Căn phòng nhỏ này cách Dinh Độc Lập tầm 10 phút đi bộ. Nhưng hình ảnh được chiếu lên bức tường của lớp học không phải là cảnh tượng của chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh vào mùa thu năm 1975. Đó là một bài giảng về code.
Chủ yếu những sinh viên tuổi tầm 20 này tới đây vì một lý do: tìm hiểu để phát triển ứng dụng cho iPhone và iPad qua việc sử dụng ngôn ngữ lập trình mới Swift của Apple.
"Những gì bạn học trong trường không áp dụng được trong thế giới thực", giảng viên Phạm Khoa nói với tôi trong một quán bánh xèo sau lớp học. Tại sao ư? Vì lớp học ở đây tập trung nhiều vào các lý thuyết hơn là thực tế.
Đó là lý do tại sao lập trình viên tự học 28 tuổi này dạy các học viên của mình viết các ứng dụng cho hệ điều hành iOS của Apple, Android của Google và hệ điều hành Windows của Microsoft - kỹ năng mà họ không thể dễ dàng có được ở những nơi khác.
Giáo dục là một phần tất yếu trong sự thay đổi lớn của quốc gia - đang cố gắng trở thành một trong những "xưởng công nghệ" hàng đầu thế giới.
Nhưng có một vấn đề: Ngay cả sau khi tốt nghiệp, sinh viên vẫn cần được đào tạo thêm để làm nhiều hơn là lắp ráp các thiết bị, hơn một chục nhà sản xuất và startup tôi đã gặp ở Việt Nam qua chương trình Road Trip 2015 đã nói như vậy. Nhiều người phải mất tới hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng năm, dưới sự giám sát.
"Các chương trình đào tạo tại các trường đại học ở Việt Nam là không phù hợp để làm việc sau khi tốt nghiệp", ông Phạm Đông Phong, giám đốc nhà máy của nhà máy LG tại Hải Phòng, một thành phố cảng ở phía Đông Bắc Việt Nam cho biết. "Sau khi học đại học, việc chỉ có kiến thức tổng quát để làm một công việc thực tế là thực sự khó khăn."
Một lớp học lập trình iOS tại Việt Nam |
Để giúp thu hẹp khoảng cách kiến thức, một số đại gia công nghệ toàn cầu, bao gồm cả Samsung và LG, đã đưa ra các chương trình riêng của mình để đào tạo cho người lao động Việt Nam. Việc họ sẵn sàng đầu tư đã cho thấy sức hấp dẫn của đất nước này.
Việt Nam có nền chính trị ổn định và sẵn sàng giảm thuế cho các công ty nước ngoài. Họ cũng có một lực lượng lao động giá rẻ, đặc biệt là so với Trung Quốc, nơi mà lương nhân công đã tăng theo cùng với sự cất cánh của nền kinh tế.
Một nhân viên công nghệ cao tại Việt Nam trung bình có mức lương bằng khoảng 1/3 lương của một nhân viên Trung Quốc (năm 2013, một công nhân nhà máy tại Hà Nội được trả 145USD/tháng so với 466USD/tháng ở Bắc Kinh).
Dân số Việt Nam cũng khá trẻ - độ tuổi trung bình 29 là trẻ hơn so với Mỹ và Trung Quốc 8 năm - và tiếng Anh được coi như ngôn ngữ thứ hai.
Và mặc dù các kỹ năng chưa đáp ứng được nhu cầu công việc công nghệ cao, các tiêu chuẩn giáo dục đã nhanh chóng tăng lên. Những học sinh 15 tuổi của Việt Nam có điểm số cao hơn trong môn đọc, toán và khoa học hơn các bạn cùng lứa ở nhiều nước phát triển, trong đó có Mỹ và Vương quốc Anh, nhờ đầu tư của chính phủ vào giáo dục.
Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài. Intel, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã đầu tư một nhà máy 1 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2010, và nhà sản xuất đến từ Mỹ Jabil đã xây dựng phần lớn các điểm bán lẻ thiết bị đầu cuối của khách hàng cũng tại thành phố này.
Nokia của Microsoft cũng đã dịch chuyển nhà máy sản xuất của mình đến thủ đô Hà Nội từ Trung Quốc, Apple cung cấp LCD Wintek điều hành hoạt động tại Việt Nam, và LG làm tất cả mọi thứ từ các thiết bị di động cho đến Tivi ở Hải Phòng.
Và năm ngoái, Samsung đã lắp ráp gần một phần ba số điện thoại thông minh của mình ở đây.
Công nghệ sản xuất đã giúp thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam. Tổng sản phẩm quốc nội trong nửa đầu năm 2015 tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Sự tăng trưởng này đã được hỗ trợ bởi 14,7 tỷ USD trong giá trị của ngành hàng "điện thoại và phụ tùng" xuất khẩu. Ngành hàng này (phần lớn điện thoại di động) chiếm khoảng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đứng đầu mọi ngành khác.
Hiệu ứng Samsung
Trong năm 2012, hai năm sau khi Samsung mở nhà máy sản xuất thiết bị di động đầu tiên của mình ở phía Bắc của đất nước, Việt Nam bắt đầu xuất siêu, lần đầu tiên trong 20 năm. Sau khi Samsung cho hoạt động nhà máy điện thoại thứ hai của mình ở phía Bắc năm ngoái, 17% tổng số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014 là đến từ Samsung.
Samsung vẫn nghiêm túc về khoản đầu tư của mình ở đây. Trong 7 năm qua, nhà sản xuất điện tử Hàn Quốc này đã đầu tư gần 9 tỷ USD cho cơ sở ở Việt Nam. Đó là chưa kể hàng tỷ USD mà các bộ phận khác của Samsung rót vào, ví dụ dự án nhà máy sản xuất máy tính bảng và ĐTDĐ trị giá 1 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh gần đây.
Hình ảnh công nhân xây dựng tại nhà máy mới của Samsung tại Tp.HCM |
Hiện tại, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng - đã làm lu mờ Trung Quốc về tổng số lao động của Samsung, và khu vực này thậm chí đã vượt qua Hàn Quốc năm ngoái với tư cách cơ sở lớn nhất của nhân viên. Samsung sử dụng khoảng 110.000 lao động ở Việt Nam, đa số đang làm việc trong hai nhà máy điện thoại thông minh tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Khi nhà máy thiết bị điện tử tiêu dùng của công ty mở tại thành phố Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm 2016, Samsung sẽ có thêm khoảng 5.000 nhân viên nữa.
"Việt Nam hiện nay là một nước đang phát triển, vì vậy chúng tôi có cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp mà còn đối với lực lượng lao động", ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Marketing của Samsung Việt Nam, chia sẻ với phóng viên trong văn phòng của công ty tại tòa nhà Bitexco Tower - tòa nhà chọc trời cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh một số nhà máy, Samsung còn có bộ phận bán hàng và marketing được đặt tại tòa nhà Bitexco. |
Khi thuê hàng chục ngàn công nhân ở một nước đang phát triển, rất khó để tìm nhân viên với các nền tảng sâu rộng trong công nghệ cao. Samsung sẽ phải đào tạo tất cả các nhân viên của mình, ông Đạo nói, và các công ty chọn những nhân viên mới dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản của họ.
"Giáo dục ở Việt Nam chủ yếu dựa trên lý thuyết và thiếu thực hành", ông nói. "Chúng tôi vẫn còn cần rất nhiều kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm để làm việc không chỉ ở các nhà máy, mà còn ở các văn phòng bán hàng và những bộ phận khác."
Samsung thỏa thuận với các trường đại học để nhân viên của mình có thể học miễn phí vào ban đêm ngay trong nhà máy. Họ có thể học tiếng Anh và Hàn Quốc, cũng như kế toán và điện tử kỹ thuật.
Công ty cũng đang số hóa sách và tài trợ 50 "Thư viện thông minh" tại các thành phố lớn và các vùng nông thôn của đất nước. Samsung đang làm việc với chính phủ Việt Nam để số hóa sách giáo khoa, sách hướng dẫn tham chiếu tiên tiến và các cuốn sách khác, mà sau đó được thực hiện thông qua một ứng dụng Android được gọi là Classbook. Và người dùng cần phải có điện thoại Samsung để chạy ứng dụng này.
Theo TriThứcTrẻ