Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội – ông Atsusuke Kawada. |
Ông đánh giá ra sao về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được thỏa thuận tới nền kinh tế và xuất khẩu Việt Nam?
Ông Atsusuke Kawada: Nếu TPP có hiệu lực, xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước tham gia TPP như Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng lên. Cụ thể là kỳ vọng vào mở rộng xuất khẩu vào Mỹ các mặt hàng như dệt may, da giày, thủy sản…
Ví dụ, hiện nay, sản phẩm dệt may như áo sơ mi nam xuất khẩu sang Mỹ có thuế nhập khẩu MFN là 19,7%. Với trường hợp xuất khẩu vào Mỹ từ các nước ASEAN, nếu sử dụng FTA Singapore-Mỹ, thì mức thuế của mặt hàng nói trên là 0%. Những nước ngoài Singapore sẽ bị áp dụng thuế suất MFN.
Không chỉ Singapore, các nước tham gia TPP như Malaysia, Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế quan và có thể xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế thấp hơn so với các nước ASEAN khác.
Mặt khác, sản phẩm dệt may theo nguyên tắc yarn-forward (nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi - PV), trong trường hợp Việt Nam không thể sản xuất vải thì sẽ có khả năng cao là không thể nhận được lợi ích gì, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có xu hướng mở rộng hoạt động sản xuất vải tại Việt Nam và có thể áp dụng hiệu quả nguyên tắc này.
Liệu dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có sự chuyển dịch sau khi TPP phát huy hiệu lực, thưa ông?
Nếu TPP có hiệu lực, xuất khẩu vào Mỹ sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn các nước ASEAN khác, ngoại trừ Singapore, Malaysia. Các cơ sở xuất khẩu, cơ sở sản xuất sẽ có khả năng được ưu tiên.
Về xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, ngoài yếu tố TPP, xu hướng tỷ giá hối đoái, tình hình kinh tế thế giới xung quanh Việt Nam cũng sẽ có ảnh hưởng.
Tại JETRO Hà Nội, trong năm nay, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trao đổi từ các doanh nghiệp quan tâm đến việc sản xuất tại Việt Nam, liên quan đến dệt may tập trung vào việc sau khi TPP có hiệu lực.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có tăng nhiều hay không thì cần chờ đợi thêm một thời gian. Tuy nhiên, TPP chắc chắn là một trong những nguyên nhân thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Vậy đâu là những lĩnh vực ngành nghề tại Việt Nam sẽ thu hút đầu tư mạnh nhất từ phía doanh nghiệp Nhật Bản?
Khi TPP có hiệu lực, đương nhiên kỳ vọng đối với tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ từ Việt Nam sẽ lớn. Đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam gần đây, do ảnh hưởng của sự giảm giá đồng yen Nhật nên số lượng các dự án tư trong ngành công nghiệp chế tạo với quy mô lớn giảm, chủ yếu là các dự án được cấp phép với quy mô vừa và nhỏ.
Theo thỏa thuận của TPP, không thể nói là đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ dễ dàng tăng lên, tuy nhiên như tôi đã nếu trên, chắc chắn đó là một trong những nhân tố thúc đẩy đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Theo BizLive