Ông Nghĩa đang trấn an công nhân
Bỏ tiền túi trả nợ lương cho công nhân bị chủ bỏ trốn
Ít ai biết, người đàn ông từ tâm trong vụ việc kể trên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, cũng là nạn nhân của Công ty PIA Toàn Cầu vì chưa được thanh toán tiền thuê xưởng trong suốt bốn tháng với số tiền khoảng hơn một tỷ đồng.
Công ty PIA Toàn Cầu là công ty may mặc 100% vốn Hàn Quốc do ông Lee Sang Ho, người Hàn Quốc làm đại diện pháp luật. Nhưng theo phản ánh của công nhân, người trực tiếp điều hành sản xuất là ông Lee Sang Soo cùng hai phó giám đốc khác. Theo các điều khoản quy định trong hợp đồng lao động, Công ty PIA Toàn Cầu sẽ trả lương cho người lao động vào ngày 10 hàng tháng. Tuy nhiên, đến ngày 10/4, khi công nhân đang háo hức chờ nhận lương thì được thông báo: Không thể liên lạc với ban giám đốc!
Đại diện Phòng LĐ-TB-XH Q.12 cho biết, sau khi nhận được phản ánh của ông Nghĩa và người lao động, phòng đã cử chuyên viên đi tìm hiểu và phát hiện trước đó, ngày 8/4, nhóm người này đã bỏ về nước. Ngay sau đó, Phòng LĐ-TB-XH Q.12 đã niêm phong toàn bộ tài sản, máy móc để làm cơ sở giải quyết quyền lợi cho công nhân. Tuy nhiên, phần lớn số tài sản, máy móc đó đều là tài sản mà Công ty PIA Toàn Cầu thuê lại của doanh nghiệp khác (không thể xử lý).
Trong lúc hơn 400 người lao động đang “ngồi trên đống lửa” vì thất nghiệp, ông Nghĩa đã quyết định nhận trả toàn bộ khoản nợ lương cho công nhân. Tại buổi trả nợ lương vào chiều 5/5, ông Nghĩa còn mang thêm một thông tin khiến hơn 400 con người như chết lặng trong giây lát vì quá đỗi vui mừng: “Tất cả các anh chị em công nhân ở đây sẽ được Công ty TNHH MTV SUMIT (mới thuê xưởng của ông Nghĩa) nhận vào làm việc lại với các chế độ thâm niên, thai sản… y như cũ”.
Ông Nghĩa cho biết, từ nay đến 17/5, Công ty SUMIT sẽ lần lượt mời công nhân thuộc các chuyền vào xưởng để ký hợp đồng lao động mà không cần làm hồ sơ xin việc mới. Từ ngày 19/5, công nhân sẽ chính thức làm việc trở lại. Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất trong thông tin này là, sau khi giám đốc Công ty PIA Toàn Cầu bỏ trốn, có nhiều công ty khác đến đề nghị thuê mặt bằng nhà xưởng, nhưng ông Nghĩa đưa ra điều kiện: Ông chỉ cho thuê khi công ty mới nhận 400 công nhân này vào làm việc…
Ông Nghĩa đã bỏ tiền túi ra trả lương cho các công nhân bị chủ xù lương
20 ngày “đấu trí” của người thương binh
14g ngày 6/5, một ngày sau khi ông Nguyễn Hữu Nghĩa mang tin vui đến cho hơn 400 công nhân, chúng tôi đến xưởng và gặp ông đang tất bật chỉ đạo dọn dẹp mặt bằng, kho bãi của Công ty PIA Toàn Cầu để chuẩn bị bàn giao cho đơn vị mới. Đến phía này ông hướng dẫn người gom rác, sang đầu kia ông hướng dẫn sửa chữa máy bơm, thay ổ khóa các cửa phòng làm việc…
“Mười ngày đầu tiên sau sự kiện 10/4, tức khi mới biết mình bị đối tác quỵt hơn một tỷ đồng, tôi vẫn nghĩ mình là người bị thiệt hại nặng nhất trong vụ việc” - ông Nghĩa mở đầu câu chuyện. “Tôi là một người hơn 20 năm không rượu, bia, cà phê, thuốc lá, nhưng mười ngày qua tôi phải mượn thuốc lá để mà… "đấu trí" trước tình cảnh của mình. Mười ngày sau đó, khi trở lại xưởng với hy vọng gom vớt được cái gì hay cái nấy, biết mình chẳng có được gì ở xưởng này, tôi quay xe chuẩn bị trở về nhà ở Q.Tân Bình thì bất ngờ thấy hàng chục công nhân cũ của công ty ôm gối mền, xách ba lô ra khỏi phòng trọ (gần nhà xưởng) đứng khóc ròng.
