GS. TSKH Nguyễn Mại: Doanh nghiệp Việt cần “bám lấy Samsung”

Thứ bảy, 01/08/2015, 14:10
Samsung đến Việt Nam vì lợi nhuận nhưng lâu dài không phải là mục tiêu duy nhất. Samsung coi trọng việc đóng góp vào kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần “bám lấy Samsung" để có thể tạo ra giá trị gia tăng, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết.
Ảnh minh họa.

Là người kiến nghị Bộ Công thương về việc nâng quan điểm về hàng Việt không chỉ là hàng chất lượng cao mà là hàng Việt Nam chất lượng thế giới khi Việt Nam trở thành "cứ điểm" sản xuất của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Microsoft - Nokia, Intel, Canon…

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) GS.TSKH Nguyễn Mại thừa nhận áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ có song việc các thương hiệu mạnh vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt nên tận dụng, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo giá trị gia tăng nhiều hơn.

Người Việt sính hàng nhập ngoại

Những doanh nghiệp FDI và Samsung bằng cách nào đóng góp tiêu thụ sản phẩm Việt Nam thưa ông ?

Việc xuất khẩu của Samsung là đương nhiên nhưng họ cũng quan tâm đến thị hiếu của người Việt Nam. Lãnh đạo Samsung thường hỏi ý kiến tôi làm thế nào để người Việt quan tâm hơn đến sản phẩm của doanh nghiệp FDI và của Samsung.

Có một thực tế, chúng ta rất chuộng hàng ngoại nhưng lại có tâm lý ưa chuộng hàng ngoại sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam hơn hàng do doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất và tiêu thụ tại thị trường.

Tâm lý này hình như cho rằng sản xuất Việt Nam kém chất lượng hơn. Cơ quan truyền thông vô hình cũng làm như vậy để người dùng ngộ nhận.

Tôi cho rằng cần bằng mọi cách làm người tiêu dùng hiểu chất lượng hàng hoá của doanh nghiệp trong nước và FDI tiêu thụ được phải là chất lượng thế giới, được thế giới công nhận. Samsung, Nokia - Microsoft sản xuất ở Việt Nam cũng phải đạt chất lượng như sản xuất ở Mỹ và Hàn Quốc.

Hàng Việt Nam hiện nay đang là những mặt hàng dần dần có chất lượng cao. Ở đó có doanh nghiệp Việt Nam nhưng quan trọng là doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sản xuất tại đây cũng như bất kỳ nơi nào trên thế giới.

"Bám" Samsung để tạo giá trị gia tăng

Khái niệm hàng Việt Nam mở rộng cả với doanh nghiệp FDI có tạo ra áp lực cạnh lớn hơn cho các doanh nghiệp trong nước ?

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhiều người lo ngại điều này. Truyền hình VTV mới đây đã đưa ra con số xuất khẩu giày da sang Mỹ tăng nhưng đến 40% là của Nike, Adidas, cách đưa tin như vậy theo tôi khiến dư luận nghĩ rằng nếu gia nhập TPP vẫn không mang lợi cho Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE.

Không doanh nghiệp nào trên thế giới thay thế được Nike, Adidas. Doanh nghiệp Việt có một sản phẩm mặc dù chất lượng tốt ngang Nike nhưng mang sang Mỹ bán giá chỉ bằng khoảng 15-20% giá trị của Nike.

Một thương hiệu nổi tiếng như vậy "kéo" vào Việt Nam chính doanh nghiệp Việt Nam phải làm phụ trợ cho họ để tạo giá trị gia tăng tại Việt Nam nhiều hơn. Thời gian ngắn làm sao chúng ta có được doanh nghiệp cạnh tranh với Nike, Adidas trên phạm vi toàn cầu?

Hoặc như Samsung xuất khẩu 30 tỷ USD, giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD, trong đó công nghiệp phụ trợ chỉ được mấy trăm triệu USD, còn lại công nghiệp phụ trợ chủ yếu là doanh nghiệp Hàn Quốc.

Do đó doanh nghiệp Việt cần "bám" lấy Samsung để có thể tạo giá trị gia tăng xuất khẩu. Đố doanh nghiệp nào làm ra smartphone với lượng lớn và xuất khẩu như Samsung hiện nay. 5-10 năm tới sẽ không hy vọng.

Công nghiệp hỗ trợ đã được nói nhiều năm nhưng những văn bản, chính sách chậm ban hành có phải là rào cản, thưa ông?

Theo tôi được biết Bộ Công thương gần như hoàn chỉnh chính sách công nghiệp hỗ trợ mới, với 3 phần. Trong đó, phần ưu đãi, tinh thần của Bộ Công thương đưa ra là nếu doanh nghiệp làm phụ trợ cho Samsung chính sách thuế, ưu đãi như Samsung, là ưu đãi tốt.

Quỹ hỗ trợ để cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ khoảng 350 tỷ hoặc hơn. Tuy nhiên, lãi suất của Quỹ hỗ trợ trong dự thảo là 80% lãi suất thị trường tôi coi là hơi cao. Theo tôi lãi suất cần ngang với lãi suất cho ngư dân vay đóng tàu.

Ngoài ra, cần có Quỹ hỗ trợ cho địa phương làm công nghiệp hỗ trợ, cần vốn để doanh nghiệp ban đầu làm cơ sở làm công nghiệp hỗ trợ.

Tổng giám đốc Samsung chia sẻ, cho tới ngày 15/7 đã có thêm 42 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho Samsung trong đó 12 doanh nghiệp đang thương thảo.

Samsung tin đến năm 2016 có ít nhất 30-40 doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ. Khởi đầu thuận lợi vài năm nữa sẽ có hàng trăm doanh nghiệp làm cho Samsung.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích