Làm rõ vụ bán 20 triệu cổ phần Thép hòa Phát
Trong phiên thẩm vấn buổi sáng, HĐXX hỏi xoáy vào hành vi 20 triệu cổ phần đang bị thế chấp, nhưng đem đi chuyển nhượng là đúng hay sai? Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969, cựu Kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) cho rằng, về nguyên tắc đó là sai. “Với tư cách là kế toán trưởng, tài sản đang bị thế chấp có được bán không?” - một thành viên HĐXX lên tiếng. “Dạ, không được chuyển nhượng ạ” - bị cáo Yến đáp.
Trước đó, Viện KSND Tối cao cho rằng, ngày 11/5/2010, Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng thế chấp 22.497.000 cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.
Trước tòa, bầu Kiên vẫn giữ “khẩu khí” như thời chưa lâm vòng tố tụng. |
Đầu tháng 4/2012, thông qua Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT) và ông Trần Tuấn Dương (Tổng GĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát), Kiên biết được tập đoàn Hòa Phát có chủ trương tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các Công ty thành viên, trong đó có Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT đang sở hữu 29.996.000 cổ phần. Theo đề nghị của ông Long, Dương, bầu Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát với giá 13.200 đồng/cổ phần, tương ứng số tiền 264 tỷ đồng.
Cũng theo cáo buộc, ngày 5/5/2012, ông Kiên chỉ đạo kế toán trưởng soạn thảo văn bản để Trần Ngọc Thanh (Giám đốc) ký gửi Ngân hàng ACB và Công ty TNHH Chứng khoán ACB (Cty ACBS) đề nghị xem xét cho giải tỏa 20 triệu cổ phần trong tổng số hơn 22 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, đang thế chấp tại Ngân hàng ACB.Đến tháng 9/2012, lãnh đạo Ngân hàng ACB và các thành viên Ủy ban tín dụng của ngân hàng đã họp bàn, kết luận không đồng ý giải chấp theo đề nghị của Công ty ACBI. Mặc dù không được Ngân hàng chấp thuận cho giải tỏa, nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo kế toán trưởng soạn thảo quyết định của HĐQT để Kiên ký và biên bản họp của HĐQT, thể hiện việc các thành viên trong HĐQT đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát.
Tại tòa, bị cáo Kiên khẳng định có cuộc họp của HĐQT liên quan đến việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phần trên. Tuy nhiên, ngay lúc đó, vị chủ tọa đã yêu cầu một số bị cáo là thành viên của HĐQT khẳng định “có chuyện đó hay không?”, những người này khẳng định: “Tôi không biết cuộc họp đó”.Đơn cử, bị cáo Yến khai, việc soạn thảo biên bản của hội đồng quản trị là do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo, nhưng việc trên thực tế có hay không cuộc họp đó, bà Yến không nắm được. “HĐXX đã chứng minh được không có cuộc họp đó” - vị chủ tọa lên tiếng.
Trách nhiệm tập thể?Liên quan đến tội danh Kinh doanh trái phép, bầu Kiên khẳng định tại tòa, bản thân đã điều hành các Công ty kinh doanh như giấy phép đã đăng ký, và mọi việc đều tuân theo nghị quyết của hội đồng quản trị.
Mặc dù vậy, Viện KSND Tối cao khẳng định, bị cáo Kiên cùng đồng phạm đã thông qua nhiều Công ty để tiến hành hoạt động kinh doanh tài chính trái phép. Đơn cử như với Công ty Cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (Công ty AFG). Theo đăng ký, đây là Công ty chuyên mua bán vàng, bạc, đá quý; mua bán, gia công, sản xuất, xuất nhập khẩu vàng, trang sức, mỹ nghệ; thu đổi ngoại tệ, nghiên cứu phân tích thị trường, quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp.Và, mặc dù không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính, nhưng kết luận của cơ quan truy tố khẳng định, từ tháng 3/2007 đến tháng 6/2009, ông Kiên đã chỉ đạo Công ty AFG sử dụng hơn 4.000 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB và góp vốn vào các Công ty khác, như Công ty ACI, ACI-HN và Công ty ACBI.
Hoặc như với Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam), cơ quan truy tố khẳng định, đây là Côn ty có chức năng sản xuất hàng may mặc, thêu ren, kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ… do Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Theo kết luận, dù Công ty Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất, và vàng trạng thái, nhưng ông Kiên đã chỉ đạo Công ty ký hợp đồng với Ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài và trong nước, với tổng khối lượng giao dịch mua - bán lên đến hơn 11.000 tỷ đồng.
Như vậy, cáo buộc từ cơ quan truy tố thể hiện, từ năm 2007 đến 2012, bầu Kiên đã thông qua 6 Công ty, với tư cách là chủ tịch hội đồng quản trị, hay chủ tịch hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính, vàng trạng thái trái phép, số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc với phần thẩm vấn.
Bị cáo “giải thích luật” cho Hội đồng xét xử? Hầu tòa với tư thế tự tin, trả lời rành rọt từng câu hỏi của các thành viên hội đồng xét xử, thậm chí, bầu Kiên còn nhiều lần thể hiện “hướng dẫn luật” hay giải thích từ ngữ cho tòa. Như việc nói đến hành vi kinh doanh vàng tại Công ty Thiên Nam, bầu Kiên cho rằng, Công ty này không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái mà chỉ đầu tư vào giá vàng đây là sản phẩm tài chính phái sinh. Hay, khi tòa nhắc đến việc đặt lệnh mua vàng của Công ty có cần giấy phép kinh doanh hay không, bị cáo Kiên nói Công ty không đặt lệnh mua vàng, tòa cần có phiếu lệnh trước mặt bàn để xem nội dung các phiếu lệnh đó là gì. Trong các phiếu lệnh đó không có bất cứ nội dung nào về mua, bán vàng... Ngay sau đó, một thành viên của Hội đồng xét xử cho rằng, việc đặt lệnh đặt kinh doanh như thế này là kinh doanh vàng trạng thái. Nhưng lập tức bị “bầu” Kiên đáp trả: “Không có bất cứ văn bản nào quy định nội dung này. Đây là sản phẩm đầu tư tài chính. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước mới có quy định về kinh doanh vàng trạng thái”. Trong quá trình thẩm vấn, bầu Kiên đề nghị HĐXX áp dụng các quy định của luật tố tụng hình sự để bị cáo được phép trả lời một cách đầy đủ các câu hỏi. “Đề nghị tòa cho phép tôi trả lời câu hỏi một cách đầy đủ, có đầu, có đuôi” – bị cáo Kiên nêu quan điểm. “Tòa không ngắt, hay dừng bị cáo, nhưng khi Tòa nghe thấy đủ rồi thì thôi” - thẩm phán Nguyễn Hữu Chính lên tiếng. “Tôi đồng ý” - bầu Kiên đáp. |
Theo Tiền Phong