Nông dân trồng dưa Đại Lộc (Quảng Nam) đau xót đem dưa hấu cho bò ăn vì không bán được. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Theo công bố chính thức của Bộ Công Thương, hằng năm ngân sách vẫn phải chi số tiền không nhỏ cho công tác xúc tiến thương mại (XTTM). Cụ thể, năm 2015, ngân sách duyệt chi 100 tỷ đồng để hỗ trợ 212 đề án xúc tiến thương mại của 70 đơn vị. Năm 2014, nguồn kinh phí Nhà nước dành cho XTTM quốc gia là 70 tỷ đồng.
Trong đó, riêng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được duyệt 30 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 37,05 tỷ đồng. Thủy sản được phê duyệt 3 đề án với tổng kinh phí 6,24 tỷ đồng để thực hiện các chương trình quy mô lớn tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm gồm Mỹ, EU, Trung Đông. Năm 2013, ngân sách cũng duyệt chi 93,73 tỷ đồng hỗ trợ 131 đề án. Tiền hỗ trợ từ ngân sách năm 2012 cũng được duyệt chi lên tới 93,08 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại, khó khăn trong công tác XTTM chính là việc tiền đầu tư cho XTTM quá thấp. Như năm 2011, Bộ Công Thương tiếp nhận 272 đề án XTTM quốc gia của 72 đơn vị với tổng kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ là 405,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chương trình XTTM quốc gia năm 2011 chỉ được Bộ Tài chính bố trí kinh phí 55 tỷ đồng.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) ngành cà phê thẳng thắn, chi tiền XTTM kiểu “nhỏ giọt” như thời gian vừa qua thì còn lâu mới “gột được lên hồ”. Còn theo tính toán của một chuyên gia chuyên tổ chức sự kiện hội chợ, theo quy định của Thông tư 171 do Bộ Tài chính ban hành, mức hỗ trợ tối đa là 12 triệu đồng/đơn vị tham gia đối với nội dung Tổ chức hội chợ triển lãm định hướng xuất khẩu.
Các khoản chi này chỉ đủ thuê gần nửa gian hàng tại các hội chợ tổ chức tại Hà Nội hoặc TPHCM. Với những hội chợ uy tín, có sự tham gia của nhiều DN nước ngoài, chi phí thuê quầy lên tới 30 -40 triệu đồng. Mức hỗ trợ triển lãm ở nước ngoài rất ít.
Với số tiền hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực châu Á; 60 triệu đồng/đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực châu Âu, châu Phi, châu Úc, Bắc Mỹ, Tây Á… thậm chí chưa đủ để thanh toán vé máy bay khứ hồi cho đoàn công tác.
Mờ nhạt vai trò tham tán thương mại
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng Cty Cà phê Việt Nam cho rằng, các tham tán chưa hiểu sâu, nắm được những nhu cầu của các DN Việt Nam, cũng như thực tế của DN nước sở tại để “khớp” nhau. Theo ông Hải, cần nâng năng lực về XTTM cho các cơ quan tham tán, nắm bắt thông tin các DN nước sở tại họ cần gì từ Việt Nam.
|
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, tham tán thực ra chỉ vai trò thông tin. “Các tham tán, kinh phí cũng giới hạn, họ không đủ kinh phí để làm cho mình đâu. Ai cũng tự vận động mới hiệu quả lớn”- ông Lĩnh nói.
Theo ông Lĩnh, thực tế, DN thực sự muốn đi tìm thị trường, qua môi trường internet anh có thể tìm kiếm được nhiều hơn cả tham tán. Khi có thông tin có hội chợ, DN có thể đi theo kênh Hiệp hội, hoặc qua tổ chức đưa mình đi, nếu không được, mới nhờ qua kênh tham tán.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đầu tư cho XTTM chưa bài bản, nguồn lực thiếu. Ông Hồ cho rằng, công tác XTTM của Việt Nam còn dàn trải, chưa tập trung, nguồn lực lại ít. Năm 2014, xuất khẩu hơn 30 tỷ USD nông lâm thủy sản, trong khi phần XTTM toàn ngành nông nghiệp chưa đến 1 triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng). Đến năm nay, kinh phí XTTM chỉ còn khoảng 15 tỷ đồng.
Trong báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại về hiệu quả XTTM cuối năm 2014, đơn vị này cũng thừa nhận có nhiều hạn chế cần khắc phục trong công tác XTTM. Số lượng DN hưởng lợi chưa đa dạng, đặc biệt là các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo.
Một hạn chế của chương trình là có những địa phương danh sách DN tham gia cả 4 phiên chợ đều giống nhau, phiên này liên tiếp phiên khác, năm nay giống năm ngoái. Cùng đó, DN tham gia các phiên chợ phần lớn là các DN thương mại nên mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc bán hàng, chưa chú trọng giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu, thăm dò nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Thay đổi cách xúc tiến thương mại: Chờ!
Liên quan đến những vấn đề về XTTM đối với một số mặt hàng nông sản, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho rằng cần có sự định hướng trong xuất khẩu cũng như tạo sự liên kết trong sản xuất. Như với mặt hàng gạo, không để tình trạng người dân cứ tự động sản xuất gạo loại nào là DN phải chạy theo bán loại gạo đó. “Tư duy sản xuất này phải thay đổi. DN phải tìm hiểu thị trường, biết nhu cầu của thị trường và đặt hàng nông dân sản xuất. Như vậy mới có sự thay đổi được”, ông Tuấn Anh nói.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tập trung vào một số lĩnh vực công tác trọng tâm như mở rộng thị trường, tăng cường hơn nữa, đảm bảo cao hơn nữa quá trình tham vấn với DN đổi mới nội dung XTTM. Bộ cũng sẽ tiếp tục có chỉ đạo thương vụ và các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm.
“Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT sơ kết đánh giá về xuất khẩu các mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn lưu thông với sản xuất, tính toán kỹ hơn để ổn định thị trường, tiêu thụ hết hàng hóa của nông dân, đặc biệt những mặt hàng mang tính thời vụ như rau quả và trái cây”, ông Tuấn Anh cho biết.
Theo Tiền Phong