Sáng 21/5, Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận 207 của Thủ tướng Chính phủ với hàng loạt các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại vì gây rối trên địa bàn một số tỉnh có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động.
Nhà đầu tư Đài Loan (người đeo túi) phản ánh với các cơ quan chức năng khó khăn của doanh nghiệp. |
Trưa cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh có mặt tại Bình Dương, chỉ đạo lãnh đạo tỉnh triển khai kết luận của Thủ tướng và lắng nghe thêm ý kiến của các doanh nghiệp.
Cũng đáp chuyến bay trưa vào TP.HCM và di chuyển ngay lên Bình Dương, lãnh đạo Bộ Kinh tế Đài Loan, ông Thẩm Vĩnh Tân ngay lập tức gặp gỡ Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và các doanh nhân Đài Loan. Ông lắng nghe và ghi chép rất chăm chú các nội dung của Kết luận 207 được ông Lộc vừa tải về iPad trên đường di chuyển từ sân bay đến Bình Dương.
Sau đó ông Thẩm ăn cơm hộp trên ôtô và đến một doanh nghiệp được cho là thiệt hại nặng nề nhất, khoảng trên 300 tỷ đồng, theo thống kê sơ bộ ban đầu của tỉnh Bình Dương.
Chủ doanh nghiệp này, một nhà đầu tư đã có hơn chục năm làm ăn ở Bình Dương, ông Richard Tsai vẫn đang loay hoay tìm cách bắt đầu lại, sau những thiệt hại vừa qua.
Với sự chứng kiến của ông Thẩm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam hứa ngay hôm sau sẽ được cấp lại con dấu cho ông Richard Tsai, còn các phần mềm phục vụ quản lý khác nếu doanh nghiệp có nhu cầu, thì tỉnh cũng sẽ đáp ứng trong khả năng có thể.
"Mọi thủ tục hành chính sẽ đơn giản tối đa!", ông Nam nói với ông Richard Tsai cùng nhiều doanh nghiệp khác.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Thu xuất hiện khi ông Thẩm đang trò chuyện với chủ doanh nghiệp Đài Loan thứ ba.
Ông Thu nói, ông được Thủ tướng Việt Nam phái vào cùng tìm hiểu tình hình doanh nghiệp với ông Thẩm. Và ông cũng lắng nghe khá nhiều tâm tư của các doanh nhân nước ngoài.
Vẫn chưa hoàn toàn bình tâm, song đa số chủ doanh nghiệp đều khẳng định sự gắn bó với Việt Nam và muốn làm ăn lâu dài ở đây.
Bởi vậy, chính sách với người lao động được quyết định tại Kết luận 207 được họ đặc biệt quan tâm.
Theo kết luận này thì đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại chưa thể hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và không có khả năng trả tiền lương cho người lao động từ tháng 4 đến tháng 6/2014 sẽ được vận dụng quy định về chế độ bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết cho người lao động phần tiền lương còn nợ. Còn từ sau tháng 6/2014 các cơ quan chức năng sẽ đề xuất phương án sau.
Thông tin này khiến họ tự tin hơn, nhưng họ rất muốn được cụ thể hóa bằng hành động của lãnh đạo địa phương. Chính quyền nên thành lập tổ công tác đặc biệt để có một đầu mối duy nhất giải quyết các vấn đề, ông Thẩm đồng tình với đề nghị của nhiều chủ doanh nghiệp.
Gần 19 giờ, ông Thẩm ngồi cùng bàn chủ tọa với Thứ trưởng Thu, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Phó chủ tịch Nam trong buổi đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp Đài Loan trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Công an tỉnh cùng nhiều sở ngành của Bình Dương cũng có mặt. Tất cả các vị quan chức địa phương đều lên tiếng chia sẻ với doanh nghiệp, và đưa ra các cam kết khá mạnh mẽ.
Với băn khoăn về việc giám định thiệt hại của mấy trăm doanh nghiệp Phó chủ tịch Nam cho biết, tỉnh đã lập tổ công tác đã và làm đang thực hiện và giám đốc sở tài chính sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Ông Nam cũng thông tin, trong trường hợp doanh nghiệp bị mất hồ sơ, thì tỉnh chỉ cần cam kết của doanh nghiệp. Nhấn mạnh lòng tin giữa chính quyền và nhà đầu tư, Phó chủ tịch Nam khẳng định sẽ đơn giản thủ tục tối đa, việc doanh nghiệp xin cấp lại con dấu, xây dựng lại nhà xưởng có thể làm ngay một lúc chứ không cần tuần tự như trước.
Giám đốc Công an tỉnh, Thiếu tướng Võ Thành Đức thì thông tin, cơ quan chức năng đã bắt hơn một ngàn người trong vụ gây rối, và đã khởi tố hàng trăm người gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, trộm cắp tài sản.
“Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm để lấy lại lòng tin, có thể cuối tuần này trong tuần sau sẽ có một số vụ được xét xử công khai, quý vị có thể giám sát được!”, ông Đức nói.
Vị Thiếu tướng cũng mời doanh nghiệp đến nhận lại tài sản mà cơ quan công an đã thu được. “Không có chứng từ cũng được, miễn là xác nhận chịu trách nhiệm, ngày mai sẽ tiến hành trả lại cho doanh nghiệp”, ông Đức nói.
Nội ngày mai các doanh nghiệp bị mất dấu sẽ có con dấu mới, một số doanh nghiệp bị nhiều thiệt hại thì chính quyền sẽ tạo điều kiện cho mượn cơ sở khác để hoạt động. ông Đức quả quyết.
“Các nhà đầu tư hãy yên tâm, chính quyền cam kết không để tái diễn tình hình như vừa qua nữa. Đó không phải là cam kết suông mà có cơ sở”, vị Thiếu tướng nói trước hàng trăm chủ doanh nghiệp Đài Loan.
Thứ trưởng Thu lên tiếng, ông nhấn mạnh Đài Loan là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và cảm ơn các doanh nhân Đài Loan đã đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Ông cũng quả quyết, Chính phủ Việt Nam cam kết xử lý tốt tình hình để doanh nhân Đài Loan yên tâm làm ăn.
Cùng đi với ông Thẩm đến thăm 8 doanh nghiệp bị nhiều thiệt hại, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã ghi nhận nhiều đề xuất của các doanh nhân nước ngoài. Ông cũng hứa sẽ trao đổi ngay với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về những kiến nghị liên quan đến việc giải quyết chế độ tiền lương cho người lao động.
Tuy nhiên, ý kiến của các doanh nhân sau đó vẫn còn có những âu lo.
Cảm ơn Chủ tịch VCCI đã thông báo ngay khi Chính phủ quyết định các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, song ông Thẩm vẫn lo ngại vì các thương nhân Đài vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ông đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ giám định thiệt hại, và hỗ trợ các bước tiếp theo cho doanh nghiệp.
“Nhà đầu tư Đài Loan chúng tôi yêu thương Việt Nam, thì ngược lại cũng cần được Việt Nam yêu thương”, ông Thẩm nhắc lại lời của nhiều nhà đầu tư.
Gần 23 giờ đêm, cuộc đối thoại mới có thể dừng. Nhiều nhà đầu tư Đài Loan ăn cơm hộp ngay hành lang để tiếp tục cuộc họp riêng của họ.
Phó chủ tịch Trần Văn Nam khẳng định rằng, “ngày mai, sau 9 giờ các doanh nghiệp sẽ được cấp lại con dấu, tôi chắc chắn”.
Theo VnEconomy