Cuối năm là dịp nông dân nhiều tỉnh đổ xô đi tìm việc thời vụ tại các thành phố lớn, hòng kiếm chút đỉnh mua sắm Tết. Thế nhưng, ngày nối ngày là chuỗi dài thất nghiệp khiến không ít người thảng thốt vì quá nhiều nỗi lo khi cái Tết đang đến gần.
Những ngày này đường phố Hà Nội như chật hẹp hơn bởi phương tiện tham gia giao thông dày đặc. Tiếng còi, tiếng xe rú liên hồi như khiến cho thời gian thêm gấp gáp báo hiệu một năm cũ sắp qua và Tết đã đến thật gần. Trái ngược với sự tấp nập đó là cảnh buồn hiu ở một số khu vực tập trung "chợ người”, từng nhóm người lao động túm tụm ngồi tán chuyện, hút thuốc lào vặt, ánh mắt chứa ẩn gánh nặng áo cơm.
Hà Nội cữ này rất lạnh nhưng với cả trăm con người ở "chợ người” Định Công thì cái lạnh này không thấm vào đâu so với nỗi lo cho cái Tết sắp tới. " Người qua đường đông thế mà không ai dừng lại nhỉ?” câu hỏi bâng quơ của anh Nguyễn Văn Hùng quê Nam Định dường như chạm sâu vào nỗi lòng mỗi người khiến không khí "chợ người” tại khu Định Công càng thêm nặng trỉu.
Mệt mỏi ngồi bệt bên vỉa hè, người phụ nữ tên Ngọt cũng quê Nam Định kể: Trận lũ vừa qua đã nhấn chìm tất cả ước mơ của hai đứa con và công sức của hai vợ chồng. Sau nhiều năm tằn tiện anh chị mới dám đấu thầu ao để nuôi tôm. Nhờ "mát tay” nên lần đầu nuôi tôm mọi việc đều suôn sẻ, tôm không bị chết sinh trưởng nhanh. Nhưng niềm vui chưa được hưởng thì bất ngờ bão ập đến, nhìn ao tôm chìm trong biển nước họ chỉ biết khóc ròng rồi… và tìm đường lên Hà Nội làm thuê.
Để có thể lên được Hà Nội, chị Ngọt đã phải vay của hàng xóm 300 ngàn đồng. "Lúc đi tôi hứa khi về trả cả gốc lẫn lãi và hứa với hai đứa con sẽ quà cho chúng. Vậy mà, ngồi chơi không thế này đến tiền về cũng không có…” chị Ngọt buồn bã nói.
Với thâm niên 10 năm làm thời vụ tại Hà Nội, anh Nguyễn Thắng ở Hòa Bình được mệnh danh là "duyên” nhất ở chợ vì anh luôn đắt khách được các chủ thuê, tuy nhiên năm nay khó khăn có không ít ngày anh chung cảnh thất nghiệp giống như mọi người ở "chợ người” Định Công. Buông tiếng thở dài não nề, anh Thắng nói: Kinh tế khó khăn hay hồi phục thể hiện rõ nhất ở đây. Anh Thắng dẫn chứng, thời điểm này mọi năm những người như bà Ngọt đi lau nhà không hết việc nhưng năm nay thì ngồi cả ngày không ai gọi. Kinh tế khó khăn nên gia chủ không dám thuê nhằm tiết kiệm tối đa chi phí dù chỉ mất trăm ngàn tiền công mỗi ngày.
Khoác trên mình chiếc áo bảo hộ lao động bạc màu, bên trong là chiếc áo len mỏng, hai hàm răng run lên cầm cập bởi gió lạnh nhưng hai con mắt Hòa vẫn hướng ra phía đường để chờ đợi một cái vẫy tay, một tiếng gọi của ai đó. Vốn là công nhân thuộc một Tổng công ty xây dựng tại Hà Nội nhưng gần nửa năm nay công ty làm ăn khó khăn lương không có anh đành gia nhập đội quân " chợ người” này.
Hòa kể : Mấy lần tính về quê nhưng về cũng khó mà kiếm được việc nên đành nán lại hi vọng kiếm thêm chút tiền về quê đưa vợ cho đỡ tủi. Nhưng có ra đường mới thấy việc thì ít mà người chờ việc thì nhiều, đã hai ngày "đứng đường” mà Hòa chỉ kiếm được 100 nghìn. "Khi xa quê, xa nhà ai cũng cố dặn lòng ngày về không nhiều thì ít phải sắm cho cha mẹ chút quà, mua cho đám trẻ vài bộ quần áo mới… Nhưng cứ đà này ngày về quê chắc chắn hành trang chỉ là mấy bộ áo quần cũ, chiếc va li đã ngả màu bạc thếch”, Hòa trải lòng
Theo Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, phiên giao dịch việc làm Hà Nội tháng 11 chỉ có khoảng 52 đơn vị tham gia với 660 chỉ tiêu tuyển dụng. So với tháng 10, con số có vẻ tăng hơn nhưng so với dịp này những năm trước thì giảm khoảng 30%. Phiên chợ thiếu người mua ít kẻ bán phần nào phản ánh bức tranh thị trường lao động Hà Nội dịp cuối năm khi nền kinh tế còn quá khó khăn.
Đa phần các doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch chỉ đăng ký tuyển từ 2 - 6 lao động. Chỉ một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn đăng ký tuyển dụng đến vài chục lao động. Thế nên ở "chợ người” nỗi niềm áo cơm vẫn còn đó.