giúp củng cố mạng lưới sở hữu chéo vốn đang chằng chịt. Jae-yong sẽ có thêm hơn 12 tỷ USD cổ phần ở các công ty con khác, trong đó có 4,1% cổ phần ở “lá cờ đầu” Samsung Electronics.
Quỹ đầu tư Elliot Management đã kịch liệt phản đối vụ M&A này. Quỹ đầu tư đến từ nước Mỹ (vốn được biết đến là một quỹ “kền kền”) đã ráo riết đẩy tăng số cổ phần nắm giữ ở C&T sau khi vụ sáp nhập được thông báo. Quỹ Elliot, giờ đây trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba và đã lên tiếng chỉ trích vụ sáp nhập này không công bằng với cổ đông, cho rằng họ sẽ thiệt hại 7 tỷ USD vì mức chênh lệch lớn giữa giá trị của hai công ty. Tại thời điểm thông báo M&A, cổ phiếu của Cheil được giao dịch ở mức gấp 130 lần lợi nhuận dự báo, trong khi tỷ lệ P/E của C&T chỉ khiêm tốn ở quanh mức 20 lần.
Tòa án Seoul đã bác đơn của Elliot vì cho rằng tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu không thể hiện bất kỳ sự thao túng giá nào. Các luật sư Hàn Quốc thì cho rằng tỷ lệ hoán đổi nên dựa vào mức giá trung bình của tháng trước đó, và đây cũng chính là công thức mà Samsung đã sử dụng. Samsung cũng cho rằng thương vụ này sẽ “gia tăng mạnh mẽ giá trị cho các cổ đông” bằng cách kết hợp mạng lưới toàn cầu của C&T với mảng kinh doanh thực phẩm và hàng thời trang của Cheil.
Đồ thị thể hiện mối quan hệ chằng chịt giữa các công ty con trong tập đoàn Samsung thông qua cấu trúc sở hữu chéo |
Và, trong cuộc bỏ phiếu hôm 17/7 vừa qua, cổ đông của C&T đã bỏ phiếu đồng ý – một động thái được ví như một “cái tát” dành cho các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, Shin Jang-sup, chuyên gia kinh tế tại ĐH Quốc gia Singapore, cho rằng Elliot vốn đã hưởng lợi khoảng 100 triệu USD từ khoản đầu tư vào C&T.
Những đợt cải cách sâu rộng sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98 đã tăng quyền lợi cho các cổ đông. Các công ty niêm yết lớn cũng phải cho phép “người ngoài” tham gia vào bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, các chaebol đã thực hiện chính sách vận động hành lang mạnh mẽ và do đó rất nhiều cải cách vẫn chưa được thực hiện, theo giáo sư Kim Woo-chan của ĐH Hàn Quốc.
Chỉ có duy nhất một chaebol lớn là LG đã chuyển đổi từ mô hình sở hữu chéo phức tạp sang cấu trúc holdings minh bạch hơn (Holdings được dùng cho những công ty có chức năng nắm giữ cổ phần của các công ty khác (chữ hold trong tiếng Anh là nắm giữ), chứ không trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Holdings khác với tập đoàn ở chỗ chỉ đóng vai trò là cổ đông lớn tại các công ty con hoặc các công ty nắm sở hữu chứ không chỉ định kinh doanh, hay điều phối hoạt động như tập đoàn hoặc tổng công ty. Công ty con trực thuộc holdings sẽ được tự chủ hơn trực thuộc tập đoàn hoặc tổng công ty).
Hiện Hàn Quốc đang xếp hạng chót trong bảng xép hạng chất lượng quản trị doanh nghiệp ở châu Á, cùng mức với Indonesia và Philippines.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc thường có mức giá trị thấp hơn tương đối so với các công ty ngang tầm ở các nước phát triển. Khoản chênh lệch này được biết đến với tên gọi “Korea discount” (tạm dịch là giảm giá Hàn Quốc) và những lo ngại về quản trị doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Năm ngoái, Huyndai Motors đã khiến nhà đầu tư lo lắng khi mua một mảnh đất ở Seoul với giá 10.600 tỷ won, cao gấp 3 lần giá trị ước tính theo thị trường, để xây dựng trụ sở mới. Lãnh đạo cấp cao nhất của 4 chaebol lớn nhất là Samsung, Hanwha, Hyundai Motors và SK Telecoms đều từng phải ngồi tù trong quá khứ.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã bắt đầu buộc các chaebol phải phân phối lại núi tiền mặt khổng lồ bằng cách tăng lương cho người lao động hoặc tăng cổ tức. Tổng thống Park Geun-hye ban đầu đã thông qua luật cho phép Ủy ban thương mại Hàn Quốc có nhiều quyền lực hơn trong việc phạt các giao dịch trái luật có lợi cho thành viên của các dòng họ đứng sau các chaebol, đồng thời hạn chế sở hữu chéo phát sinh thêm.
Tuy nhiên, kể từ khi luật mới có hiệu lực, bà Park vẫn đang bận rộn với việc vực dậy nền kinh tế đang trì trệ và phụ thuộc quá nhiều vào các chaebol. Năm ngoái, hai Bộ trưởng đã kiến nghị rằng các “ông trùm” nên được khoan hồng nếu họ có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Bruce Lee, người đứng đầu Zebra Investments – một trong những quỹ đầu tư mới của Hàn Quốc tập trung vào quản trị doanh nghiệp – cho rằng kể cả khi Elliot đã thua trong cuộc chiến với Samsung, đây mới là khởi đầu của một giai đoạn đầy đau khổ. Các chaebol đang gặp vấn đề về thừa kế, trong khi nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng mong manh hơn.
Theo TriThứcTrẻ