Đến thời của thực phẩm Organic

Thứ năm, 22/05/2014, 16:45
Sau khi trở thành khách quen, một cô giáo người Nhật đã viết bài về cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica để giới thiệu cho những bà nội trợ. Sau khi bài báo đăng, một số khách hàng đã tò mò đến cửa hàng mua thử và bắt đầu giới thiệu đến những khách hàng khác.

Sau một năm hoạt động, Organica bắt đầu có lượng khách hàng quen và khá ổn định. Giống như Organica, cửa hàng thực phẩm của Công ty Viễn Phú mới ra đời chỉ 6 tháng nhưng lượng khách đã bắt đầu tăng, trung bình 10%/tháng.

organica
Cửa hàng Organica trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM.

Vài năm trở lại đây, cửa hàng cung cấp thực phẩm hữu cơ bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, với các sản phẩm bột dinh dưỡng cho trẻ em và một số loại rau củ quả ôn đới chủ yếu nhập khẩu. Sản phẩm rau quả nhiệt đới như gạo, cá hồi, thịt, tiêu, quế…hiện có hơn 10 nhà đầu tư nuôi trồng tại Việt Nam cung cấp.

Nông sản hữu cơ phải được trồng trong điều kiện tự nhiên không sử dụng chất hóa học và thuốc trừ sâu. Người trồng phải dùng phương pháp tự nhiên để khống chế các loại côn trùng và cỏ dại. Tuân thủ các tiêu chuẩn này khá phức tạp nên hiện chỉ có khoảng 5 đến 6 trang trại rau hữu cơ được trồng tại Đà Lạt và chỉ một trang trại gạo hữu cơ được trồng trong rừng U Minh. Tại Sóc Sơn (Hà Nội), thì chỉ có Công ty Orfarm tập trung đầu tư nuôi heo hữu cơ.

Thực phẩm hữu cơ tại Mỹ hiện nay rất được ưa chuộng. Theo thống kê Food Navigator, doanh số thực phẩm hữu cơ của Mỹ đạt 35 tỉ USD trong năm 2013. Bộ Nông nghiệp Mỹ thì cho biết trong năm rồi họ đã cấp thêm 763 chứng nhận organic cho các nhà sản xuất, tăng 4,2% so với năm trước. Ở Việt Nam, rau hữu cơ còn khá mới mẻ với người tiêu dùng.

Các công đoạn trồng rau hữu cơ:

Bước 1: Làm đất, đất sạch chưa từng sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Nếu từng sử dụng thì phải phơi đất 3 năm, cách ly các trang trại xung quanh.

Bước 2: Chọn giống tốt. Hiện nay, các trang trại chủ yếu trồng giống rau quả từ Hà Lan.

Bước 3: Làm phân bón từ bã bắp, vi sinh, bã đậu nành, vỏ sò và trồng xen kẽ các cây gia vị như gừng, tỏi, ớt, để diệt côn trùng thay thuốc trừ sâu.

Ở mảng phân phối, thị trường hiện có khoảng 10 cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc rõ ràng nhưng mức giá khác nhau và khá cao. Tại cửa hàng Organica, giá rau cao hơn bên ngoài khoảng 2-2,5 lần. Và tại Cửa hàng Organik Thảo Điền giá rau còn cao hơn tới 3-4 lần.

“Mức giá cao như vậy là do khâu làm đất và chăm sóc rất phức tạp, cần lượng nhân công nhiều”, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Mùa, sở hữu chuỗi cửa hàng Organica, chia sẻ.

Bà Thảo cho biết thêm Organica luôn bị khách hàng phàn nàn là thiếu nhiều chủng loại, sản phẩm còn quá ít. Tuy nhiên, mở rộng trang trại phải đầu tư chi phí cao trong khi lượng khách hàng chưa nhiều, nên giai đoạn đầu cửa hàng phải chấp nhận thiếu hụt.

Thành công với cửa hàng đầu tiên tại quận 3, TP.HCM, Công ty Dịch Vụ Mùa đã mở thêm một cửa hàng tại quận 7 và sắp tới có thể tiến ra thị trường miền Bắc. Ngoài 3 trang trại đầu tư tại miền Nam, Công ty đang liên kết với trang trại 10 ha tại Hải Phòng. Đơn vị này trồng và đảm bảo chất lượng, Công ty Dịch vụ Mùa sẽ phân phối đầu ra. Trang trại đang gấp rút hoàn thiện nhà sơ chế, kho lạnh và chờ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ và châu Âu. Nếu đi vào hoạt động thì đây sẽ là trang trại rau organic lớn nhất Việt Nam.

Hiện thực phẩm hữu cơ được canh tác theo 3 mô hình: Sản phẩm organic 100%, organic 90% và sản phẩm canh tác theo tiêu chuẩn organic.

Organic 100% tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu làm đất, chọn cây giống phân bón, quá trình chăm sóc, tuyệt đối không dùng hóa chất. Loại thứ hai thì bớt chặt chẽ hơn, thông thường sản phẩm này đạt khoảng 90% theo quy trình organic.

Loại thứ ba cũng canh tác theo tiêu chuẩn organic, nhưng trong quá trình làm đất người trồng bổ sung vi chất, vitamin cho đất để kích thích tăng trưởng.

Tại Việt Nam, chỉ có một số ít công ty canh tác 100% organic, trong đó 2 công ty được cấp chứng nhận là Viễn Phú và Organik.

Hiện nay, các cửa hàng thực phẩm organic cũng rất rõ ràng trong phân loại sản phẩm. Theo bà Thảo, những sản phẩm đã có chứng nhận của các tổ chức nước ngoài đều được các cửa hàng in rõ trên bao bì; sản phẩm chưa có chứng nhận cũng ghi rõ thông tin nguồn gốc xuất xứ và thành phần chất hữu cơ.

Mô hình thực phẩm hữu cơ đang phát triển nhưng nhu cầu chưa lớn nên đầu tư lúc này chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn, bà Thảo nhận xét. Thực tế, theo các ông chủ một số công ty gạo Viễn Phú, Công ty rau An Phú Đà Lạt, Organik Đà Lạt, thực phẩm hữu cơ chủ yếu xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu hiện nay rất tiềm năng. Viễn Phú vẫn tập trung cho xuất khẩu, với 70% sản lượng gạo hữu cơ và Công ty không đủ sản lượng để cung cấp. Công ty An Phú Đà Lạt xuất khẩu gần 100% sang Canada, với sản phẩm chủ lực là đậu Hà Lan, khoảng 4.000 kg/tháng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chính của Công ty Ogranik là châu Âu.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích