Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số cả nước. Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp quan tâm, hỗ trợ người khuyết tật cải thiện cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà các cháu khuyết tật có thành tích đặc biệt trong học tập và cuộc sống, sáng 1/12 tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Năm 2007, Việt Nam đã ký Công ước Liên Hiệp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2010, Chính phủ ban hành Luật Người khuyết tật; xây dựng các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về người khuyết tật. Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020.
Để làm tốt công tác đánh giá việc triển khai Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng Khung giám sát và hướng dẫn truyền thông thực hiện Luật và Đề án trợ giúp người khuyết tật. Hệ thống chỉ tiêu giám sát sẽ theo dõi, đánh giá việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật thành các chính sách và giải pháp ở các bộ, ngành, địa phương.
Qua thảo luận, các đại biểu nhận định, hiện nay, một bộ phận người khuyết tật chưa được thụ hưởng các chính sách ưu tiên của Chính phủ. Người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ về y tế, văn hóa, giáo dục còn nhiều hạn chế. Qua đó, các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Khung giám sát và hướng dẫn truyền thông thực hiện Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật ở các lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông, tư pháp, lao động, việc làm.
Các đại biểu cho rằng, hệ thống chỉ tiêu giám sát cần đơn giản, dễ hiểu; phù hợp với từng cấp xã, huyện, tỉnh, Trung ương, tiện cho tổng hợp từng cấp; phản ánh rõ trách nhiệm, kết quả đạt được của các cấp, các ngành tham gia triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật.
Hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá cần phản ánh đầy đủ việc triển khai Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật; không mâu thuẫn và kế thừa tối đa những chỉ tiêu của hệ thống giám sát các đề án và chương trình hiện hành về hỗ trợ người khuyết tật…
Các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp, nhằm hoàn thiện Khung giám sát và hướng dẫn truyền thông thực hiện Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật, trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét ban hành.
Theo BaoTinTuc