Cần thanh tra mức chi “khủng” cho marketing của Sabeco

Thứ năm, 15/05/2014, 07:41
Với mức chi cho marketing khoảng 1.000 tỷ đồng năm 2013, Sabeco dường như đang vi phạm Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…

Năm 2013, Tổng Công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đạt sản lượng và tiêu thụ trên 1,3 tỷ lít bia, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Theo đó, tổng doanh thu của Sabeco đạt xấp xỉ 27.700 tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2012); nộp ngân sách trên toàn hệ thống đạt gần 12.400 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.400 tỷ đồng.

Hiện nay, theo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại/tổng chi phí hợp lý, hợp lệ là 10% và 15% áp dụng đối với doanh nghiệp mới thành lập.

sabeco

Với mức chi cho marketing khoảng 1.000 tỷ đồng năm 2013, nhiều cổ đông của Sabeco tỏ ra bức xúc.

Việc khống chế mức chi cho marketing của các DN là nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa mà không vi phạm cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đồng thời, sẽ tránh tình trạng các DN lạm dụng quy định của pháp luật để trốn thuế, hay chiếm dụng trái phép tiền, tài sản doanh nghiệp.

Trong cuộc họp Hội đồng cổ đông của Sabeco giữa năm 2013, nhiều cổ đông đã tỏ thái độ bức xúc khi kế hoạch chi cho hoạt động Marketing năm 2013 của Sabeco lên đến 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, thương hiệu của Sabeco dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Lý giải cho con số chi “khủng” này, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco chỉ giải thích rất “chung chung”: "Tổng Công ty đang thực hiện rất nhiều chương trình để khuyếch trương thương hiệu bia Sài Gòn như: Tài trợ, tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, các hoạt động cộng đồng trên cơ sở thực hiện trách nhiệm xã hội… Bia Sài Gòn phải làm nhiều hơn nữa để giữ được thương hiệu và phục vụ gần đủ các vùng, miền cả nước, do đó đòi hỏi rất chi phí cho marketing".

Cũng liên quan đến các DN vượt trần quảng cáo, mới đây Bộ Tài chính vừa chính thức ký 5 bản kết luận thanh tra về 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa đang chiếm 90% về thị phần sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi hiện nay. Theo kết quả thanh tra trong 5 doanh nghiệp về sữa chỉ có Vinamilk là thực hiện đúng quy định về chi phí quảng cáo tiếp thị, còn 4 doanh nghiệp còn lại đều chi vượt mức quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền là hơn 386 tỷ đồng và đây là nguyên nhân cơ bản làm tăng giá bán sữa.  Có doanh nghiệp đã thu lời từ 23 đến 36% trên tổng doanh thu. Trong khi theo các chuyên gia kinh tế, lợi nhuận tối đa của một doanh nghiệp thông thường chỉ ở mức 10-15% doanh thu là hợp lý.

Để minh bạch hoạt động tài chính của Sabeco, cũng như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thiết nghĩ, Bộ Tài chính cần sớm vào cuộc thanh tra nhằm làm rõ sự việc.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích