KTS Võ Trọng Nghĩa: Mơ về một “Sài Gòn Xanh”

Thứ ba, 13/05/2014, 14:09
Là một trong hai nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Việt Nam – Giải thưởng do Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh năm 2014, Kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa, thuộc thế hệ doanh nhân 3.0 – một doanh nhân, nghệ sĩ trẻ dám nghĩ, dám làm và đã đạt được nhiều thành tựu, dấu ấn trong lĩnh vực kiến trúc. 

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Thống nhất đất nước, PV đã có cuộc trò chuyện với anh về dự cảm một diện mạo Sài Gòn Xanh trong tương lai.

Điều đáng ngạc nhiên là với một người luôn hướng về thiên nhiên, chuộng thiên nhiên và không ngừng tìm mọi cách đưa thiên nhiên vào kiến trúc, KTS Võ Trọng Nghĩa lại có cái nhìn rất thiện cảm về TP.HCM - khu vực đi đầu về tốc độ phát triển kinh tế đô thị lẫn tốc độ… bê tông hóa.

võ trọng nghĩa

Cần một quy định xanh!

Nếu nói về TP.HCM, một nơi anh không sống, gắn bó nhiều nhưng vẫn đi về đều đặn mỗi tuần, anh sẽ có nhận xét gì ?

TP.HCM là một trong những thành phố… ít cây xanh nhất thế giới. Và có lẽ cũng vì như vậy nên có thể nói môi trường ở đây phần nào cũng bị ngột ngạt.

Điều làm TP.HCM ngột ngạt chính là vì ít cây xanh. Mà nếu vì nguyên nhân đó thì xử lí lại không quá khó. Chỉ cần Thành phố có thêm nhiều cây xanh hơn, nhìn đâu cũng thấy màu xanh thay vì các mái tôn giả ngói đỏ, người dân ai cũng có ý thức đưa thiên nhiên vào nhà… thì mọi điều đều sẽ được giải quyết.

Nói thì đơn giản, nhưng ở một đô thị mà “tấc đất” đúng nghĩa “tấc vàng”, ưu tiên không gian cho cây xanh thực sự không dễ dàng...

Không khó. Tôi chỉ nêu một kiến nghị đơn giản là nếu UBND TP.HCM ra một quy định xanh – yêu cầu người dân làm mái nhà xanh, quy định dân phải đảm bảo tỷ lệ xanh khi thi công công trình, đạt tỷ lệ mới được hoàn công… thì tin chắc chỉ mấy năm sau chúng ta đã có một Sài Gòn Xanh thực sự. Hiện nay thì người dân đô thị chưa mấy quan tâm điều đó. Và có vẻ như chính quyền cũng chưa thực sự quan tâm. Trong khi nếu ra một quy định như vậy thì chính quyền cũng không mất gì, mà sẽ có một đô thị đẹp, có một tương lai cho các thế hệ con cháu mấy chục năm sau không phải nặng gánh lo ô nhiễm môi trường, không khí…

Nhưng chắc hẳn chính quyền cũng có cái khó của họ. Anh biết có quốc gia nào ban hành quy định như anh nói?

Chẳng cần nói đâu xa, ngay trong ASEAN đã có Singapore đi đầu với những quyết định này. Nhờ đó mà bây giờ nói đến môi trường Singapore, là có thể hình dung một đảo quốc sinh thái – xanh và sạch. Người dân Singapore không phải lo lắng về vấn đề mất cân bằng môi trường như người dân Hà Nội hay Sài Gòn.

Tôi cho rằng Sài Gòn đã có rất nhiều nỗ lực, đặc biệt trong phát triển và hoàn thiện diện mạo đô thị. Có lẽ trong vòng 5 năm nữa thôi, diện mạo Sài Gòn sẽ còn đổi khác và phát triển vượt bậc hơn nữa. Hiện nay, Sài Gòn đã là một thành phố đẹp. Tất nhiên sẽ còn đẹp hơn nếu được phủ màu xanh, được xanh hóa. Cây xanh và thiên nhiên vừa giúp thành phố này đẹp lên, chắc chắn còn sẽ giúp thành phố ở góc độ cải thiện tốc độ úng, lụt… khi cây xanh được phủ lên mái nhà, được người dân ý thức và phân bổ hợp lí trong các công trình dân dụng, các dự án, các khu dân cư - đô thị…giúp giữ nước và làm chậm tốc độ nước chảy.

Chỉ tư duy về công việc...

Dường như anh không chỉ có tình yêu với Sài Gòn và mong mỏi Sài Gòn xanh hơn, mà ở mọi lúc, mọi nơi, các tác phẩm thiết kế kiến trúc của anh đều đậm màu xanh thiên nhiên?

võ trọng nghĩa
Một khu phố đông đúc của TP.HCM sau khi cải tạo lại với kiến trúc xanh

Cả thế giới hiện nay đều đang đi theo xu hướng xanh. Xu hướng này “phủ” ở tất cả mọi công trình và tôi cũng mong muốn mình thể hiện được xu hướng đó. Tất nhiên, nếu có chỉ mỗi một tác phẩm thiết kế kiến trúc xanh để hy vọng cải thiện được các không gian đô thị, các thành phố, thì rất khó. Mọi quy hoạch đô thi, quy hoạch giao thông, dân cư… của mỗi thành phố cũng đều được tính toán để phủ màu xanh lên mái nhà, như vậy mới thực sự là đúng xu hướng xanh và mới tạo được những chuyển biến mỗi ngày.

