Việc giữ điện thoại bền bỉ và chạy tốt luôn là điều người dùng hướng tới. Thế nhưng đối với những nhà sản xuất như Samsung, điều đó chỉ khiến việc kinh doanh của họ khó khăn hơn.
Thực trạng thị trường
Từ lâu, thị trường Mỹ là một mảnh đất không hề dễ dàng để chinh phục đối với các nhà sản xuất thiết bị di động. Mặc dù mức sống của người dân ở đất nước này rất cao, thế nhưng phần lớn điện thoại di động ở đây được cung cấp thông qua các bản hợp đồng với các nhà mạng lớn như AT&T, Verizon,... Những bản hợp đồng này có thời hạn 2 năm và nó cho phép người Mỹ sử dụng những chiếc điện thoại sang trọng nhất với giá vô cùng rẻ (thậm chí là không mất tiền). Và vấn đề chính là ở đây.
Vì nhiều lý do, người Mỹ đang dần tiết kiệm chi phí bỏ ra hơn so với trước kia. Chu kỳ thay thế điện thoại của người Mỹ trước đây là khoảng 15 tháng. Các nhà sản xuất luôn biết cách thay đổi vòng đời những chiếc điện thoại của mình một cách hợp lý để khiến người dùng tự cảm thấy nên nâng cấp điện thoại của mình.
Thế nhưng vòng đời này bây giờ đã tăng lên đến 20-24 tháng chính vì những hợp đồng như ở trên. Điều này khiến lượng smartphone được bán ra ở Mỹ sẽ chỉ tăng 5,3% mỗi năm cho đến năm 2018 theo số liệu của IDC, giảm nặng so với con số 8,9% vào năm ngoái.
Những bản hợp đồng 2 năm khiến bất kỳ người Mỹ nào cũng có thể sở hữu những chiếc smartphone thời thượng |
Xu hướng này không quá ảnh hưởng đến Apple và những chiếc iPhone của họ - vốn có những khách hàng trung thành không quá quan tâm đến giá cả. Thế nhưng nó lại là đòn chí tử đối với các hãng sản xuất smartphone Android. Với vòng đời ngắn hơn nhiều một chiếc iPhone, những chiếc điện thoại Android cần được thị trường chấp nhận trong khoảng 6 tháng -1 năm kể từ khi nó ra mắt thị trường.
Vậy nên việc người dùng cứ "khư khư" giữ lấy chiếc smartphone của mình và không chịu thay nó trước khi kết thúc thời hạn 2 năm khiến cho lượng smartphone Android bán ra bị tụt giảm thảm hại.
Việc bão hòa thị trường trên toàn cầu khiến gần như ai ai cũng có trong tay một chiếc smartphone cao cấp. Việc sở hữu trong tay những chiếc điện thoại có giá trj khoảng 600 - 700 USD làm người ta gần như bỏ đi ý định mua sắm những chiếc điện thoại mới trong thời gian ngắn hạn. Đấy là chưa kể đến sức cạnh tranh từ những đối thủ mới, mà đáng gớm nhất hiện nay chính là những chiếc điện thoại siêu rẻ của Xiaomi.
Những đơn vị sản xuất bị ảnh hưởng lớn nhất bởi việc này chính là Samsung và HTC. Với Samsung, họ đang phải trải qua một quãng thời gian khá tồi tệ khi doanh số điện thoại bán ra trong quý I giảm tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do cho sự suy giảm này có khá nhiều. Sự thay đổi xu hướng ở Mỹ, cắt giảm chi tiêu ở Trung Quốc hay thậm chí là khủng hoảng kinh tế ở Nga.
Với HTC, mọi chuyện cũng chẳng khá khẩm hơn khi lượng hàng tồn kho thành phẩm của họ đạt mức cao kỷ lục: 2,35%. Điều này khiến công ty Đài Loan phải hạ mức dự báo phát triển của mình vào ngày 5 tháng 6 vừa qua, khiến giá cổ phiếu HTC giảm xuống mức thấp nhất trong suốt một thập kỷ.
Đại diện của cả HTC, Samsung và Apple đều từ chối bình luận về vấn đề này.
M9 - Quả bom xịt của HTC |
Giải pháp tạm thời
Rõ ràng các đơn vị nhà mạng chẳng thể đứng ngoài cuộc trong chuyện này. Mới đây, hãng AT&T đã đàm phán với các đối tác chính là Apple và Best Buy để dừng hình thức "tặng" điện thoại kèm hợp đồng dịch vụ 2 năm hiện nay của họ. Verizon cũng làm điều tương tự khi đặt mục tiêu sẽ chuyển được 50% đơn cung cấp điện thoại mới sang hình thức bán trực tiếp cho khách hàng.
Những quyết định này khiến người dùng phải suy nghĩ và tính toán cẩn thận hơn cho mỗi món tiền họ chi ra để mua điện thoại mới. Người dùng tại Mỹ đang dần quay lại việc mua sắm những chiếc điện thoại mới thông qua BestBuy hoặc mua những chiếc điện thoại đã qua sử dụng trên những trang web như Gazelle hoặc Glyde. Điều này được thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh khi mà điện thoại được bán ra tại Glyde tăng tới 88% so với thời điểm này năm ngoái.
Ông Chris Sullivan - Giám đốc điều hành Gazelle cho biết:"Những chiếc điện thoại cao cấp mới là rất đắt tiền. Do đó người ta đang tìm đến những chiếc điện thoại đã qua sử dụng với giá rẻ hơn từ 20-50% so với một chiếc điện thoại mới".
Với bản thân các nhà mạng, việc chuyển dịch sang hình thức mới cũng đem lại lợi ích trực tiếp cho họ. Doanh thu từ các hợp đồng dịch vụ đang suy giảm, nhưng bù lại doannh thu từ việc bán sản phẩm lại tăng cao. Thống kê cho thấy với T-Moblie, doanh thu từ dịch vụ đã giảm 1%, trong khi đó doanh số bán thiết bị lại tăng tới... 41%, kéo tổng doanh thu tăng lên 5%.
Tuy nhiên: "Thay thế sản phẩm chậm sẽ kéo theo khả năng ứng dụng công nghệ mới chậm theo. Điều này là rất tệ trong tiến trình lâu dài", Entner chuyên viên phân tích của Recon cho biết.
Theo Genk