- Ngay khi TPP được ký kết, nhiều chuyên gia lo ngại ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị tổn thương. Là doanh nghiệp có tỷ trọng đầu tư chăn nuôi lớn, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Xét tổng thể, ngành chăn nuôi Việt Nam đúng là sẽ phải chịu rất nhiều thách thức khi vào TPP bởi tiêu chuẩn sản phẩm của Hiệp định này rất cao. Hiện nay đa số nông dân trong nước vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, không có điều kiện áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại. Với cách sản xuất này, chất lượng không đồng nhất, giá lại cao, rất khó cạnh tranh với sản phẩm của các cường quốc trong nhóm 11 nước còn lại tham gia TPP. Đây chính là những điểm yếu điển hình của ngành chăn nuôi trong nước.
Đại bộ phận nông dân và những đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ không có điều kiện đầu tư bài bản sẽ bị ảnh hưởng bởi những khó khăn này. Còn những doanh nghiệp đủ sức chăn nuôi quy mô lớn, tiếp cận công nghệ tiên tiến thì không cần lo ngại. Tôi tin những doanh nghiệp đầu tư bài bản như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Vinamilk, TH True Milk, Hòa Phát... đều không ngán TPP.
- Ông có thể phân tích vì sao những doanh nghiệp này không ngán TPP?
- Nuôi bò công nghệ cao như chúng tôi không ngại TPP. HAGL đang phát triển mô hình chăn nuôi bò Australia theo hình thức đại công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại của Israel. Những nông trại này có quy mô lớn nhất nhì Đông Nam Á,đồng thời có cơ chế giám sát, vận hành bằng thiết bị kỹ thuật cao, giúp kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, đầu ra theo tiêu chuẩn.
Dựa trên lợi thế về quỹ đất, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, đầu tư con giống tốt ngay từ ban đầu, hiện nay hơn 120.000 con bò Australia được nuôi theo hình thức cơ giới hóa gần như toàn bộ tại những trang trại ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Tại Gia Lai, doanh nghiệp chủ động trồng 3.000 hecta cỏ voi phục vụ đàn bò để tiết giảm chi phí thu mua, đó là chưa tính đến diện tích đất trồng cỏ tại Lào, Campuchia và các tỉnh thành khác trong nước. Với guồng quay hiện nay, mỗi ngày chúng tôi xuất chuồng 300 con bò ra thị trường cả nước, giá thành cạnh tranh được với bò ngoại nhập đang có mặt ở thị trường Việt Nam. Vì lẽ đó, HAGL tự tin không ngại những tác động xấu từ TPP, thậm chí đây còn là cơ hội lớn để phát triển.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức cho rằng nếu cải tổ ngành chăn nuôi triệt để, trong 2-3 năm tới, Việt Nam có thể từng bước vượt qua những thách thức TPP mang lại và giúp ngành này trưởng thành hơn. Ảnh: V.L |
- Vậy theo ông, cơ hội mà TPP mang lại cho ngành chăn nuôi Việt Nam là gì?
- Tôi chỉ đánh giá ở khía cạnh thị trường trong nước vì muốn vươn ra bên ngoài thì việc đầu tiên là cần có nội lực mạnh mẽ. Thứ nhất, ngành chăn nuôi Việt Nam có lợi thế sân nhà, thấu hiểu thị trường nội địa hơn các đối thủ ngoại khác. Cũng cần lưu ý đây là thị trường lớn hơn 90 triệu người, dân số trẻ, đầy tiềm năng. Thứ hai, sản phẩm chăn nuôi của chúng ta không tốn chi phí vận chuyển lớn, hoặc tốn ít chi phí hơn các đối thủ vì quãng đường di chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ ngắn hơn. Ví dụ: đối với bò thương mại ngoại nhập, trung bình phí vận chuyển và những chi phí cho hệ thống phân phối có thể lên đến 30-35% giá thành. Ngoài ra, giá nhân công của Việt Nam rẻ hơn so với các quốc gia tham gia TPP cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.
Cơ hội lớn nhất mà TPP mang lại cho ngành chăn nuôi Việt Nam là động lực to lớn để thay đổi, giúp ngành này trưởng thành hơn, điều mà bất lâu nay chúng ta vẫn chậm chạp, thậm chí giẫm chân tại chỗ. Ngành chăn nuôi trong nước buộc phải cải tổ để đương đầu với cuộc chiến sinh tử, lựa chọn giữa tiến lên hay là "chết".
TPP đưa ra các chuẩn sản phẩm cao hơn, giá cả hợp lý hơn. Đây là cuộc chơi sòng phẳng ở đó không có chuyện bảo hộ hay độc quyền. Sản phẩm từ ngành chăn nuôi Việt Nam có cơ hội được nâng lên một tiêu chuẩn cao hơn, đồng nhất hơn. Người tiêu dùng trong nước được mua hàng hóa giá cạnh tranh nhất, chất lượng tốt nhất.
- Theo ông, nông dân, các doanh nghiệp nhỏ phải làm thế nào để tận dụng cơ hội để trưởng thành và vượt qua thách thức của TPP?
- Giải pháp không phải là không có. Vấn đề nằm ở chỗ khi nào chúng ta bắt tay làm. Đầu tiên cần có chiến lược quốc gia về việc cấp tốc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận những mô hình chăn nuôi tiên tiến. Phải bỏ cái cũ đi để tiếp thu cái mới. Giải mã bài toán quỹ đất để phục vụ chăn nuôi đại công nghiệp bằng cách cho họ liên kết với nhau. Cấp vốn và chuyển giao công nghệ một cách bài bản. Song song đó, cần đưa ra các chuẩn hàng hóa cao hơn, ngang bằng với các đối thủ ngay từ đầu vào (con giống, quy trình chăn nuôi, nguồn thức ăn), kiểm soát chặt đầu ra (sản phẩm).
Công nghệ tiên tiến trong ngành chăn nuôi không khó để tiếp cận. Hiện nay thị trường này bán mua cực kỳ sôi động, rất đa dạng. Khi đã mua công nghệ, chúng ta được hỗ trợ chuyển giao. Có vẻ như đây là bài toán khó nhưng không phải là không có lời giải.
Tất nhiên không thể nào thay đổi trong tích tắc, đây là việc không thể chuyển biến nhanh được. Cần bao nhiêu thời gian tùy thuộc vào việc chúng ta nỗ lực đến đâu. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có 10 năm để chuẩn bị cho TPP. Nếu đó thật sự là khoảng thời gian chuẩn bị thì tôi tin chúng ta có thể khắc phục được. Bởi vì nếu quyết tâm cải tổ triệt để ngành chăn nuôi thì từ những năm thứ hai, thứ ba trở đi sẽ có thành quả bước đầu. Hãy nhìn câu chuyện của HAGL, chúng tôi cũng chỉ mới nuôi bò được hai năm thôi nhưng tất cả đã vào guồng. Do đó, thời gian bao lâu không quan trọng bằng quyết tâm vượt khó.
Theo VnExpress