Từ thương hiệu lịch sử Givral…
Trước Kem Tràng Tiền, một thương hiệu cũng rất có ý nghĩa và bề dày lịch sử là Givral Sài Gòn cũng đã về với OCH. Người ta có thể tìm thấy sự đồng điệu giữa hai thương hiệu này: Cùng ra đời những năm 1950, nếu Kem Tràng Tiền gắn liền với hình ảnh Thủ đô thì Givral lại là nhãn bánh yêu thích của nhiều thế hệ người Sài Gòn.
Được sáng lập bởi Alain Poitier – một người Pháp sống lâu năm tại Việt Nam, Givral là một trong những thương hiệu bánh đầu tiên có mặt tại Sài Gòn. Trong thời hoàng kim, mọi bữa tiệc, đám cưới sang trọng nhất của thành phố đều không thể “vắng bóng” bánh Givral. Không chỉ có bánh kem, Givral Café Sài Gòn trong thời kỳ chiến tranh cũng là tụ điểm sang trọng của giới báo chí trong và ngoài nước. Nơi đây từng lưu dấu những vị khách quen như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, thi sĩ Nguyên Sa, Trần Dạ Từ....
Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Thời gian trôi đi, sự xuất hiện của nhiều quán cafe khác, nhiều thương hiệu bánh kem khác cùng sự đánh mất dần bản sắc đã khiến Givral mai một trong lòng người Sài Gòn. Mãi đến năm 2004, Givral mới quay trở lại với sự thành lập của CTCP Sài Gòn Givral. Vẫn giữ ngành kinh doanh chính là sản xuất các mặt hàng bánh kem tươi cao cấp, người dân TP.HCM lại bắt đầu nhìn thấy những cửa hàng bày bán sản phẩm bánh Givral. Tuy nhiên, Givral vẫn chưa thể lấy lại được vị thế của “người dẫn đầu” khi Sài Gòn giờ đã có nhiều hãng bánh khác nổi tiếng như Kinh Đô, Brodard, Tous Les Jours, Hương Việt...
Đến năm 2009, khi làn sóng Mua bán & sáp nhập (M&A) bắt đầu nhen nhóm, nhận thấy tiềm năng của thương hiệu bánh lâu đời này, OCH đã góp vốn để nắm giữ 96,54% vốn của CTCP Sài Gòn Givral. Tuy nhiên, theo BCTC soát xét 6 tháng 2013 thì Sài Gòn Givral không còn là công ty con của OCH, toàn bộ cổ phần đã được chuyển nhượng xong. Thay vào đó, trong danh sách công ty con của OCH lại có một cái tên khác – CTCP Bánh Givral. Được thành lập vào ngày 19/12/2011, CTCP Bánh Givral sở hữu số vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó OCH là cổ đông lớn giữ tới 98% cổ phần.
Và cuộc “kim thiền thoát xác” này đã mang đến cho Givral những bước tiến đáng kể cả về mặt thương hiệu và kết quả kinh doanh. Trong đó, Givral nhấn mạnh sự trở lại của thương hiệu quán cà phê xưa và chú trọng phát triển mô hình bánh tươi kết hợp cùng thức uống và đồ ăn trong các cửa hàng sang trọng và có diện tích lớn.
Kết thúc năm tài chính 2013, lĩnh vực kinh doanh bánh kẹo và đồ uống đóng góp trên 232 tỷ đồng, chiếm 34,7% trên tổng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của OCH. Tính đến cuối năm 2013, thương hiệu bánh Givral có tổng cộng 27 cửa hàng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, OCH cũng rất tập trung phát triển một “mỏ vàng” khác của thương hiệu này, đó là Givral Café. Tính đến tháng 1/2014, Givral Café đã khai trương 15 địa điểm trên cả nước ở những vị trí “đắc địa” tại Hà Nội và TP.HCM như Ocean Mall, Trung Yên Plaza và các TTTM như Royal City, Rose Garden, Vista Walk, Kumho Asiana Plaza...
