Thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT: Ngân sách sắp có thêm hàng tỷ USD

Thứ tư, 14/10/2015, 08:23
SCIC vừa được chấp thuận thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước. Ước tính sau khi thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này, ngân sách Nhà nước có thể thu về khoảng 3 tỷ USD nhằm bù đắp cho các khoản chi trong bối cảnh cân đối ngân sách gặp khó khăn.

Riêng việc thoái 45,1% vốn tại Vinamilk có thể mang lại cho ngân sách thêm 2,4 tỷ USD, tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu VNM.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chấp thuận về phương án nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 19 doanh nghiệp tại đề án chiến lược của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo đó, SCIC được tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC; Công ty khai thác và chế biến đá An Giang; CTCP Cảng Vũng Áng Việt Lào; CTCP Đầu tư Bảo Việt SCIC; Tập đoàn Bảo Việt; Đầu tư thương mại Tràng Tiền; Dược Hậu Giang; CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco.

Theo phương án phê duyệt, SCIC sẽ thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp, bao gồm nhiều tên tuổi đình đám như: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (nắm 50,7% vốn); CTCP sữa Việt Nam (Vinamilk - nắm 45,1%); CTCP FPT (nắm 6%); CTCP Viễn thông FPT (nắm 50,2%); Nhựa Bình Minh (nắm 38,4%); Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (nắm 371,%); Xuất nhập khẩu Sa Giang (nắm 49,9%); Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (nắm 47,6%)…

Theo ước tính, khi thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp trên, Nhà nước có thể thu về khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, riêng việc thoái hết 45,1% cổ phần tại Vinamilk đã có thể mang lại cho ngân sách thêm 2,4 tỷ USD.

Câu chuyện SCIC nắm tới phân nửa vốn tại công ty sữa lớn nhất Việt Nam từng chịu không ít “lời ong tiếng ve”. Vinamilk luôn được xem là “con gà đẻ trứng vàng” với cổ tức hàng năm chi trả luôn ở mức cao. Tính riêng trong năm 2014, với 541 triệu cổ phiếu nắm giữ, SCIC nhận được 2.164 tỷ đồng cổ tức từ Vinamilk.

Việc thoái vốn khỏi những doanh nghiệp như Vinamilk hay FPT được giới chuyên gia đánh giá rằng không những mang lại sự chủ động cho bản thân doanh nghiệp mà còn giúp ngân sách có thêm một khoản thu đáng kể nhằm bù đắp cho các khoản chi trong bối cảnh cân đối ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong phiên họp sáng 12/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, mục tiêu giữ bội chi ngân sách Nhà nước bằng 5% GDP trong năm 2015 khó thực hiện được.

Nguyên nhân là do mức giải ngân vốn ODA trong năm 2015 sẽ vượt mức dự toán đã được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, một số khoản đã chi mà chưa có nguồn bù đắp như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam….

Cơ quan thẩm tra lưu ý, cân đối ngân sách nhà nước đã rất căng thẳng khi tốc độ tăng thu chỉ ở mức 6,1%, tốc độ tăng chi 8,6%, riêng chi đầu tư phát triển tăng 16,4%, chi thường xuyên tăng 6%. Trong khi ngân sách nhà nước còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán.

Trước thực tế này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với đề nghị bán bớt cổ phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước để thu về khoảng 30.000 tỷ đồng để bổ sung chi đầu tư phát triển, tập trung cho một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan tỏa lớn.

Và quyết định mới nhất từ Thủ tướng Chính phủ khi chấp thuận cho SCIC thoái vốn tại hàng loạt ông lớn như Vinamilk là động thái mới nhất nhằm giúp Chính phủ giải bài toán cân đối ngân sách!

Theo DânTrí

Các tin cũ hơn