Câu hỏi: “Con biết về đâu bây giờ chú Nghĩa ơi…” đã ám ảnh tôi. Đêm đó, tôi lục tìm toàn bộ những thông tin liên quan về việc doanh nghiệp bỏ trốn, pháp luật sẽ xử lý ra sao, rồi những tài sản của tôi sẽ bị niêm phong bao lâu, rằng những người công nhân không được trả lương, mất việc kia trôi nổi thế nào… Cuối cùng tôi đi đến quyết định phải sống cùng họ”.
Ông Nghĩa sinh năm 1961. Năm 18 tuổi, đang học năm thứ nhất đại học, ông tình nguyện đi bộ đội, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1980, ông bị thương và xuất ngũ. Khoảng 5 năm sau đó, người thương binh 1/4 ấy được báo chí nhắc đến như một người tiên phong và thành công trong việc in áo bằng phim phổi, rồi in lụa ở đất Sài Gòn. Lấy vợ, lần lượt đón hai thành viên mới, một gái một trai, gia đình êm ấm, công việc của ông có nhiều thuận lợi.
Ông tâm sự: “Dù được mọi người gọi là thành đạt, tôi chưa bao giờ quên nguồn gốc xuất thân. Cha mẹ tôi vẫn là những người lao động nghèo và mình đã trải qua một tuổi thơ gian khó, thiếu thốn. Chính vì vậy khi thấy cuộc sống của mình bắt đầu khá giả hơn, tôi đã có thói quen chia sẻ với mọi người. Mười ngày trước, tôi từng nghĩ, tại sao mình đã có thể mang tiền cho nơi này nơi khác như một người làm từ thiện mà lại không cứu giúp những người đang cần mình nhất thế này? Thật ra, tôi chưa bao giờ làm từ thiện một lần với số tiền to như vậy. Nhưng những giọt nước mắt của các em công nhân đã lay chuyển lòng tôi. Từ đây tôi sẽ có hơn 400 người bạn đồng hành…”.
Ông đưa tôi xem dòng tin nhắn của con trai: “Bố number 1!” và trầm giọng: “Con tôi vẫn chưa hay tôi đã lấy một phần tiền để dành đóng học phí kỳ cuối bậc đại học cho con trai và năm đầu cao học cho con gái để thanh toán lương công nhân”. Nhưng ông lại hoạt bát hẳn lên chia vui với phóng viên một tin nhắn mới, con trai ông vừa báo tối hôm qua đã ký hợp đồng làm việc chính thức với một công ty lớn ở Mỹ dù đến hai tháng nữa mới nhận bằng tốt nghiệp.
Ông Nghĩa cho rằng ông là người may mắn khi bên ông luôn có bạn đồng hành, không chỉ từ những tin nhắn báo tin vui của hai đứa con ở phương xa mà còn từ chính quyền, UBND Q.12, từ tập thể công nhân cùng ông “đấu trí”, tìm đối tác để vực dậy việc sản xuất cho nhà xưởng, có thể sống cùng những số phận công nhân.
20 ngày qua, điều làm ông Nghĩa thấy luôn được an ủi và cảm động nhất, đó là các thành viên trước là trưởng phòng hành chính, tổ chức, tài chính, chủ tịch công đoàn của Công ty PIA Toàn Cầu luôn sát cánh cùng ông…
Theo PN Online