Vietnam Airlines khó tìm cổ đông chiến lược

Thứ hai, 12/05/2014, 14:03
Blog tài chính Mỹ Zero Hedge vừa công bố bảng xếp hạng 20 thị trường chứng khoán tốt nhất quý I năm nay. Trong đó, Việt Nam là thị trường có diễn biến tốt hàng thứ hai thế giới. Với mức tăng 17,4%, chỉ số VN-Index chỉ xếp sau chỉ số DFM của Dubai (tăng 33,9%). Diễn biến này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho các đợt IPO năm nay. Liệu Vietnam Airlines có tận dụng được cơ hội để lọt vào nhóm các hãng hàng không hàng đầu khu vực như đã hoạch định?

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng Tổng Công ty đang “đi đúng hướng” để tiến tới IPO vào quý II theo phê duyệt của Thủ tướng. Sau khi niêm yết, Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ từ 70 - 75% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.

vietnam airlines
Vietnam Airlines sẽ bị vướng ở khâu chọn đối tác chiến lược do chủ trương cổ phần hóa từ từ.

Theo dự kiến, trong tháng 5 này, Hãng sẽ nhận được kết quả xác định giá trị doanh nghiệp từ Chính phủ.

Trong trả lời phỏng vấn của Bloomberg, ông Minh cho biết Vietnam Airlines được 2 tổ chức tài chính Morgan Stanley và Citigroup định giá 2,74 tỉ USD và sẽ bán ra một lượng cổ phần hợp lý dựa trên nhu cầu của thị trường. Hãng đã hoàn thành dự thảo bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, xây dựng quy trình lựa chọn, cơ sở dữ liệu thông tin doanh nghiệp phục vụ tìm kiếm và tư vấn pháp lý để đàm phán với cổ đông chiến lược tiềm năng.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Vietnam Airlines sẽ bị vướng ở khâu chọn đối tác chiến lược do chủ trương cổ phần hóa từ từ của Chính phủ.

“Tôi ngạc nhiên nếu Vietnam Airlines chỉ được bán khoảng 25% cổ phần. Đây là tỉ lệ quá khiêm tốn, khó hấp dẫn các cổ đông chiến lược. Đối với Vietnam Airlines, Nhà nước chỉ nên giữ ở mức 51%, như vậy cũng đã đủ rồi”, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng cổ phần hóa nhỏ giọt ban đầu cũng có thể chấp nhận được. Nhưng nếu để quá lâu mà không có phương án tiếp theo thì dù cổ phần hóa cũng không thể tạo được sự đột phá.

Vietnam Airlines hiện là đơn vị duy nhất còn lại trong số 6 hãng hàng không lớn của Đông Nam Á chưa được niêm yết. Vì vậy, việc Vietnam Airlines sắp IPO là cột mốc để hãng hàng không quốc gia thật sự có thể cởi bỏ được chiếc áo cũ kỹ, chật chội để bước vào cuộc chơi sòng phẳng với các đối thủ trong nước và quốc tế.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines năm 2013 và dự kiến 2014
vietnam airlines

Gần đây, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2014, Vietnam Airlines đã công bố mức lợi nhuận trước thuế của quý I là hơn 478 tỉ đồng, tương đương 87% mức lợi nhuận của năm 2013 và bằng phân nửa kế hoạch của năm nay. Đây là kết quả đáng ghi nhận, mặc dù độ xác thực của thông tin này cần phải được kiểm chứng vì thị phần của Hãng đang trên đà sụt giảm, nhất là ở thị trường nội địa.

Anh Nguyễn Anh Tài, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, chuyên phân tích cổ phiếu của các doanh nghiệp vận tải và logistics, cho rằng: “Mô hình kinh doanh vận tải hàng không là vốn nhiều, lãi ít, thậm chí thua lỗ. Với giá trị tạm được xác định ở mức 2,74 tỉ USD, mà lợi nhuận sau thuế trong quý I của Vietnam Airlines chưa tới 20 triệu USD là quá thấp. Việc chọn cổ đông chiến lược sẽ khá khó khăn, trừ phi có các thỏa thuận đặc biệt”.

Việc cải thiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu xuống còn 3,14 lần so với năm 2013, hay nâng cao tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (hiện mới đạt xấp xỉ 1%) là mục tiêu mà Vietnam Airlines cần phải đạt được trong năm nay. Nhưng mục tiêu này cũng kèm theo điều kiện là Vietnam Airlines phải hoàn thành cổ phần hóa và thu được khoảng 200 triệu USD từ việc bán ra 383 triệu cổ phiếu, tương đương mức giá trung bình khoảng 10.920 đồng/cổ phiếu.

Theo báo cáo của Vietnam Airlines gửi Bộ Giao thông Vận tải, tổng thị phần chuyên chở nội địa và quốc tế của Hãng dự kiến sẽ giảm từ mức 50,8% của năm 2013 xuống chỉ còn 47,1% trong năm 2014.

Tình hình cạnh tranh trên các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam, phân khúc mang lại phần lớn lợi nhuận cho Vietnam Airlines, đang bị cạnh tranh ngày càng khốc liệt, với tần suất khai thác khá dày đặc của các hãng hàng không giá rẻ của khu vực. Các đường bay châu Âu cũng đang bị các hãng hàng không Trung Đông là Etihad, Emirates và Qatar “quấy nhiễu” với hàng loạt chương trình khuyến mãi.

Ở mạng bay nội địa, thị phần của Vietnam Airlines năm 2013 đã giảm khá mạnh, khiến Hãng chỉ còn chiếm khoảng 61,4% thị trường so với mức trên 80% cách đây 2 năm.

Hồi tháng 3, tờ The Financial Times (Anh) ví von rằng, nếu có 1 giải thưởng dành cho quá trình IPO kéo dài nhất tại các thị trường mới nổi thời gian qua thì Vietnam Airlines có thể giành ngôi quán quân. Tít chính của bài viết này là “Vietnam Airlines gặp nhiều thách thức để có thể cất cánh khỏi đường băng IPO”. Dù muốn hay không, IPO và chọn đối tác chiến lược là bước đi không thể trì hoãn đối với hãng hàng không này.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn