Công nghệ nhuộm tại Trung Quốc hiện nay đang ở mức rất thấp với tiêu thụ nước khoảng 250 mét khối/tấn vải, mức tiêu thụ này cao hơn so với trung bình của thế giới từ 1,7-2,5 lần, và cao hơn so với công nghệ hiện đại đang áp dụng tại các nước phát triển từ 2,5-3 lần. |
Câu chuyện ngành dệt may Trung Quốc
Báo cáo thực hiện chương trình “Clean by Design” tháng 4-2015 của tổ chức phi chính phủ Natural Resources Defense Council (NRDC) cho biết hiện có khoảng trên 50.000 nhà máy dệt may tại Trung Quốc (so với con số 6.000 nhà máy tại Việt Nam - NV). Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc trong những năm gần đây đạt hơn 200 tỉ đô la Mỹ (cao gần hơn 8 lần so với con số của Việt Nam năm 2014) và cung cấp hơn 50% nhu cầu hàng dệt may cho toàn cầu.
Cái giá phải trả cho “thành tích” 200 tỉ đô la Mỹ và chi phối ngành dệt may toàn thế giới là hiện có đến gần một phần ba các dòng sông ở Trung Quốc đang bị ô nhiễm quá mức mà con người không thể sử dụng được nữa, trong đó có đóng góp rất lớn của ngành dệt may khi xếp thứ 3 về tiêu thụ nước sạch và phát sinh nước thải với con số 3 tỉ mét khối nước thải hàng năm (chỉ xếp sau ngành hóa chất và sản xuất giấy).
Công nghệ nhuộm tại Trung Quốc hiện nay đang ở mức rất thấp với tiêu thụ nước khoảng 250 mét khối/tấn vải, mức tiêu thụ này cao hơn so với trung bình của thế giới từ 1,7-2,5 lần, và cao hơn so với công nghệ hiện đại đang áp dụng tại các nước phát triển từ 2,5-3 lần, đồng thời nhu cầu sử dụng hóa chất cũng tăng cao theo. Ngành dệt may là ngành tiêu thụ hóa chất nhiều thứ hai tại Trung Quốc, đồng thời phát thải lượng các chất ô nhiễm hữu cơ chiếm 20% trong toàn bộ các ngành công nghiệp tại Trung Quốc. Riêng ngành dệt may tiêu thụ đến 25% lượng hóa chất sản xuất ra trên toàn cầu, và dĩ nhiên phần lớn trong số đó là từ ngành dệt may Trung Quốc.
Trong năm 2012, chỉ riêng ngành dệt may Trung Quốc đã tiêu thụ 110 triệu tấn than đá, góp phần không nhỏ gây ra hiện tượng khói mù và mưa axit tại Trung Quốc.
Báo cáo của NRDC cũng cho biết Liên minh Dệt may Bền vững (The Sustainable Apparel Coalition), nơi tập hợp những nhãn hàng dệt may nổi tiếng thế giới như Levi Strauss, H&M, Gap, Target, Burberry, Ralph Lauren, Tommy Hilfiger, Nike... cũng gia tăng áp lực đến các nhà sản xuất dệt may Trung Quốc về việc tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường thông qua các thỏa thuận mua hàng và gia công. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư và các tổ chức trong nước cũng như quốc tế tại Trung Quốc cũng đòi hỏi mạnh mẽ hơn về bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Trung Quốc vừa có hiệu lực từ tháng 1-2015 cho thấy Trung Quốc sẽ xử phạt nghiêm ngặt hơn các vi phạm về môi trường, đồng thời yêu cầu cải thiện hiệu quả sử dụng nước sạch, xử lý nước thải cũng như áp dụng thuế bảo vệ môi trường để kiểm soát ô nhiễm. Đây là hành động mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc nhằm cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường sau một thời gian phát triển quá nóng, cho dù việc này có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động của ngành dệt may Trung Quốc.
Cần đánh giá và lựa chọn công nghệ sạch trước khi cấp phép đầu tư
Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, Việt Nam hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, khi có đến 88% nguyên liệu phải nhập khẩu, mà chủ yếu đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây là một trong những trở ngại đối với ngành dệt may một khi TPP có hiệu lực (do phải áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (yarn-forward)). Khi đó các nhà xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ khó được thụ hưởng mức thuế ưu đãi gần bằng 0%, nếu họ vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.
Theo một báo cáo nghiên cứu của nhóm các học giả Peter Petri, Michael Plummer và Fan Zhai dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) và hợp tác với Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics) vừa cập nhật tháng 2-2015, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc tham gia TPP, trong khi Trung Quốc sẽ là nước bị thiệt hại nhiều từ TPP, khi GDP của nước này dự báo bị giảm 47 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.
Như vậy, để không bị đứng ngoài và chịu thiệt hại vì TPP, các nhà đầu tư dệt may Trung Quốc đang chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Vô hình trung TPP lại là một cơ hội cho ngành dệt may Trung Quốc, khi điều này lại giúp họ tránh được áp lực và các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường đang đặt ra tại Trung Quốc như đã nói ở trên, chưa kể chi phí lao động cũng đang gia tăng tại Trung Quốc.
Trong khi đó, hiện nay Việt Nam lại đang đón luồng đầu tư ấy với hàng loạt chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, chưa kể “lợi thế” giá thuê đất, giá nhân công, giá điện, giá nước sạch, phí xử lý nước thải... của Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Mối lo ngại này được NRDC cảnh báo trong báo cáo trên, cho rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn khi năng lực thực thi và các chế tài về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn thấp hơn tại Trung Quốc.
TPP là cơ hội lớn đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho ngành dệt may Việt Nam với định hướng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để thụ hưởng những ưu đãi mà TPP mang lại. Trong đó, thách thức về bảo vệ môi trường, thách thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên cần phải được các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành nghề nhìn rõ nhằm có chiến lược phù hợp để vượt qua, nếu không muốn bị trả giá.
Chúng ta có cơ hội từ đầu để lựa chọn công nghệ nhằm ngăn ngừa ô nhiễm, nếu không, một khi đã tiếp nhận và cấp phép đầu tư cho các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên và có khả năng gây ô nhiễm cao với thời hạn đầu tư 50 năm, hậu quả mà chúng ta phải đương đầu xử lý sẽ vô cùng lớn.
Theo TBKTSG