Chi “núi tiền”
Đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”. Ngày nay, muốn sản phẩm được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, doanh nghiệp phải đổ cả núi tiền cho quảng cáo. Trong quảng cáo, quảng cáo trên truyền hình khá phổ biến. Vào những “giờ vàng”, các nhãn hàng tranh nhau lên sóng.
Thế mới có chuyện đêm chung kết The Voice 2013 thu về tới 11 tỷ đồng tiền quảng cáo. The Voice Kids 2013 còn lập kỷ lục về giá quảng cáo. Doanh nghiệp phải trả cao nhất 280 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trước và trong show truyền hình thực tế này.
Bia Sài Gòn chịu chơi khi chi hơn 1.000 tỷ đồng cho hoạt động marketting năm 2013 |
Các con số trên cho thấy doanh nghiệp đã phải bỏ ra rất nhiều tiền cho quảng cáo và marketing.
Theo tài liệu công bố trong báo cáo thường niên năm 2013 của Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), chi phí quảng cáo tiếp thị trong năm là 1.041,34 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 434,25 tỷ đồng năm 2012. Chi phí quảng cáo, tiếp thị tại Sabeco thậm chí còn cao hơn nhiều lần so với chi phí cho nhân viên (349,28 tỷ đồng)
Sabeco là doanh nghiệp rất “chịu chơi” trong quảng cáo. Tháng 5/2013, Sabeco gây chú ý khi có ý định chi 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng) để mời tay vợt người Serbia Novak Djokovic đến Việt Nam chơi tennis chỉ trong một buổi chiều.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacbeco cho rằng chi cả ngàn tỷ đồng cho marketing là bình thường. Bởi lẽ, trong thời buổi cạnh tranh để bán được 1 triệu lít bia khó gấp 5 lần so với trước đây, nên đẩy mạnh marketing là cần thiết.
Với nhiều TVC quảng cáo xuất hiện trên truyền hình, không khó để nhận thấy Nutifood cũng bỏ cả “núi tiền” cho quảng cáo. Không chỉ có vậy, Nutifood còn quảng bá thương hiệu bằng cách tài trợ 20 tỷ đồng cho U19 Việt Nam đúng thời điểm U19 đang “hot” nhất.
Các sản phẩm của Masan xuất hiện dày đặc trên truyền hình nên thông tin chi phí quảng cáo và khuyến mại năm 2013 của Masan đạt 279,74 tỷ đồng, bằng 62% lợi nhuận sau thuế không khiến nhiều người ngạc nhiên.
Một số doanh nghiệp khác như Coca-Cola, Tân Hiệp Phát, Unilever, P&G,… cũng dành cả “núi tiền” cho quảng cáo. Tuy nhiên, do không phải công ty đại chúng nên các doanh nghiệp này không phải công bố báo cáo tài chính. Vì vậy, khó có thể biết được chi phi quảng cáo, marketing chính xác của các doanh nghiệp này.
Quảng cáo nhiều, lợi nhuận cao
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận xét, đa số các doanh nghiệp lớn tại thị trường Việt Nam đều có chính sách quảng cáo khá hiệu quả. Vinamilk là một trong những doanh nghiệp tạo được tiếng vang lớn.
Ông Quang đánh giá: “Ngân sách quảng cáo của Vinamilk tương đương với Unilever. Doanh số và lợi nhuận cũng vậy. Vinamilk quảng cáo rất chuyên nghiệp vì có đội ngũ làm marketing giỏi, được đào tạo bài bản. Vinamilk thuê đơn vị quảng cáo chuyên nghiệp, sáng tạo”.
Quảng cáo trà xanh của Tân Hiệp Phát |
Theo ông Quang, Vinamilk quảng cáo đúng cách, bỏ tiền đúng chỗ và rất minh bạch trong quảng cáo nên thu hút được người tiêu dùng. Nhiều TVC của Vinamilk trở thành “hiện tượng truyền hình”. Điều đó được thể hiện rõ qua con số lợi nhuận.
Dù khủng hoảng kinh tế kéo nhiều doanh nghiệp đi xuống nhưng lợi nhuận của Vinamilk vẫn tăng trưởng mạnh theo năm. Năm 2013, Vinamilk đạt lợi nhuận sau thuế 6.534,13 tỷ đồng. Quý 1/2014, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk là 1.387,38 tỷ đồng.
Trong khi đó, các quảng cáo của Masan không được minh bạch như Vinamilk. Không ít lần, Masan bị tố quảng cáo không đúng sự thật. Tuy nhiên, chẳng ai có thể phủ nhận được hiệu quả từ quảng cáo mà Masan đạt được. Doanh thu, lợi nhuận của Masan luôn ở mức cao ngất ngưởng.
Là một công ty tư nhân nên Nutifood quản lý dòng tiền của mình rất chặt chẽ. Thế nhưng, Nutifood vẫn không ngại đổ cả núi tiền vào quảng cáo. Và kết quả công ty này đạt được cũng rất khả quan.
Ông Quang nhận xét, "quảng cáo của Nutifood khá hiệu quả giúp doanh nghiệp này có nhiều đột phá".
Tân Hiệp Phát cũng không bỏ phí đồng quảng cáo này và theo đánh giá của chuyên gia thương hiệu này, Tân Hiệp Phát làm việc rất chuyên nghiệp, đổ tiền cho marketing hiệu quả. Năm nay Tân Hiệp Phát có cải tiến nhỏ về sản phẩm. Đó là thêm sản phẩm trà xanh không đường. Cải tiến nhỏ đi kèm marketing hợp lý, sản phẩm này được thị trường đón nhận vì đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng.
Ông Quang cho biết thêm dù đã đổ rất nhiều tiền vào marketing, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đổ thêm tiền vì “cạnh tranh trong marketing không bao giờ dừng lại. Doanh nghiệp này quảng bá cho sản phẩm thì doanh nghiệp khác cũng truyền thông cho sản phẩm tương tự. Nếu dừng lại, doanh nghiệp sẽ bị vượt mặt, bị chiếm thị phần”.
Muốn sản phẩm đứng vững được trên thị trường, doanh nghiệp phải đổ nhiều tiền cho marketing.
Cũng theo tiết lộ của vị chuyên gia thương hiệu nhiều năm kinh nghiệm này, tỷ lệ chi phí quảng cáo/doanh thu không cố định mà biến thiên theo từng ngành. Chi phí quảng cáo cho ngành công nghiệp tương đối thấp, chỉ khoảng 1% doanh thu. Nhưng ngành hàng tiêu dùng lại rất cao, tỷ lệ có thể lên đến 50%.
Theo VTC News