Bán lẻ điện máy nửa đầu 2015: Ngoại sôi động, nội tăng tốc

Thứ hai, 03/08/2015, 10:34
Báo cáo mới đây từ công ty nghiên cứu thị trường GFK, trong quý 1/2015, người Việt Nam đã chi 36 nghìn tỷ cho các sản phẩm điện máy, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp nội cần chuyển mình để phát triển trong thời gian tới

Con số tăng trưởng doanh thu cho thấy ngành điện máy vẫn phát triển, nhưng thực tế từ đầu năm 2015 đến nay không ít doanh nghiệp đã phải đóng cửa, chuyển đổi mô hình, hay chuyển hướng hợp tác đầu tư vì kinh doanh... thua lỗ.

Điển hình có thể kể tới là Topcare, chuỗi điện máy này đã đột ngột rời bỏ cuộc chơi, ngay trước thời điểm bắt đầu năm mới. Không chỉ trong thời điểm hiện tại, sự khốc liệt trong ngành điện máy đã được minh chứng trong vòng 5 năm trở lại đây, với hàng loạt tên tuổi đã phải dừng cuộc chơi. Trong danh sách đó là một loạt các thương hiệu điện máy như Best Carings, Việt Long, WonderBuy, HomeOne...

Chưa đến mức phải đóng cửa, một loạt tên tuổi khác cũng đang phải đương đấu với khó khăn hiện tại. Điển hình là mới đây, Media Mart đã phải đóng cửa điểm bán hàng ở Nguyễn Chí Thanh, sau một thời gian dài bám trụ.

Thế giới số Trần Anh cũng vừa thông qua quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh Siêu thị Trần Anh tại đường Phạm Văn Đồng. từ 20/7/2015. Đây đã là địa điểm thứ 3 trên địa bàn Hà Nội của Trần Anh bị chấm dứt kinh doanh từ đầu 2015 đến nay.

Sôi động M&A từ khối ngoại

Nhận xét về thị trường bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Central Group, Tos Chirativat, từng cho rằng: “Việt Nam đang trở thành thị trường mục tiêu, đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán lẻ. Và chúng tôi hướng đến bất kỳ DN nào có cơ cấu hoạt động phù hợp với tiêu chí ngành bán lẻ của Central Group, từ đồ điện tử đến bách hóa”.

Thực hiện hóa tham vọng của mình, đầu năm 2015 Central Group đã gây dấu ấn lớn trong giới điện máy bằng việc bất ngờ thâu tóm 49% cổ phần của Nguyễn Kim, qua đó chính thức mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ điện máy ở thị trường Việt Nam.

Với sự trợ giúp từ đại gia bán lẻ Thái Lan, Nguyễn Kim đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam với mức tăng trưởng từ 30-50% và tham vọng doanh thu năm 2015 sẽ đạt 2 tỷ USD.

Dường như tham vọng của Central không chỉ dừng lại ở thị trường phía Nam, khi mới đây thôi giới điện máy vừa "rỉ tai" nhau về việc đại gia này sẽ tiếp tục thâu tóm một thương hiệu điện máy ở khu vực phía Bắc. Điểm qua một số cái tên, có lẽ Pico chính là thương hiệu được đặt nhiều nghi vấn nhất trong thương vụ này.

Ngoài Central Group, một cái tên ngoại cũng đáng chú ý là tập đoàn bán lẻ điện máy đến từ Nhật Bản, Nojima Corporation. Khi mà mới đây, cổ đông ngoại của CTCP Điện máy Trần Anh là quỹ Aureos đã vừa chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu 3,7 triệu cổ phần cho Tập đoàn Nojima.

Qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của Nojima tại Trần Anh lên 30,92%. Sau giao dịch này, ông lớn đến từ Nhật Bản cũng chính thức trở thành cổ đông ngoại lớn nhất của Trần Anh.

Đứng trước nguy cơ phá sản, không ít doanh nghiệp đã phải tính đến chuyện "bán mình" cho những đối tác khác. Nói thì dễ, nhưng thực tế lại không như mơ, bởi các doanh nghiệp lớn đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài họ có thừa kinh nghiệm để đánh giá bản chất của một doanh nghiệp.

Do đó, một doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh kiệt quệ hay trên bờ vực phá sản đừng mong "bán mình" thành công, trừ khi họ đang sở hữu một hệ thống phân phối, hay quản lý tốt có lợi cho doanh nghiệp đi mua.

Doanh nghiệp nội chuyển mình

Song song với làn sóng “bán mình”, vẫn có những doanh nghiệp đang tự tìm cách vươn lên và phát triển nhanh chóng.

Một cái tên mới được đánh giá là khá nặng ký trong cuộc chơi điện máy khốc liệt này là VinPro. Thừa hưởng sẵn những vị trí đắc địa trong tổ hợp bán lẻ lớn nhất nhì Việt Nam của Vingroup, Vinpro tuyên bố sẽ mở ra tới 25 trung tâm điện máy trong năm 2015, đi kèm với đó là thêm 100 cửa hàng công nghệ Vinpro+.

Không dừng ở tham vọng vươn lên vị trí số 1 ở riêng một khu vực địa lý cụ thể, VinPro đang đồng loạt tấn công cả 3 thị trường khu vực Bắc, Trung, Nam. Theo nhận định của các chuyên gia, VinPro sẽ trở thành một đối trọng đáng gờm với các đối tác ngoại.

Ngoài các tên tuổi lâu năm trên thị trường, một cái tên "tuy lạ mà quen" cũng đang được chú ý đó là Điện máy Xanh. Với mục địch định vị lại thương hiệu, ban lãnh đạo TGDĐ đã quyết tâm rũ bỏ cái tên dienmay.com, để thay bằng một cái tên hoàn toàn mới.

Điện máy Xanh tận dụng được thế mạnh từ tiềm lực tài chính dồi dào và kinh nghiệm mở rộng thị trường “thần tốc” của thegioididong.com trước đây để bứt phá một cách nhanh chóng. Từ nay đến cuối năm 2015, Điện máy Xanh tuyên bố sẽ đạt mốc 70 siêu thị và tham vọng trở thành chuỗi bán lẻ điện máy lớn nhất cả nước.

Được biết, lãnh đạo công ty cũng kỳ vọng Điện máy Xanh sẽ góp phần đưa doanh thu của TGDĐ vượt 1 tỷ USD vào cuối năm 2015 và đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, kèm theo đó là mục tiêu tham chiến toàn quốc bằng kế hoạch Bắc tiến vào quý 4 năm nay.

Theo nhận định của một chuyên gia, xu thế M&A trong ngành bán lẻ điện máy sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đi cùng với lộ trình cam kết khi gia nhập WTO và tác động của các Hiệp định thương mại.

Thị trường điện máy đang đạt tới điểm bão hòa, và sẽ ngày càng khó khăn hơn với sự tham gia ngày càng nhiều của các tên tuổi nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội phát triển của các doanh nghiệp trong nước cũng chưa phải là hết nếu biết cách khai thác.

Theo dự báo của hãng Nghiên cứu Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh số 100 tỷ USD/năm vào 2016, trong đó ngành hàng điện tử tiêu dùng khoảng 10 tỷ USD.

Theo NCĐT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn