Tại Tập đoàn Xây dựng Longyuan - chuyên xây nhà cao tầng, chung cư và đường cao tốc, các khoản phải thu năm ngoái đã tăng 4,9% lên 4,1 tỷ NDT (hơn 650 triệu USD). Thời gian thu hồi nợ cũng bị kéo dài lên 95 ngày, so với 76 ngày năm 2011.
Tốc độ thu hồi chậm cũng khiến Longyuan phải hoãn trả nợ tiền thép và xi măng cho hãng cung cấp. Zhang Li - thành viên HĐQT Longyuan cho biết trên Reuters: "Họ không trả tôi, chẳng lẽ tôi lại phải đi trả người khác? Tôi đâu có ngốc như thế?".
Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống thấp nhất 18 tháng hồi quý I và có thể xuống thấp nhất hai thập kỷ trong năm nay. Bắc Kinh đang nỗ lực chuyển hướng nền kinh tế sang dựa vào tiêu dùng, hơn là xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, thắt chặt tín dụng và thị trường bất động sản hạ nhiệt đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy giảm mạnh hơn dự kiến.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực khó thu hồi nợ nhất tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg |
Khảo sát của Thompson Reuters trên hơn 2.300 công ty Trung Quốc đang niêm yết cho thấy các khoản phải thu của họ trung bình là 160 triệu USD cuối năm ngoái. Số liệu này hơn gấp đôi so với 66 triệu USD 5 năm trước.
Thời gian thu hồi nợ cũng tăng từ 71,4 lên 90,4 ngày. Đây là lần đầu tiên các công ty Trung Quốc có thời gian thu hồi nợ lớn hơn 90 ngày trong một thập kỷ qua.
"Đây là hồi chuông báo động lớn. Các công ty không thể thu hồi nhanh khi hoạt động của nền kinh tế đang chậm chạp. Một số khoản còn không thể đòi được, có nghĩa anh sẽ phải chấp nhận mất tiền trong tương lai", Paul Gillis – giáo sư Trường Quản lý kinh doanh Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh nhận xét.
Theo khảo sát của Reuters, không có gì đáng ngạc nhiên khi tình hình nghiêm trọng nhất nằm tại các lĩnh vực đang bị đình trệ của nền kinh tế, như bất động sản. Thị trường địa ốc nước này bắt đầu nguội lạnh từ cuối năm ngoái, hơn 4 năm sau khi Bắc Kinh áp dụng hàng loạt biện pháp kìm hãm bong bóng bất động sản. Các khoản thanh toán đến tay hãng xây dựng và cung cấp nguyên vật liệu vì thế cũng chậm lại.
Tình trạng này đang gây ra sự tắc nghẽn trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Năm ngoái, dòng tiền hoạt động của China West Construction - một công ty bê tông nhỏ tại Tây Bắc Trung Quốc đã xuống âm 41 triệu NDT, do các khoản phải thu tăng hơn 20%. Họ cũng phải xóa hơn 220 triệu NDT nợ xấu, tăng hơn 23% so với một năm trước.
Công ty này đổ lỗi cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, cùng sự kiểm soát bất động sản của Chính phủ. Việc này đã khiến các hãng xây dựng giảm chi trả cho họ và dùng giấy hẹn thanh toán thay tiền mặt.
Con nợ lớn nhất của China West lại là cổ đông lớn nhất của họ - Tổng công ty Xây dựng quốc gia Trung Quốc (CSCEC). Cùng 17 công ty trực thuộc khác, CSCEC nợ China West hơn 1 tỷ NDT, tính đến cuối năm ngoái. Trong khi đó, chủ nợ lớn nhất của China West là hãng xi măng Xinjiang Tianshan, cũng là cổ đông của họ với 3,7% cổ phần.
Xinjiang Tianshan lại nợ Sinoma International Engineering. Rồi cổ đông lớn nhất của Sinoma - China National Materials lại nắm tới 35% cổ phần trong Xinjiang Tianshan. Việc sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp đang làm dấy lên lo ngại vỡ nợ hàng loạt tại các công ty nước này.
Ngoài bất động sản, thời gian thu hồi nợ trong các lĩnh vực khác cũng ngày một giãn rộng. Số liệu này tại ngành sản xuất thiết bị điện là 196 ngày và sản xuất máy móc là 171 ngày.
"Tín dụng đang ngày một thắt chặt, chi phí đi vay tăng lên, còn các công ty trì hoãn thanh toán. Dù vậy, họ vẫn kỳ vọng sẽ có ngày thu được tiền", Ivan Chung – Phó giám đốc bộ phận Trung Quốc tại Moody's Investors Service cho biết.
Một số công ty chọn cách giải quyết rất phổ biến, dù ít khi có kết quả như ý. Đó là kiện tụng. Hãng sản xuất chip Xiamen Changelight đã nộp 3 đơn kiện trong 3 năm qua vì vấn đề này. Trong báo cáo tài chính, họ cho biết sẽ nộp thêm 12 đơn nữa năm nay.
Tại Longyuan, Zhang Li và các đồng nghiệp cũng đã có 13 đơn kiện năm ngoái. Thắng kiện cũng chưa chắc công ty sẽ thu được tiền, đặc biệt nếu công ty thua kiện phá sản hoặc tài sản bị lấy đi hết. "Thường thì giải quyết việc này cũng phải mất 1,2 năm. Còn không thì 5 năm", Zhang cho biết.
Theo VNE