Kho báu hơn 100 ngàn đồ cổ của "ông vua gốm sứ Sài Gòn"

Thứ ba, 05/05/2015, 07:42
"Vua gốm sứ Sài Gòn" là cái tên mà giới sưu tầm đồ cổ đặt cho nhà sưu tập Đinh Công Tường - người đã có hơn 20 năm tìm kiếm và góp nhặt những món đồ cổ bằng gốm sứ từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 20 và lưu giữ cho đến ngày nay.    
Cho đến nay, sau nhiều năm sưu tầm, ông Tường đã sở hữu một khối tài sản mà nhiều người trong giới chơi đồ cổ cũng phải ngưỡng mộ với hơn 100 ngàn cổ vật các loại. Trong căn phòng trưng bày các bình gốm xưa cổ Việt Nam nằm trong khu phố 5, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM của nhà sưu tập Đinh Công Tường, có gần cả trăm loại bình, chén, dĩa với đầy đủ kiểu dáng hoa văn và kích thước được ông tìm mua từ Nam chí Bắc. Có những món chỉ có một không hai, như chiếc bình cổ có tên là Bắc - Trung - Nam có giá hàng trăm triệu đồng.    

Khi bắt đầu bước vào nghề sưu tập gốm sứ này, ông Tường chia sẻ: “Năm 23 tuổi, trong một đợt về quê ở miền Bắc để đám giỗ ngoại, tôi được bà cô tặng cho cái tô, bát, dĩa... nói là kỷ niệm của ông bà ngoại để lại. Sau đó về ngắm nghía và bắt đầu mê đồ cổ. Đến năm 24 tuổi, tôi tích góp tiền bạc và bắt đầu mua những món đồ cổ, nhiều lúc nghĩ muốn bán để kiếm tiền nhưng suy nghĩ kỹ thì bán đi không bao giờ mua lại được nên gom góp hơn 20 năm, đến nay tôi mới có khối tài sản đồ cổ lớn như vậy."


Kho đồ cổ tại nhà riêng của ông với hàng trăm ấm trà.


Ông cho biết có khá nhiều đoàn du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu.


Nổi bật nhất phải kể đến bộ sưu tập ấm chén và các loại độc bình cổ quý hiếm của Nhật thế kỷ 19. Ngoài ra, ông còn có hàng chục chiếc tô đời Minh, bình vuông đời Thanh, bình Bát huệ tôn, bình Song tâm thế kỷ 18… Riêng gốm sứ Việt Nam, ông Đinh Công Tường có đầy đủ bộ gốm sứ cổ của 3 miền Bắc, Trung, Nam qua nhiều thời kỳ như gốm Óc Eo, Đông Sơn, Chăm, Chu Đậu, Bát Tràng hay gốm Biên Hòa thế kỷ 18-19. Trong đó có cặp bình độc nhất vô nhị hình thoi với nước men trắng xanh cực hiếm, chiếc đĩa Mai Hạc của vua triều Nguyễn, cặp ngựa Biên Hòa… 

Không chỉ có đồ cổ Việt, ông Tường còn có gian phòng dành riêng cho các loại gốm có nguồn gốc từ Trung Hoa và Nhật Bản, Pháp, với đủ các loại bình, tô, chén, đĩa, chum, chậu...


Chén dĩa được sưu tập từ thời nhà Nguyễn.
Các cổ vật được ông sưu tập ở nhiều nơi như miền Tây, miền Đông hay miền Trung, bạn bè giới thiệu nơi nào có cổ vật là ông liền đến nơi đó để mua, ngoài ra ông còn đi qua Singapore để mua cổ vật ở những khu chợ trời có bán đồ cổ vật Việt Nam. Những người thân, bạn bè ở nước ngoài nếu có cổ vật xưa của người Việt thì chuyển về Việt Nam cho ông.

Ông cho biết: “Bộ sưu tập này không chỉ được xem là kho tàng lưu trữ những giá trị văn hóa rất lớn mà còn là cơ sở để thế hệ trẻ sau này biết đến, giữ gìn và phát huy nền văn hóa lâu đời của dân tộc.” Ngoài ra, ông còn sưu tập những cổ vật bằng đồng, bạc, gỗ hiếm, đá quý… Đây quả là một kho tàng lưu giữ những giá trị văn hóa rất quý giá.


Món đồ cổ ấm trà của Nhật Bản được ông sưu tập thuộc loại độc nhất vô nhị.

Trong kho tàng đồ cổ gốm sứ của mình, những món vô giá phải kể đến: tô triều đình Huế (chỉ dùng cho vua chúa, quan lại), tô một trăm chữ bùa (chỉ dùng trong triều đình để biểu hiện sự may mắn), bình vuông (chỉ còn vài cái), bình Bát huệ tôn (mua năm 1989, mua ở Cà Mau, mất ba tháng trời). Cặp bình độc nhất vô nhị là cặp bình hình thoi, với nước men trắng xanh cực hiếm. 


Những lục bình được điêu khắc bằng hoa văn nổi.
Không chỉ có thú mê sưu tập đồ cổ, ông Tường cũng là một người sống có tình nghĩa, luôn hướng tâm làm việc thiện. Ngoài thời gian đi tìm mua đồ cổ, ông thường xuyên tham gia các hoạt động giúp đỡ những người có hoàn cảnh cơ cực, đói khổ, những đứa trẻ không cha mẹ, những người già không nơi nương tựa... 

Ông đích thân lặn lội, tìm đến họ, tận tay trao cho họ những món quà do ông chuẩn bị, bước chân anh đã in dấu ở nhiều địa phương trong nước: từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau... Ông tâm sự: "Thời thiếu thốn, khổ cực của tôi đã qua nhưng hiện tại, quanh tôi vẫn còn có nhiều người khó khăn cần giúp đỡ, nên nếu có điều kiện, tôi không quản ngại giúp đỡ họ trong khả năng cho phép”.


Một món đồ cổ từ thời văn hóa Óc Eo được ông sưu tập ở miền Tây.


Với ông việc sưu tập đồ cổ như một thú vui, giải tỏa áp lực của cuộc sống.

Năm 2011, Trung tâm sách Kỷ lục gia Việt Nam công nhận ông Đinh Công Tường là người sở hữu nhiều đồ cổ gốm sứ nhất Việt Nam, khoảng hơn 80 ngàn đồ cổ gốm sứ, đến nay số lượng đã lên đến 100 ngàn đồ cổ gốm sứ. Ông cũng được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là người sưu tập lục bình có số lượng nhiều nhất Việt Nam.
Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn