Ngày 12/5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM và các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM,vấn đề giải quyết nợ xấu ra sao khi các con số về nợ xấu mỗi nơi khác nhau và tình hình sắp xếp, tái cơ cấu các NH đến nay thế nào hiện nay cần được rõ.
NH chịu lỗ để bơm tiền ra
Nhiều NH cho biết họ đang trầy trật để bơm tín dụng ra, nhiều khoản NH cho vay ra chấp nhận lỗ nhưng không dễ dàng gì tìm thấy doanh nghiệp (DN) vay. Lãnh đạo Vietcombank phân tích, cả nước chiếm 97% là DN vừa và nhỏ nhưng đây cũng là đối tượng cần có chính sách ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, điều đáng nói là DN vừa và nhỏ lại có trình độ quản trị kém, kỹ năng quản lý yếu… Cũng chính vì lý do này nhiều NH họ rất ngại cho vay, với những DN chưa chết nhưng đang “ngáp” này, nếu không bơm vốn ra thì sẽ chết nhưng nếu không cẩn thận thì NH gánh rủi ro, tăng nợ xấu.
Theo lãnh đạo NH Phương Đông, có những DN sau khi được cơ cấu nợ cũng đã thừa nhận là có nhiều nơi khoản nợ đã xấu thêm. Tuy nhiên, vẫn có những DN nhờ được cơ cấu mà đã phục hồi. “Năm qua OCB đã có 400 DN nhờ cơ cấu lại mà trả được nợ. Vì NH chủ yếu cho vay 70% là DN vừa và nhỏ nên chúng tôi phải sống chết với đối tượng này” - ông nói.
Lãnh đạo OCB cho hay không chỉ tích cực thay đổi các sản phẩm, nhiều khoản cho vay chấp nhận lỗ mà NH cũng phải liên tục đi tìm kiếm người bạn đồng hành của mình.
Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM. |
Thận trọng với tình hình biển Đông
Mặc dù ngành NH đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên tại phiên họp PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cảnh báo trước tình hình biển Đông hiện nay chắc chắn sẽ tác động tiêu cực và đặc biệt vấn đề này rất quan trọng với hệ thống NH.
Ông Ngân cũng tỏ ra lo lắng bởi năm 2013 hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta đạt 264,26 tỉ USD nhưng riêng với Trung Quốc là 50,21 tỉ USD tăng 22,0% so với năm 2012. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 13,3 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 10,0% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, chúng ta nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2013 là 36,9 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Vì thế vấn đề này chắc chắn sẽ bị tác động trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ảnh hưởng như thế nào theo ông Ngân còn tùy thuộc vào chính sách kinh tế của Nhà nước, tùy thuộc vào việc giải quyết sự cố này. Còn bây giờ các NH tạm thời chưa bị tác động. “Những tác động xấu sẽ tới, vấn đề đầu tư nước ngoài đầu tư gián tiếp cũng bị ảnh hưởng. Nếu như các nhà đầu tư gián tiếp rút vốn thì chắc chắn tỉ giá sẽ bị tác động” - ông Ngân cảnh báo.
Mặc dù vậy ông Ngân cho rằng cần lường trước các rủi ro, đừng để rủi ro xảy ra rồi mới đề phòng. Ví dụ một NH mở một tài khoản để nhập hàng từ Trung Quốc về. Lúc này nếu có vấn đề gì thì lô hàng từ Trung Quốc sẽ không về được mà tiền thì đã mở và nằm đó. Bởi vậy chắc chắn có những rủi ro trong thanh toán. Thế nên cần phải cảnh báo NH lường trước các tình huống khác nhau, trường hợp xấu nhất thì phải đối phó ra sao, dự phòng rủi ro đó thế nào để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc” - ông Ngân nói.
Mặc dù vậy, theo quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, với ngành NH áp lực mạnh nhất là thanh khoản chứ không phải vấn đề Trung Quốc đặt giàn khoan ở biển Đông.
Vấn đề mới khi xử lý tài sản đảm bảo Một vấn đề mới đang nảy sinh hiện nay, nhiều trường hợp rất trớ trêu, NH cầm giấy tờ sổ đỏ… trong tay, xử lý đến phút chót là xong. Bỗng dưng có một ông cầm giấy tờ tay mua bán nhà đến. Cuối cùng NH lại rơi vào tình trạng chuyển thành tài sản có tranh chấp nên rất khó xử lý. Lãnh đạo NH Phương Đông Quá tải các vụ dân sự ở NH Không chỉ khó xử lý tài sản đảm bảo, số lượng các vụ việc kinh tế chuyển lên thành dân sự thậm chí lên cấp hình sự… đến nay rất nhiều và các cơ quan chức năng đang bị quá tải vì quá nhiều vụ án cũng là nguyên nhân khiến quá trình xử lý không thể nhanh hơn được. Lãnh đạo NH Việt Á |
Theo PLO