Đằng sau việc Viber đóng cửa văn phòng tại Việt Nam

Thứ hai, 13/07/2015, 10:30
Việc Viber công bố đóng cửa văn phòng tại Việt Nam được nhiều chuyên gia nhận định có thể do ứng dụng OTT này không tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Giữa tuần qua, đại diện Viber - một trong những hãng phát triển dịch vụ tin nhắn miễn phí trên nền internet (OTT) lớn nhất thế giới - thông báo đóng cửa văn phòng tại Việt Nam. Lý giải về quyết định này, Giám đốc Văn phòng đại diện - bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh cho biết công ty đang trong quá trình thay đổi chiến lược điều hành tại khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, Viber sẽ thành lập trụ sở điều hành chung cho cả khu vực, đặt tại Philippines thay vì từng nước như trước đây.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, các chuyên gia viễn thông cho rằng đằng sau bước đi nêu trên là việc Viber không còn xác định Việt Nam là một thị trường "màu mỡ" như họ từng đánh giá với quy mô dân số hơn 90 triệu người.

Trước đó, Viber cùng nhiều OTT khác từng khiến các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam "ăn không ngon, ngủ không yên" khi các tin nhắn miễn phí (gồm cả tin nhắn thoại) dần lấy đi doanh thu của họ. Năm 2013, nguồn thu từ dịch vụ thoại của các nhà mạng giảm 3-4% trong khi con số tương ứng với SMS là 10-12%.

Việc Viber đóng cửa văn phòng tại Việt Nam theo các chuyên gia có thể do không tìm được tiếng nói chung với các nhà mạng. Ảnh minh họa

Ở giai đoạn mới bùng nổ đó, các doanh nghiệp OTT đã bày tỏ về việc muốn bắt tay với các nhà mạng để chia sẻ lợi nhuận. Tuy nhiên, khi lợi ích không được dung hòa giữa 2 bên thì phương án hợp tác bị các nhà mạng gạch bỏ.

Trao đổi với VnExpress hồi cuối năm ngoái, bà Quỳnh Anh cũng thừa nhận, một trong những thách thức của các OTT nói chung tại Việt Nam là các nhà mạng chưa thực sự "cởi mở" với các nhà cung cấp dịch vụ này.

"Việc kêu gọi hợp tác giữa các đơn vị phát triển OTT với nhà mạng đã được đề cập đến rất nhiều từ khoảng hơn 2 năm trước, song vấn đề quyền lợi của phía cung cấp OTT không được nhà mạng đánh giá đúng. Chúng tôi cũng phải đầu tư khá nhiều tiền để phát triển ứng dụng nhưng chưa có mấy doanh thu", đại diện một doanh nghiệp OTT trong nước nhận định.

Sau một thời gian dài giằng co giữa bài toán hợp tác hay không với các nhà phát triển những ứng dụng OTT, 3 doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam là Viettel, VinaPhone hay MobiFone đều tuyên bố sẽ cho ra đời những sản phẩm OTT mang tên tuổi riêng mình. Gần đây nhất, 2 trong 3 nhà mạng đã làm được điều đó, tên tuổi còn lại cũng hứa hẹn sẽ sớm ra mắt ứng dụng của mình.

Đại diện các hãng công nghệ cũng như nhà mạng đều cho biết mục đích ra đời OTT riêng đều hướng tới tận dụng ưu thế riêng trên thị trường nội địa của mỗi đơn vị. Chẳng hạn Mocha có lợi thế lớn khi sở hữu tập khách hàng 55,5 triệu thuê bao của Viettel, trong khi VietTalk cũng có khoảng 26 triệu. Còn với BTalk, lợi thế mà hãng công nghệ Bkav xác định là việc ra đời cùng thời điểm với sản phẩm smartphone của đơn vị này, giúp hỗ trợ tương tác giữa phần mềm và phần cứng...

"Đây có thể là lý do khiến Viber nhận thấy rằng việc bắt tay với các nhà mạng trong thời gian tới sẽ không khả thi. Trong khi đó, doanh thu, lợi nhuận vẫn luôn là một bài toán khó đối với các ứng dụng OTT", ông Nguyễn Vương Quốc Thịnh - Tiến sĩ về ngành viễn thông, hiện công tác tại France Telecom - Orange (Pháp) nhận định.

Ông cho biết, với một số ứng dụng OTT có quảng cáo, nguồn thu có thể sẽ tốt hơn nhưng hiện nay vẫn khá hạn chế. Một số khác kiếm tiền từ game, bán vật phẩm, sticker (các biểu tượng thể hiện sắc thái qua chat), bán hình nền, nhạc...

Riêng đối với Viber, ứng dụng này không đăng quảng cáo, mà nguồn thu theo dự tính sẽ đến từ dịch vụ Viber Out (gọi điện tới số điện thoại bất kỳ chưa đăng ký sử dụng Viber) và Sticker. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress cuối năm ngoái, đại diện Viber Việt Nam cho biết, hiện chưa có lợi nhuận từ các dịch vụ này do thói quen sử dụng miễn phí của người dùng.

Còn đối với dịch vụ Viber Out, chuyên gia viễn thông cho rằng cũng khó đạt được kỳ vọng vì các nhà mạng cũng đã tính đến điều này. "Về lâu dài, tôi cho rằng, các nhà mạng sẽ tiến tới kết nối người dùng các ứng dụng OTT tự phát triển với các thuê bao di động của họ", chuyên gia này nhận định. Một minh chứng là gần đây, có doanh nghiệp đã cho phép khách hàng cài ứng dụng OTT của họ được nhắn tin miễn phí vào các thuê bao nội mạng. 

Bên cạnh đó, một chuyên gia MobiFone nhận định việc cơ quan quản lý đang xây dựng một số chính sách nhằm quản lý các ứng dụng OTT cũng là một phần lý do khiến Viber quyết định đóng cửa văn phòng tại Việt Nam.

Hiện Bộ Thông tin & Truyền thông đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền internet. Trong đó có quy định nhà cung cấp dịch vụ OTT có thu cước nếu không đặt máy chủ tại Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước. Trường hợp muốn đặt máy chủ tại Việt Nam phải hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ OTT phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông.

Như vậy, theo phân tích của các chuyên gia, nếu quy định mới được ban hành, Viber muốn cung cấp dịch vụ Viber Out thì buộc phải hợp tác với một doanh nghiệp viễn thông trong nước. Bản thân các nhà mạng cũng không mặn mà với điều này vì họ đã có ứng dụng OTT của mình. Ngoài ra, Viber cũng sẽ phải chịu sự quản lý giá cước như các doanh nghiệp viễn thông trong nước khác.

Theo VNE

Các tin cũ hơn