Đứng trước sự nóng lên của hàng loạt kênh đầu tư, PV đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng về vấn đề này.
Tại sao giá vàng tăng mạnh trong những ngày này thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu |
Có khá nhiều nguyên nhân cho việc giá vàng tăng mạnh trong thời gian vừa qua, trong đó có nguyên nhân do thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Ngoài ra còn có vấn đề đầu cơ.
Trong ngày 14/5 vừa qua, đầu cơ vàng xuất hiện hay không thì chưa thể xác nhận được. Nhưng thông thường, các nhà đầu cơ luôn tìm các đợt sóng. Họ tìm những thời điểm có biến động như này để kiếm lời. Đó là điều hiển nhiên.
Nhưng liệu rằng đầu cơ có là yếu tố chủ lực tác động tới thị trường hay không thì chưa khẳng định được.
Một số chuyên gia cho rằng giá vàng tăng vọt do nhu cầu vàng vật chất của người dân miền Nam. Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân này?
Hai thị trường này vẫn có sự khác biệt nhất định, trong khi thị trường miền Bắc có tính ổn định thì thị trường trong miền Nam luôn luôn sôi động hơn.
Trong những ngày qua, những đợt tuần hành phản đối Trung Quốc ở miền Nam cũng “nóng” hơn miền Bắc. Rồi lại xảy ra sự cố ở Bình Dương. Tất cả góp phần gây ra đợt sóng trên thị trường vàng. Giới kinh doanh miền Nam cũng rất nhạy bén. Họ phản ứng nhanh hơn với tin tức nóng bỏng.
Điều này khiến cả thị trường và người nắm giữ vàng đều bị ảnh hưởng. Đó là dấu hiệu của thị trường đang biến động nhưng chưa đến mức nguy hại.
Giá vàng tăng gần 1 triệu đồng/lượng trong một ngày giao dịch cũng là khá lớn song mức giá của vàng hiện này đang trong giới hạn chấp nhận được.
Tôi giả sử, nếu giá vàng tăng đột biến, vượt lên mức khoảng trên 39 triệu đồng/lượng thì đúng là đáng phải báo động.
Tuy nhiên tôi khẳng định là hiện tại, giá vàng vẫn ở ngưỡng ổn định, an toàn.
Mức chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước tăng lên trên 3 triệu đồng/lượng đã báo đáng báo động chưa, thưa ông?
Thị trường vàng sẽ còn sôi động và biến động nhiều. Trong khi thị trường nóng lên thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới rộng ra là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, hiện tại, độ chênh 3,5 triệu đồng/lượng của giá vàng thế giới và trong nước chưa tới mức báo động.
Tôi nhớ, năm ngoái, mức chênh lệch này có những thời điểm lên tới 4 triệu đồng/lượng.
Khoảng cách giữa giá vàng mua vào và bán ra tăng từ 40.000 đồng/lượng lên mức 450.000 đồng/lượng. Ông có thấy người mua sẽ gặp rủi ro không?
Vàng vẫn chưa có dấu hiệu bất ổn |
Dĩ nhiên trong lúc giá vàng biến động như thế này thì độ chênh giữa giá mua vào và bán ra của vàng càng ngày càng lớn. Nhưng độ chênh 350.000 đồng/lượng vẫn trong mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, diễn biến này xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn nên nhà đầu tư vẫn nên chú ý, cảnh giác.
Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư và người nắm giữ vàng?
Trong lúc này, vấn đề quan trọng nhất là theo dõi thị trường. Khi giá thị trường lên xuống một cách nhanh như thế này, nếu là nhà đầu tư khôn ngoan, bạn nên đứng ngoài cuộc xem thị trường biến động như thế nào.
Nhà đầu tư khôn ngoan không phải là nhà đầu cơ.
Đối với nhà đầu cơ, đây là lúc họ phản ứng nhanh. Họ mua vào và bán ra rất nhanh để chốt lời. Người đầu tư không ở trạng thái đó. Khi thị trường biến động nhanh, mạnh thì nhà đầu nên đứng ngoài theo dõi xu hướng và biểu đố giá trong vòng từ 3 đến 7 ngày mới đưa ra quyết định.
Thị trường biến động như thế này ông nghĩ ai là người được hưởng lợi?
Hưởng lợi hay không còn tùy theo mức độ rủi ro và kiểm soát rủi ro của người mua cũng như người bán.
Cả người mua và người bán đều đối mặt với rủi ro giống nhau.
Hiện tại, thị trường đang trong chu kỳ lên. Trên lý thuyết, lúc này người mua được hưởng lợi vì mua rẻ, bán đắt. Người bán không được lợi.
Nếu thị trường cứ tiếp tục lên thì nên mua vào. Thế nhưng, thị trường có thể đổi chiều rất nhanh. Khi đổi chiều, người mua lại bất lợi, người bán lại hưởng lợi.
Cái khó là mình không dự báo được lúc nào thị trường đổi chiều, lúc nào chu kỳ tăng kết thúc.
Ông có nghĩ thời gian này có dòng tiền từ chứng khoán chuyển sang vàng không?
Đây là thời điểm nhà đầu tư nên cẩn thận với thị trường chứng khoán vì chứng khoán giảm điểm rất nhanh trong thời gian qua. Chứng khoán đang có biến động rất khó lường.
Hiện tại, đầu tư chứng khoán là kênh rất rủi ro.
Dĩ nhiên, vẫn có thể đầu tư vào chứng khoán nếu nhà đầu tư chọn cổ phiếu an toàn, doanh nghiệp kinh doanh có lời, báo cáo tài chính tốt. Thực ra, điều này không chỉ đúng trong thời điểm hiện tại mà lúc nào cũng đúng.
Tôi nghĩ những cổ phiếu tăng mạnh nhưng độ rủi ro cao thì không nên mua vào.
Chứng khoán, vàng, bất động sản, USD đều đang nóng lên, theo ông, hiện tại, kênh đầu tư nào an toàn và hiệu quả nhất?
Lúc này bỏ tiền vào ngân hàng rất an toàn.
Bất động sản đang nóng lên nhưng thực tế cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc đâu. Trong bối cảnh có nhiều biến động như thế này, giá USD cũng có thể biến động theo nhưng Ngân hàng Nhà nước có dự trữ ngoại hối lớn nên có thể dễ dàng bình ổn thị trường.
Nếu người nào muốn an toàn thì gửi tiền vào ngân hàng ít nhất trong ngắn hạn 1 hoặc 2 tháng là tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!
Theo VTC News