Cánh gà Mỹ đang bị nghi ngờ bán phá giá tại Việt Nam |
Trước thông tin các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước muốn khởi kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm cánh gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam, các ý kiến đều cho là khó khi phía Việt Nam chưa nắm được thông tin để so sánh giá.
Chưa nhận được đơn kiện
Bên lề hội thảo về tác động của Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) tới Việt Nam ngày 3/8, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Cục Chăn nuôi chưa nhận được thông tin nào của Cục Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ và Cục Chăn nuôi gia cầm Đồng Nai (về việc kiện chống bán phá giá đối với cánh gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam - PV). Tôi có nghe tin họ gửi cho Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương nhưng khi tôi gọi sang đó thì họ cũng bảo chưa nhận được”. Theo thông tin từ Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, những thông tin ông có được mới là trao đổi mang tính cá nhân với các đồng nghiệp của Cục chăn nuôi Đông Nam bộ.
Ông Chinh cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp Việt muốn kiện các doanh nghiệp Mỹ bán phá giá cánh gà vào Việt Nam là hết sức bình thường khi tham gia hiệp định thương mại. Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng thường xuyên bị các doanh nghiệp Mỹ kiện bán phá giá các sản phẩm như cá da trơn, thép,...
“Nhưng quan trọng là căn cứ để xác định sản phẩm bị bán phá giá. Phải có đầy đủ thông tin khảo sát chắc chắn và có tiêu chuẩn so sánh giá thành sản xuất một đơn vị sản phẩm như một cân thịt gà hơi là bao nhiêu tiền tại Mỹ và tại Việt Nam. Khi đó mới có quyết định sản phẩm đó bị phá giá hay không”, ông Chinh nhấn mạnh.
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam không biết các doanh nghiệp Mỹ sản xuất như thế nào mà chỉ có thể tham khảo thông tin trên Internet. “Bây giờ phải sang bên kia xem trang trại, quy mô sản xuất như thế nào rồi so sánh với Việt Nam trên cơ sở cùng giống gà, cùng thức ăn, cùng quy mô mới đưa ra được chứ căn cứ không phải so sánh một người nuôi một ngàn con với một người nuôi một con”, ông Chinh cho hay.
Doanh nghiệp phải góp tiền đi kiện?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, khi người Mỹ chỉ ăn đùi và ức gà, còn cánh gà bán đi nên giá vào Việt Nam có thể rẻ hơn các trại chăn nuôi trong nước.
“Do vậy, chúng ta phải xem xét, nếu giá bán cánh gà của Mỹ ở Việt Nam rẻ hơn bán trên thị trường Mỹ thì chúng ta có thể kiện được. Nhưng như vậy các doanh nghiệp chăn nuôi phải góp tiền vào mà kiện. Đó là việc của doanh nghiệp chứ không phải việc của nhà nước. Việc kiện tụng cũng rất tốn kém, không phải ngày một ngày hai là xong”, ông Doanh cho hay.
"Tất cả các lô hàng thực phẩm có nguồn gốc chăn nuôi khi nhập khẩu về Việt Nam đều phải được kiểm dịch, lấy mẫu phân tích. Nếu sản phẩm nhập khẩu này vào siêu thị thì có nghĩa phải đáp ứng được tiêu chuẩn”.
Ông Tống Xuân Chinh khẳng định |
Có ý kiến cho rằng, có thể cánh gà vào Việt Nam theo đường thức ăn chăn nuôi, ông Chinh cho rằng ở Việt Nam, tất cả doanh nghiệp nhập khẩu về phải ghi trên tờ khai hải quan xuất xứ, tiêu chuẩn, mục đích... Ông Chinh chắc chắn: “Tôi khẳng định nếu doanh nghiệp nhập khẩu về làm thức ăn chăn nuôi thì không thể cạnh tranh được”.
Nhận định giá cánh gà 20 nghìn đồng/kg là có vấn đề nhưng ông Chinh cũng phân tích công nghệ nuôi gà ở Việt Nam không khác so với Mỹ nhưng các doanh nghiệp của Mỹ có lợi thế về nguồn thức ăn như ngô, đậu tương rẻ hơn Việt Nam và lợi thế quy mô. Theo vị này, giá thịt gà rẻ thì người tiêu dùng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, cơ quan Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Báo GiaoThông