Dinh thự của gia đình chú Hỏa được sử dụng làm bảo tàng để phục vụ công chúng. |
Xung quanh cuộc đời của Hua Bon Hoa (Hứa Bổn Hoà, tức chú Hỏa) - một trong “tứ đại hào phú” của vùng đất Nam Bộ xưa đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại ly kỳ.
Sản nghiệp đồ sộ
Chiều muộn một ngày giáp Tết Trung thu, chúng tôi trở lại nhà chú Hỏa để tìm lại dấu vết người xưa. Bóng tối nhập nhoạng, những lồng đèn đỏ của đám trẻ vừa thắp lên làm tòa dinh thự rộng lớn càng trở nên cổ kính, thâm u, bí ẩn.
Toạ lạc tại khu tứ giác “vàng” cách chợ Bến Thành (quận 1) vài bước, dinh thự này là một trong những tòa nhà cổ đẹp nhất Sài Gòn. Sau ngày giải phóng miền Nam, con cháu chú Hỏa di tản ra nước ngoài, tòa nhà được nhà nước xác lập quyền sở hữu và sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ông Hiệp, nhân viên bảo tàng đưa tôi vào tòa nhà thứ hai chỉ một số vật dụng của gia đình chú Hỏa còn lưu giữ như tủ gỗ, salon cẩn xà cừ,…
Tòa nhà được xây ba tầng, được bao bọc bởi bốn dãy phố sầm uất: Phó Ðức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette, Nguyễn Thái Bình. Một số vị trí trong toà nhà được chạm khắc hoa văn cùng ba chữ H.B.H (Hứa Bổn Hỏa) rất tinh tế. Hơn 100 năm bể dâu, công trình được bảo tồn gần như nguyên vẹn với nhiều khối nhà hình chữ U, có thang máy, thiết kế theo phong cách Art décort, kiểu dáng kiến trúc kết hợp giữa hai trường phái xây dựng Á-Âu trên khuôn viên khoảng 3ha. Tất cả các cửa chính, cửa sổ trong tòa nhà đều được thiết kế không đối diện nhau và kích thước của từng cửa sổ và cửa lớn đều không giống nhau.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, chú Hỏa (1845-1901) quê ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), gốc người Minh Hương. Tổ tiên ông chạy sang Việt Nam lánh nạn sau khi người Mãn Châu đánh bại nhà Minh. Ông khởi nghiệp từ gánh ve chai, về sau nhập quốc tịch Pháp, có tên là Jean Baptiste Hua Bon Hoa.
“Người lớn tuổi nhất là cháu nội của chú Hỏa, khi về Việt Nam đã 82 tuổi. Ông nói con cháu không biết những gì đã xảy ra hơn một trăm năm trước nên rất nhiều câu chuyện đến nay cũng chỉ là giai thoại” - Ông Hiệp, nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Chú Hỏa lập công ty Hua Bon Hoa và các con, sở hữu hàng chục tiệm cầm đồ, trên 20.000 căn nhà phố cho thuê trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Ðồng Khởi đắc địa nhất Sài Gòn. Nhiều công trình còn tồn tại đến hôm nay như Khách sạn Majestic, khu nhà khách Chính phủ,… nên dân gian có câu: “Ði tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa”. Sau Thế chiến thứ nhất, công ty Hua Bon Hoa còn mở chi nhánh tại Hạ Môn, Thượng Hải, Hong Kong, Ðài Loan…
Gia đình chú Hỏa cho xây nhiều công trình phục vụ người nghèo như cô nhi viện, chùa Phụng Sơn, Bệnh viện Maternité Indochinoise (nay là bệnh viện Từ Dũ), Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Phước Thiện y viện (bệnh viện Nguyễn Trãi ngày nay), Thành Chí học hiệu (Trường THCS Minh Ðức), nuôi cơm những người vô gia cư. Nhiều bậc cao niên ở Sài Gòn kể trong nhà chú Hỏa ngày trước trưng bày đôi quang gánh trong tủ kính để nhắc nhở con cháu không quên thuở hàn vi nhưng đến nay thì không còn nữa.
Trong cuốn biên khảo “Sài Gòn năm xưa”, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đánh giá: Nhờ giữ gìn có phương pháp nên sự nghiệp ngày càng đồ sộ thêm mãi. Sơ khởi, chú Hỏa nghe đâu hùn hiệp với một người Pháp bao thầu khuếch trương các tiệm cầm đồ (Mont de piété) trong Nam Kỳ. Hiện nay phố xá Sài Gòn phần lớn là của công ty Hua Bon Hoa làm chủ. Nhưng công ty này được tiếng là "rất biết điều", "không eo sách, làm khó người mướn phố".
Những vật dụng còn sót lại của gia đình chú Hỏa. |
Nhiều giai thoại ly kỳ
Ðược tôn vinh là tứ đại hào phú Nam Bộ (Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa), chuyện giàu lên nhanh chóng của chú Hỏa đến nay vẫn còn là một ẩn số. Nhiều cuốn sách xuất bản trước năm 1975 ở miền Nam cho rằng ban đầu chú Hỏa mua bán ve chai dạo, tái chế đồ cũ bán lại, sau khi có ít vốn thì hùn hạp buôn bán bất động sản rồi phất lên như diều.
Có một số tác giả cho rằng chú Hỏa thuộc dòng dõi nhà Minh, có “của chìm”? Hay một lần mua ve chai, ông may mắn mua được bức tượng bên trong chứa đầy vàng... Nhưng dù thế nào, có một thực tế là ngoài sự cần mẫn, chịu khó, chú Hỏa là một doanh nhân tài ba, biết nhìn xa trông rộng. Danh tiếng chú Hỏa lừng lẫy khắp Ðông Dương. Các con của ông được du học và làm việc ở nước ngoài.
Giai thoại về chú Hỏa còn rất nhiều. Trước năm 1975, hãng phim Dạ Lý Hương đã sản xuất bộ phim “Con ma nhà họ Hứa” phỏng theo bị kịch xảy ra trong gia đình chú Hỏa. Bộ phim do nghệ sỹ Lê Mộng Hoàng làm đạo diễn là bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Thành ngữ “con ma nhà họ Hứa” cũng từ đó mà có.
Bộ phim phỏng theo những lời đồn. Theo đó, chú Hỏa có một người con gái rất xinh đẹp, ngoan ngoãn nên hết mực cưng chiều. Một ngày, cô gái ấy không xuất hiện nữa. Chú Hỏa cho đăng cáo phó mất con trên báo. Vậy mà đêm đêm, người ta vẫn nghe tiếng kêu khóc thảm thiết từ trong dinh thự và thấy “hồn ma” con gái chú Hỏa xuất hiện bên cửa sổ.
Sự thật là cô gái mắc bệnh phong, y học lúc đó bó tay. Dù có tiền muôn, bạc vạn, chú Hỏa bất lực nhìn con chết dần, chết mòn trong nỗi đau đớn tột cùng. Ðể không ảnh hưởng đến uy tín và việc kinh doanh, ông buộc phải đăng cáo phó và nhốt con vào một căn phòng kín đáo rồi sai gia nhân chăm sóc chu đáo song tiếng kêu khóc của cô vẫn thoát ra ngoài. Không ít lần, cô gái còn lẻn ra ngoài, đầu tóc rũ rượi, làm người bên ngoài tưởng là … ma.
Cuối cùng, chú Hỏa bí mật đưa con gái về chăm sóc tại biệt thự của gia đình (nay là khách sạn Palace) bên bãi biển Long Hải (thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) ngày ấy còn rất hoang sơ cho đến ngày cô gái mất.
Câu chuyện đau lòng ấy cũng chỉ là một trong số hàng trăm giai thoại về gia đình chú Hỏa, không ai biết thực hư thế nào, kể cả những hậu duệ đương thời của ông. Ông Hiệp kể, cách nay gần mười năm, cháu chắt của chú Hỏa từ nước ngoài trở về Việt Nam thăm lại chốn xưa và tìm hiểu lịch sử gia đình. Họ lưu lại nhiều ngày tại khách sạn Majestic và rất vui khi thấy toà dinh thự của gia đình được sử dụng làm bảo tàng phục vụ du khách và công chúng.
Hua-Bon-Hoa có lẽ là một trong những doanh nhân bí ẩn nhất Việt Nam. Ông mất hơn 100 năm nhưng mộ phần ở đâu đến nay vẫn không rõ. Cũng có ý kiến cho rằng hài cốt của chú Hỏa đã được con cháu đưa về quê cũ.
Theo Tiền Phong