Cũng phải nói là vì hình như anh rất biết đi đúng thị hiếu hiện nay của thị trường, biết khai thác và tôn vinh yếu tố “bản sắc” trong các tác phẩm thiết kế kiến trúc của mình?

Tôi không biết. Khi tôi làm tôi không hề nghĩ cái gì là bản sắc hoặc bản sắc của chúng ta là gì. Tôi chỉ đơn giản là làm việc thuận với tự nhiên, đưa gỗ, đá, tre, nứa, cây cỏ… những gì gần gũi quanh ta và phù hợp với thiên nhiên sẵn có, với khí hậu của địa phương đó vào kiến trúc. Sau đó thì mọi người bắt đầu quy thành chuyện yêu thiên nhiên, có bản sắc... (cười).

Cập nhật xu hướng phải chăng cũng là một bí quyết kinh doanh của anh?

Công ty kiến trúc VTN của chúng tôi hiện tại có 60 kiến trúc sư, làm không hết việc. Có lẽ đó là hệ quả của cơ chế thị trường - một cơ chế tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng bàn về kinh doanh, chúng ta phải đặt dấu hỏi vì sao trong lúc kinh tế thế giới khó khăn và người dân đều thắt chặt chi tiêu, thì các sản phẩm Iphone, Ipad của Apple vẫn bán tốt? Nếu chúng ta đi đúng điều mà mọi người quan tâm, phát triển và phục vụ được điều đó, tức là chúng ta đã làm tốt và chẳng phải lo không sống sót, không kinh doanh được. Cơ chế thị trường luôn tự điều tiết, giải quyết những vấn đề như vậy.

Không làm tác phẩm...rác để đời !

Có vẻ như anh không quan tâm đến những giá trị ảnh hưởng đến cộng đồng bắt nguồn từ các tác phẩm, sản phẩm kiến trúc mang thương hiệu VTN?

Ảnh hưởng là cái đến sau. Khi làm việc, tôi chỉ tập trung tư duy vào công việc. Không quá đặt nặng các giá trị ảnh hưởng. Và không phải ảnh hưởng nào tôi cũng mong muốn.

Được vinh danh một trong hai nhà Lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2014, anh có nghĩ rằng mình còn có một sứ mệnh lớn hơn những mong muốn vừa nêu?

Tôi nghĩ là các giải thưởng đến rồi sẽ đi, điều quan trọng vẫn là mình sẽ làm gì, VTN sẽ làm gì. Hiện nay và tương lai, với mỗi một tác phẩm kiến trúc mà VTN thực hiện, chúng tôi đều đặt hết tâm tưởng để mong muốn làm thế nào Việt Nam có thêm nhiều công trình kiến trúc, qua đó có thể giới thiệu nhiều hơn về Việt Nam với bạn bè quốc tế. Sản phẩm kiến trúc là một sản phẩm văn hóa, cũng là một câu chuyện giao lưu, giới thiệu văn hóa rất gần gũi, dễ hiểu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Mong muốn đó là cả một con đường dài, đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ. Một, hai tác phẩm, sản phẩm có thể ngay lập tức chưa nói lên điều gì nhưng nếu năm, mười, rồi hai mươi… sản phẩm, thì tin rằng nó sẽ có ảnh hưởng.

Điều cuối cùng muốn được hỏi anh: Thường để tạo ra sức ảnh hưởng với thông điệp qua các sản phẩm kiến trúc, nhiều kiến trúc sư chọn các công trình to lớn, kì vĩ (có lẽ nó dễ được chú ý và dễ gây hiệu ứng cộng đồng cao?), còn anh đi ngược lại, hầu hết các công trình tạo dấu ấn quan trọng của anh đều tập trung ở công trình nhà ở, dân dụng, dân doanh. Vì sao như vậy, thưa anh?

Thực ra việc thiết kế một nhà ở, nhà dân, cũng đòi hỏi phải thiết kế cho đẹp và làm đẹp được đã xứng đáng là một công trình quan trọng rồi. Tôi cũng không chú trọng lắm đến chuyện làm sao để cho ra một tác phẩm để đời, mà mong sao mình không làm ra những tác phẩm… rác để đời, như vậy là không ngược với tâm nguyện bản thân.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Doanh nhân – KTS Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976, tốt nghiệp thủ khoa Học viện Kỹ thuật Nagoya (Nhật Bản) năm 2002, nhận bằng thạc sĩ hạng ưu của Đại học Tokyo năm 2004. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc trên thế giới và trong nước.

Các công trình, tác phẩm tiêu biểu của anh: Nhà Bình Thạnh, Nhà Xanh, Nhà Hội nghị Đại Lải, Nhà hàng Tre Bambo Wing, quán café Gió và Nước, quán Bar Gió và Nước, Kontum Indochina Café...

Tác phẩm Nhà Bình Thạnh tại TP.HCM của anh vừa được đạt giải công trình kiến trúc của năm 2013 do trang kiến trúc nổi tiếng của Mỹ Archdaily bình chọn Tác phẩm mới. Tác phẩm Nhà đá (Stone House) tại Quảng Ninh vừa được đoạt giải KTX 2013 - 2014.

Theo DĐDN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn