Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, hàng Thái đã bao phủ thị trường sau khi đại gia bán lẻ BJC mua lại Metro Cash&carry. Tiếp đến, Central Group ngoài việc mở hai trung tâm mua sắm Robins đã mua thêm 49% cổ phần của Công ty Thương mại Nguyễn Kim và sở hữu hàng loạt cửa hàng tiện lợi B’smart.
Nay đến lượt hàng thời trang, mỹ phẩm… Thái cũng ồ ạt xâm nhập Việt Nam với thương hiệu Marks&Spencer cùng chuỗi cửa hàng đồng giá Kamanayo.
Theo khảo sát của chúng tôi, các mặt hàng được bày bán ở chuỗi cửa hàng đồng giá của Thái Lan chủ yếu là hàng gia dụng, văn phòng phẩm, đồ trang trí trong nhà… được thiết kế với màu sắc, kiểu dáng bắt mắt.
Chị Lê Thị Phương, nhân viên văn phòng (nhà ở quận Tân Phú, TP HCM), cho biết, chị thấy có cửa hàng đồng giá Kamanayo tại siêu thị Aeon Mall nên ghé vào mua hàng. Tại đây có rất nhiều mặt hàng như chén, dĩa, rổ rá, thùng rác,… thiết kế lạ mắt, đồng giá 40.000 đồng.
“Nếu so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thì giá bán ở đây có cái rẻ hơn, có cái đắt hơn. Nhưng nhìn chung mức giá này phù hợp với túi tiền của nhiều người”, chị Phương nhận xét.
Chị Lê Thị Hồng Giang (quận 3) chia sẻ, trước đây muốn dùng các loại mỹ phẩm Marks&Spencer của Thái, chị phải mua hàng xách tay. Nay người Thái mở cửa hàng ở Việt Nam nên dễ tìm và giá lại phù hợp túi tiền, như nước rửa tay 215.000 đồng, kem dưỡng thể 255.000 đồng.
Trước xu hướng nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng hàng Thái, nhiều nơi bán bắt đầu thay thế dần hàng Trung Quốc, bằng cách nhập hàng từ Thái Lan. Chính vì vậy, tốc độ lan tỏa của hàng Thái trên thị trường rất nhanh. Nhiều doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng Việt nhìn nhận thế mạnh của hàng Thái Lan là mẫu mã phong phú, đáp ứng được nhiều đối tượng tiêu dùng. Trong khi đó, sản phẩm của các DN Việt mẫu mã ít đa dạng.
Người Việt đang mua hàng Thái. |
Nhiều ý kiến cho rằng, hàng hóa Thái Lan tràn vào Việt Nam là chuyện bình thường, phù hợp với xu hướng hội nhập. Tuy nhiên, cuộc tấn công ồ ạt “thượng vàng hạ cám” của hàng hóa cũng như các hệ thống bán lẻ Thái Lan lại một lần nữa đặt DN Việt trước bài toán cạnh tranh sống còn ngay trên sân nhà.
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng, sản phẩm đồ lót, mỹ phẩm… Thái xâm nhập thị trường Việt Nam không hoàn toàn dễ dàng. “Bên cạnh đó, mô hình đồng giá 1 đôla ở một số nước phát triển như Mỹ, Canada thất bại do không đạt được thỏa thuận với nhà cung cấp so với các siêu thị và cửa hàng tiện lợi khác”, ông Trần nói.
Nhưng ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cảnh báo, độ phủ của hàng Thái đang thực sự là nỗi lo cho DN Việt. ngay như mặt hàng may mặc, Việt Nam được xem là một trong những “cường quốc” xuất khẩu nhưng cũng đang bị hàng Thái tấn công. Thêm nữa, thị trường nội địa được ví như “bàn đạp cho xuất khẩu”, nếu cứ để hàng Thái tiếp tục lấn át ngay trên sân nhà, DN Việt sẽ khó có thể hướng mạnh vào xuất khẩu được.
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng nói, sự có mặt của hàng Thái tạo nên sự cạnh tranh, thúc đẩy thị trường Việt Nam phát triển tốt, người tiêu dùng hưởng lợi. “Nhưng qua việc thâm nhập thị trường Việt cho thấy, họ có chiến lược rõ ràng với những bước đi bài bản và chuyên nghiệp chứ không theo kiểu “vui buồn” của DN Việt. Điều quan trọng hơn là họ dám làm hơn DN Việt. Dù vậy họ cũng không thông thuộc tập quán, thói quen tiêu dùng người Việt bằng chính DN Việt. Có điều nếu DN chúng ta không chịu thay đổi cung cách làm ăn thì mất thị phần”, ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, hiện nay một số DN Việt cũng đã đầu tư làm thương hiệu, thậm chí có công ty bỏ ra cả 1.000 USD để tham gia các khóa học về quản lý, bán hàng… áp dụng cho DN mình. “Song như vậy là chưa đủ. Điều quan trọng nhất đối với DN là phát triển mạng lưới phân phối, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, nâng cao trình độ quản trị… để cạnh tranh tốt”, ông Hoàng khuyến cáo.
Ngoài ra cũng không thể thiếu vai trò của các hiệp hội, Nhà nước trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng để DN có thể cạnh tranh, phát triển. Thực tế một trong những lý do khiến Thái Lan dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam là do chính phủ nước này hỗ trợ DN của họ xúc tiến thương mại, đưa hàng ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam luôn nhập siêu từ Thái Lan Cán cân trao đổi thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Thái Lan luôn không cân bằng và thâm hụt luôn nghiêng về phía Việt Nam. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Thái Lan là 10,6 tỷ USD nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu 3,5 tỷ USD, nhập khẩu 7,1 tỷ USD. Trong bốn tháng đầu năm nay kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ nhưng Việt Nam xuất khẩu 1,1 tỷ USD, nhập khẩu 2,3 tỷ USD từ Thái Lan. Người Thái sẽ mở thêm nhiều cửa hàng đồng giá Việt Nam với hơn 60% dân số trẻ dưới 30 tuổi là nhóm khách hàng có nhu cầu mua sắm tại những cửa hàng hiện đại cũng như yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ ngày càng tăng cao. Một thị trường rất tiềm năng và là điểm đến hấp dẫn cho ngành bán lẻ hiện đại, trong đó bao gồm cửa hàng đồng giá. Do đó từ nay đến tháng 3/2016, chúng tôi sẽ tiếp tục mở sáu cửa hàng đồng giá. |
Theo Zing