Hạnh phúc trên xe lăn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Thứ ba, 05/05/2015, 12:43
“Tôi thấy rất hạnh phúc vì cảm nhận được sự quan tâm của những người xây dựng con đường này đối với những người khuyết tật. Tình trạng của người khuyết tật đã được xem xét kỹ và đang được coi là một phần trong cuộc sống…”

Đó là chia sẻ của bà Judith Heumann, Cố vấn Cao cấp của Chính phủ Mỹ về Quyền của người khuyết tật quốc tế, khi tự mình trải nghiệm bằng xe lăn trên trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sáng 5-5 tại TPHCM.

Bà Judith Heumann, Cố vấn Cao cấp của Chính phủ Mỹ về Quyền của người khuyết tật quốc tế, có chuyến đi thực tế trên phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ. Ảnh: Thu Hằng

Bà Judith Heumann, Cố vấn Cao cấp của Chính phủ Mỹ về Quyền của người khuyết tật quốc tế, có chuyến đi thực tế trên phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ. Ảnh: Thu Hằng

Người phụ nữ nhỏ bé này đã dành cả đời để đấu tranh cho quyền dân sự của những người thiệt thòi trong xã hội Mỹ. Bà nhấn mạnh sự quan tâm đối với người khuyết tật ở Việt Nam thể hiện trên con đường đi bộ này của chính quyền TP HCM là rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, khi sử dụng thang máy dành cho người khuyết tật tại khu vực nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật, nữ cố vấn có một góp ý nho nhỏ rằng cánh cửa trước thang máy thực sự là thách thức đối với nhiều người khuyết tật thể lực không tốt, bởi việc kéo mở cánh cửa này không hề dễ dàng.

“Điều tôi hài lòng nhất là trên tuyến đường này, chúng ta đã thấy sự kết nối cũng như sự hỗ trợ và tạo điều kiện cho những người khuyết tật có cơ hội được trở thành một thành viên của cộng đồng khi bước vào con đường này” - bà Judith Heumann chia sẻ, đồng thời bày tỏ hy vọng quyền lợi của người khuyết tật không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở cả những vùng nông thôn ở Việt Nam cũng được quan tâm thích đáng như vậy.

Bà Judith Heumann sử dụng thang máy dành cho người khuyết tật để vào khu vực nhà vệ sinh trên đường đi bộ. Ảnh: Thu Hằng
Bà Judith Heumann sử dụng thang máy dành cho người khuyết tật để vào khu vực nhà vệ sinh trên đường đi bộ. Ảnh: Thu Hằng

Cuộc đời phi thường của người phụ nữ mất năng lực của đôi chân từ khi 18 tháng tuổi này đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người khuyết tật không chỉ ở Mỹ mà cả nhiều nước khác trên thế giới. Phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường để vượt qua vô vàn khó khăn để tốt nghiệp trung học nhưng ước mơ trở thành giáo viên của bà Heumann vấp phải trở ngại lớn khi cánh cửa đại học gần như khép kín trước mặt bà chỉ vì lý do khiếm khuyết về thể chất.

Đó cũng là thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời bà. Bà đã quyết định đưa vấn đề này ra trước tòa án liên bang với sự trợ giúp của 2 vị luật sư dân quyền tình nguyện giúp đỡ. Thẩm phán xử lý vụ việc lúc bấy giờ chính là vị thẩm phán da màu đầu tiên tại Mỹ, sau khi xem xét vụ việc đã yêu cầu các nhà quản lý giáo dục của thành phố cần phải cân nhắc lại quyết định trước đó.

Bà Heumann trở thành giáo viên ngồi trên xe lăn đầu tiên của thành phố New York và tiếp tục dạy học tại đây trong 3 năm. Chính vụ việc này đã trở thành “phát pháo” đầu tiên giúp quyền lợi của người khuyết tật ở Mỹ bắt đầu được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn.

Bà Heumann cùng một số người bạn thân thiết đã sáng lập ra tổ chức Hành động vì Người khuyết tật (Disabled in Action). Bà trở thành phụ tá đắc lực của Ủy ban Thượng viện Mỹ về Lao động và Phúc lợi Công cộng (U.S Senate Committee on Labor and Public Welfare), giúp soạn thảo các điều luật về người khuyết tật. Bà cũng là người lãnh đạo đầu tiên của phong trào Sống Độc lập của người khuyết tật trên thế giới. Hiện nay, bà tiếp tục là cố vấn đặc biệt trong vấn đề xây dựng luật dành cho người khuyết tật dưới chính phủ của Tổng thống Mỹ Barrack Obama.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn