Thảo "organic"

Thứ bảy, 08/08/2015, 07:49
33 tuổi, Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Mùa, làm chủ hai cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ Organica tại TP.HCM, một trang trại trồng rau sạch organic rộng 1,8ha ở Long Thành, Đồng Nai và một vườn trồng rau ôn đới hơn 1.200m2 tại Xuân Thành, Đà Lạt.  

Vì lo nên mở cửa hàng

Thảo kể: "Khi mang thai, ba tháng đầu tôi ốm nghén, chỉ ăn được rau, nhất là rau sống, nên rất lo, sợ rau không sạch sẽ ảnh hưởng đến em bé.

Thế là tôi mày mò tìm trên mạng, thấy rau sạch hữu cơ (organic) là không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, giống biến đổi gen, môi trường canh tác cũng phải sạch, đất, nước không bị nhiễm kim loại nặng, vườn không ở vùng ô nhiễm hay ở gần vườn trồng rau truyền thống phun thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật...

Với các tiêu chí này, rau hái xong, rửa sơ qua là có thể ăn nên tôi ấp ủ giấc mơ gầy dựng một cửa hàng rau và thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe".

Một buổi tối, trên đường đi học tiếng Anh, thấy một cửa hàng bán quần áo treo bảng sang tiệm, gom góp tiền bạc, Thảo mở cửa hàng đầu tiên trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 và tìm hiểu kiến thức về rau organic.

Lúc đó tại Việt Nam chỉ có gạo Hoa Sữa và một công ty dược có trà sản xuất theo organic nhưng để xuất khẩu. Thảo tìm đến đề nghị hợp tác và cửa hàng đầu tiên chỉ mới phân phối hai sản phẩm này.

Tình cờ sang Lào, thấy vào mỗi thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, người dân ở đây tụ tập trước cửa chùa Vàng bán sản phẩm organic tự trồng như gạo, trà, rau, mướp..., Thảo mơ ước cũng làm một phiên chợ organic như vậy tại Việt Nam để kết nối với nhiều nông dân và giúp người tiêu dùng có cơ hội mua sản phẩm.

Để mở rộng danh mục, Thảo tìm đến các nhà cung cấp ở Lào để mua sản phẩm organic, rồi nhập thêm các loại đậu, dầu ôliu, sữa hạnh nhân, yến mạch, sữa gạo... ở nhiều nước khác về phân phối. Chỉ một thời gian ngắn, cửa hàng của Thảo đã có gần 500 mặt hàng.

Khi có nhiều sản phẩm, Thảo mới nhận ra người tiêu dùng không phân biệt được thực phẩm organic khác với thực phẩm sạch như thế nào. "Thậm chí, ngay cả khi có bảng phân tích rau hữu cơ, cả người bán lẫn người mua đều không biết có giá trị không vì chưa có cơ quan nào cấp giấy chứng nhận.

Vì vậy, tôi quyết định phải trồng rau để kiểm soát chất lượng và ổn định nguồn hàng", Thảo nói. Song, động lực lớn hơn khiến Thảo quyết tâm làm trang trại là khi nhập thực phẩm hữu cơ, nhiều công ty nước ngoài ngạc nhiên hỏi: "Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, nhiều trái cây nhiệt đới, tại sao phải nhập rau quả organic?".

Thảo chia sẻ: "Để học hỏi thêm, tôi sang Malaysia tham quan công viên Organic, xem cách họ đóng gói, bảo quản sản phẩm". Các chuyến đi không chỉ để học hỏi mà còn cho Thảo nhiều cơ hội, như lần đi Thượng Hải tham dự Hội nghị Organic quốc tế, Thảo có thêm nhiều nguồn hàng tốt và tìm hiểu nhu cầu của người dân nơi đây để xuất sản phẩm, ví dụ như hành, tỏi...

Vất vả với trang trại

"Bắt tay vào làm trang trại mới thấy nhiều cái khó và vất vả”, Thảo cho biết. Từ người chỉ làm phân phối, bây giờ phải làm việc với nông dân, nhổ cỏ bằng tay, học cách ủ phân, làm thuốc bảo vệ thực vật từ sinh vật và các cây cỏ dược liệu, dựng nhà lưới, xây dựng hệ thống tưới tiêu, xây nhà ở cho nông dân và khó nhất là tìm được người biết làm organic.

Đặc biệt, phải biết cách xoay vòng vốn, bởi làm trang trại rau hữu cơ đòi hỏi vốn lớn gấp nhiều lần làm trang trại rau sạch. Đơn cử, vườn rộng 2ha với một sào nhà lưới tiêu tốn khoảng 60 triệu đồng, và phải có tiền ứng trước cho nông dân trồng rau. Song, "xót ruột" nhất là thời gian đầu không bán được nhiều sản phẩm nhưng vẫn phải bao tiêu cho nông dân nên nhiều lúc rau tồn bị hư hỏng, phải đổ bỏ.

Cái khó nữa là ở Việt Nam, thực phẩm organic chưa phổ biến, giá cao vì sức người bỏ vào sản phẩm rất nhiều, không thể dùng máy móc, sản lượng lại chưa cao. Ví dụ, trồng dưa leo 5 vụ nhưng chỉ thu hoạch được 1 vụ vì 4 vụ không đạt tiêu chuẩn về chất lượng như quả có vị đắng, không đẹp.

Thảo tâm sự: "Đi đến bất cứ nước nào tìm hiểu về organic tôi cũng thấy lạc quan, lên tinh thần nhưng khi về nước, nhìn vào kết quả kinh doanh và nhu cầu thị trường, đôi lúc cũng bị nhụt chí. Tuy nhiên, nhờ đam mê, tôi tự động viên mình: "Muốn làm organic thì phải quên đi khó khăn".

Kinh doanh rau organic, cái khó nhất là đầu ra, khi thị trường bùng nổ rau sạch khắp nơi. "Để bảo chứng cho sản phẩm, nhất định phải có chứng chỉ organic. Để có được chứng chỉ này, tôi đem mẫu đất, mẫu nước và mẫu rau sang châu Âu kiểm định, mỗi mẫu mất khoảng 400USD, còn nếu kiểm định ở Việt Nam thì mất khoảng 2 triệu đồng, và tôi thực hiện việc này hằng quý.

Để đạt được chứng chỉ quốc tế, tôi tìm đến một công ty tư vấn của Hồng Kông nhờ họ tư vấn làm sao cho trang trại đạt chuẩn. Hiện tôi đang hoàn thiện trang trại để có chứng nhận đạt chuẩn trong năm nay", Thảo cho biết.

Thảo nói về ước mơ làm phiên chợ organic: "Một mình tôi không thể làm được, hiện nay ở Sài Gòn có một nhóm người đã làm được phiên chợ "Sai Gon Green Fair".

Họ có tiêu chuẩn sản phẩm xanh, GAP, hoặc tiêu chuẩn xanh thân thiện môi trường, họ kết nối để mọi người biết thế nào là sản phẩm xanh. Tuy nhiên, do còn ít người tham gia, nhóm còn khó khăn nên tôi mua hai gian hàng ủng hộ và là nhà tài trợ chính, bởi tôi sẽ cố gắng theo đuổi ước mơ này đến cùng".

Theo DNSG

Các tin cũ hơn