Đến tương lai của Kem Tràng Tiền
Ra đời từ năm 1959, cho đến nay Kem Tràng Tiền luôn là thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội. Hơn 10 năm sau khi cổ phần hóa, OCH đã bỏ ra 500 tỷ đồng để mua lại thương hiệu kem với lịch sử lâu đời này. Nhiều người cho rằng, mức giá đó chỉ để trả cho vị trí đắc địa của Kem Tràng Tiền, chứ không phải vì đây là thương hiệu nổi tiếng.
Tuy nhiên, trong cuộc họp ĐHCĐ vừa qua, ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch Ocean Group cho biết Kem Tràng Tiền với mức tăng trưởng P/E 20 lần (2008 doanh thu 12 tỷ/năm, 2013 là 100 tỷ, lợi nhuận khoảng 25 tỷ) là rất hấp dẫn để đầu tư. Thương hiệu Kem Tràng Tiền hiện đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường kem ở Hà Nội với hơn 35%. “Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội M&A trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng. Điều đó sẽ tốt cho việc kinh doanh siêu thị và phát triển chiến lược bán lẻ của công ty”, ông Thắm nói.
Bên cạnh thị phần lớn, một lý do quan trọng khác để OCH tiếp tục phát triển Kem Tràng Tiền chính là bề dày lịch sử của thương hiệu này. Một đại diện của OCH chia sẻ:“Tiền bạc có thể tạo ra mọi thứ cho thương hiệu nhưng không thể tạo ra thời gian vì đơn giản bạn cần phải đợi 10, 50 hay thậm chí 100 năm mới có thể tạo được lịch sử của một thương hiệu. Thay vì phải bắt tay xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới trên thị trường, chúng tôi có thể tận dụng những lợi thế sẵn có xuất phát từ uy tín thương hiệu của Kem Tràng Tiền trong việc thu hút thêm khách hàng mới, duy trì sự gắn bó của khách hàng đã sử dụng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh và mở rộng thị phần.”
Những lợi ích có thể nhìn thấy khi Kem Tràng Tiền về với OCH đó là được hưởng “ké” mạng lưới phân phối rộng và “đẳng cấp” trên cả nước: Từ TTTM, siêu thị Ocean Mart cho đến hệ thống Givral Café (trong thực đơn của Givral Café đã có tên các loại Kem Tràng Tiền quen thuộc). Như vậy, thay vì một thương hiệu được định vị gắn liền với địa phương (Hà Nội) thì Kem Tràng Tiềncó cơ hội rất lớn để trở thành một nhãn hiệu phổ biến được “phủ sóng toàn quốc”.
Bên cạnh việc phát huy những lợi thế về thị trường, lịch sử thương hiệu và hệ thống phân phối, OCH đã đầu tư dây chuyền sản xuất kem hiện đại. Công ty này hiện đang sản xuất nhãn hiệu kem Mochi theo công nghệ Nhật Bản. Kem Tràng tiền cũng được làm mới bằng loạt sản phẩm kem bao gói, kem hộp để cung cấp đến các đại lý ở xa.
Một vấn đề khác đã tồn tại từ lâu của Kem Tràng Tiền, đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái nay đã được kiểm soát tốt hơn. OCH đã đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu kem Tràng Tiền, tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng phân biệt sản phẩm chính hãng với hàng giả, kém chất lượng. Đồng thời, OCH thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ thương hiệu bằng việc làm việc với các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Chiến lược mua lại và tiếp tục phát triển thương hiệu có tên tuổi lâu năm trên thị trường như Kem Tràng Tiền được đánh giá là bước đi khôn ngoan của Ocean Hospitality. Nên nhớ, ông chủ của Tập đoàn này khởi nghiệp từ lĩnh vực sản xuất và thương mại. Việc mua lại và phát triển kinh doanh sản phẩm thương mại dịch vụ như hiện nay dường như là nối dài những thành công trước đây.
Theo Seatimes