Ảnh minh họa |
Lâu nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực. Thay đổi cách thức sản xuất, trong đó có việc liên kết doanh nghiệp, tạo ra chuỗi cung ứng khép kín từ đầu vào nguyên liệu cho đến thành phẩm là một nhu cầu thiết yếu, để ngành dệt may có thể tận dụng những ưu đãi về thuế suất khi tham gia TPP.
Theo quy định xuất xứ "từ sợi" (yarn forward) của TPP, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sản phẩm sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi khi sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước. Việc TPP yêu cầu về truy xuất nguồn gốc là một thách thức lớn vì khâu cung cấp nguyên phụ liệu như bông, sợi, vải, nhuộm… của ngành dệt may nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Do đó, tăng cường sự liên kết giữa các nhà sản xuất và những nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong nước là hướng đi tất yếu khi hội nhập.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước cũng đã bước đầu tìm được tiếng nói chung để cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước vẫn chưa lớn, bên cạnh đó là đòi hỏi về chất lượng nguyên liệu phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ đã xác định rõ việc đẩy mạnh tạo chuỗi cung ứng liên kết giữa các doanh nghiệp, từ xe sợi dệt vải, thiết kế, may mặc đến bán hàng. Nhờ chuỗi liên kết này, các doanh nghiệp dệt may lớn có thể thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng hàng nội địa, như vậy sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh về giá, về khả năng đáp ứng thời gian giao hàng với ngành dệt may của các nước khác.
Theo VTV