Ngày 30/10, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Hiệp định TPP: Tác động về thu hút đầu tư và phát triển thương mại đối với địa phương và doanh nghiệp (DN).
Theo ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Thường trực VCCI-chi nhánh Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát cho thấy phần lớn các DN trong nước ủng hộ TPP. DN nhìn thấy được cơ hội xuất nhập khẩu trực tiếp trong các nước TPP cũng như cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và giúp DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thực thi các cam kết của TPP sẽ cung cấp thêm động lực to lớn để cải cách thể chế, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, rất ít DN, chủ yếu là DN vừa và nhỏ trong nước tự tìm hiểu, nghiên cứu về TPP để điều chỉnh công việc kinh doanh. Các DN cũng quan ngại việc các nước TPP áp dụng các biện pháp phi thuế quan như vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. DN quan ngại nhiều hơn về khả năng áp dụng các biện pháp này của Việt Nam để bảo vệ hợp pháp các nhà sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, phần lớn các DN vừa và nhỏ trong nước có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu nên khó tạo ra lợi thế cạnh tranh so với DN các nước thành viên TPP.
Phân tích về những tác động của TPP đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam nhấn mạnh lợi ích then chốt của TPP đối với Việt Nam, đó là kết nối mạnh hơn với chuỗi cung ứng quốc tế và động lực để cải cách hành chính, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra cơ hội. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đối với Việt Nam khi DN FDI chiếm tới 70% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Herb Cochran cho rằng để gia tăng thị phần xuất khẩu trong chuỗi cung ứng quốc tế, DN Việt Nam cần năng động, cải thiện nhiều hơn để trở thành nhà cung cấp đạt “chuẩn” cho thị trường Hoa Kỳ và toàn cầu. Trong đó, cần quan tâm tăng cường trao đổi dữ liệu điện tử; có mã số D-U-N-S (số ID quốc tế duy nhất gồm 9 chữ số cung cấp cho DN được công nhận toàn cầu trong mọi giao dịch) cho các hoạt động thương mại trên toàn cầu; đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics vận chuyển và thương mại để thúc đẩy năng suất và củng cố khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các cơ quan, DN và người dân tham gia tích cực hơn trong cải cách thể chế, nhất là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục.
Ông Nestor Scherbey, Chủ tịch Ủy ban thuận lợi hóa thương mại và hải quan (AmCham Vietnam) cho rằng tại Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác của Việt Nam, các dịch vụ máy bay thân rộng quốc tế không thường xuyên vận hành, các ga hàng không cũng như dịch vụ kho bãi tại các sân bay còn rất hạn chế, trong khi đó, chi phí dịch vụ logistics quá cao so với các nước trong khu vực nên khả năng cạnh tranh thấp. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistisc là một biện pháp cần thiết để thu hút dòng vốn đầu tư FDI mới sau hiệp định TPP.
Ngoài việc cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại, việc đổi mới và cải tiến trong quy trình thương mại cũng rất cần thiết, đặc biệt là cần có chuyển biến nhanh hơn về thủ tục xuất nhập khẩu, góp phần giảm chi phí mậu dịch sau khi tham gia TPP.
Theo ông Nestor Scherbey, chính quyền thành phố Đà Nẵng nên xem xét đề xuất Trung ương cho phép thí điểm thành lập khu thương mại tự do dưới sự giám sát hải quan khu vực. Khu thương mại tự do sẽ thúc đẩy đầu tư sản xuất vì thuế nhập khẩu các linh kiện thiết bị, vật tư, máy móc sẽ được bãi bỏ; các gánh nặng trong thủ tục hành chính cũng như yêu cầu giám sát chuyên ngành được giảm thiểu…
Theo Chính phủ