Những năm trở lại đây mô hình cà phê nhượng quyền thương hiệu giá bình dân ngày càng nở rộ, chỉ riêng ở TP.HCM có tới hàng trăm quán và đang lan rộng sang một số tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Biên Hòa, Bình Dương, Phan Thiết, Cà Mau...
Chủ một quán cà phê mua nhượng quyền tại quận Tân Phú cho biết, để mở quán cà phê với mặt bằng 35-40m2, sau khi thỏa thuận và đạt được tiêu chí của phía nhượng quyền, anh đầu tư 65 triệu đồng. Trong đó, 10 triệu đồng tiền bản quyền, 55 triệu đồng là tiền để công ty hoàn tất một cửa hàng bao gồm cả trang trí, bảng hiệu, bàn ghế, quầy bán hàng.
Giá thuê mặt bằng có diện tích như trên khoảng 8-10 triệu đồng, tiền thuê nhân viên, chi phí điện nước, thưởng phát sinh khoảng 20 triệu đồng. Thông thường, một ngày quán bán tối thiểu 100 ly, một tháng sẽ lời khoảng 10 triệu đồng. Bán trên 200 ly, khoản lời tăng gấp đôi. Nếu tình hình kinh doanh ổn định và tăng trưởng đều, sau 4-6 tháng có thể hòa vốn.
Mô hình cà phê chuyển nhượng ngày càng phát triển ra các tỉnh thành trên cả nước. |
Chủ một quán cà phê mua nhượng quyền khác tại Bình Dương cũng cho biết, ban đầu mở mô hình này rất lo, nhưng sau một tháng hạch toán, quán đem lại lợi nhuận khá tốt cho anh. Một ngày quán của anh bán được 200-300 ly cà phê, với giá 12.000 đồng, sau khi trừ chi phí chị lời 20 triệu đồng một tháng.
Xuất hiện khá mới mẻ ở Phan Thiết và dần dần được ưa chuộng. Nhiều quán cà phê nhượng quyền ở đây thu được lợi nhuận khá cao. Chủ quán một quán cà phê chuyển nhượng tại Phan Thiết cho biết, do có lợi thế, mô hình này tại Phan Thiết chưa nở rộ mạnh nên khá thu hút khách hàng ở đây. Một ngày quán có thể bán 500-600 ly cà phê, và lợi nhuận một tháng lên đến 40-50 triệu đồng.
Tuy nhiên, không phải ai kinh doanh mô hình này và ở bất cứ đâu cũng thành công mặc dù chi phí đầu tư hay cách pha chế cũng như nguyên liệu giống nhau. Đã có nhiều người lỗ cả trăm triệu.
Chủ một cửa hàng cà phê nhượng quyền tại quận 7 (TP.HCM) cho biết đã mở được gần 6 tháng nhưng lượng khách ở đây rất ít. Buổi sáng được cho là thời điểm vàng cho chuỗi cà phê rang xay bình dân này, nhưng lượng khách đến chỉ vài chục người. Mặc dù cố duy trì nhưng lượng khách vẫn không cải thiện.
Anh Lê Minh Cường, người tạo dựng mô hình chuỗi cà phê chuyển nhượng Milano cho hay, ra đời từ năm 2011 và chỉ sau 3 năm chuỗi cà phê này đã được nhân rộng lên trên 300 cửa hàng rải khắp các tỉnh thành từ Hà Nội cho tới mũi Cà Mau. Trong đó, có tới 70% cửa hàng đáp ứng yêu cầu (20-190 ly một ngày), 20% vượt kế hoạch (tức bán được khoảng 200 ly một ngày) và 10% tạm xem là thất bại.
Giải thích cho nguyên nhân 10% chủ cửa hàng gặp thất bại, theo anh Cường 50% lý do đến từ mặt bằng. Cụ thể, người bán phải trả chi phí cao cho thuê mặt bằng. Mặt khác, chọn địa điểm thích hợp cũng là yếu tố quan trọng tạo sự thành công.
Đặc thù của quán cà phê nhượng quyền là giá bình dân, cà phê rang xay nguyên chất, nên đối tượng khách hàng là những cá nhân yêu thích cà phê. Do vậy, khi mở quán mô hình này, người bán nên chọn địa điểm ở gần những khu phức hợp, nơi có nhiều nhân viên văn phòng, trường đại học, các cơ quan hành chính. Tuyệt nhiên không chọn những khu vực gần chợ, nơi có nhiều tiểu thương buôn bán bởi họ không có thói quen nhâm nhi cà phê vào mỗi buổi sáng hay chiều tối.
Yếu tố quan trọng tiếp theo khiến khách hài lòng là dịch vụ tốt và thân thiện. Để làm hài lòng khách hàng, cần đào tạo cho nhân viên phục vụ cách ứng xử linh hoạt , giao tiếp một cách nhẹ nhàng để khách hàng cảm thấy thoải mái. Quán phải luôn sạch sẽ, tạo cho khách cảm giác an tâm và ngon miệng. Mặt khác, nên trích ra một khoản thưởng nhỏ mỗi tháng để thưởng cho nhân viên xuất sắc. Có như vậy họ mới cảm thấy thích thú và đam mê công việc. Lúc ấy, giá trị mà người chủ cửa hàng nhận được gấp đôi những gì mà họ cung cấp.
Theo VnExpress