100 năm tuổi, chợ Bến Thành đã là ngôi nhà chung của nhiều thế hệ tiểu thương. Bước chân vào chợ hôm nay, du khách không khỏi ngạc nhiên khi len lỏi trong những gian hàng mới mẻ, nhộn nhịp vẫn còn vài sạp đậm chất xưa.
Lọt thỏm trong không gian mênh mông của những quầy mỹ nghệ hay túi xách thổ cẩm là gian hàng guốc mộc bà Nguyễn Thị Liên. Cửa tiệm hầu như không hề thay đổi từ con người đến cách bài trí và cũng là gian hàng duy nhất chỉ chuyên bán guốc mộc tại chợ này. Mặc dù đã ngoài 70, gắn bó hơn 50 năm với nghề, nhưng tình yêu với guốc mộc của bà Liên vẫn như thủa ban đầu.
Bà Nguyễn Thị Liên, người phụ nữ hơn 50 năm kinh doanh guốc mộc ở chợ Bến Thành. |
Bà Liên kể, thời ấy nhà nghèo, bà phải theo người cô ra chợ bán guốc từ năm mười mấy tuổi. Sau khi cô mất, toàn bộ gian hàng rộng 1,5m2 này được để lại cho bà Liên gìn giữ.
Thời kỳ những năm 80, guốc được nhiều người ưa chuộng. Dù hàng ngày phải đóng guốc liên tục, nhưng bà Liên vẫn cảm thấy vui. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng 10 năm, sức mua kém đi, có ngày bà không bán nổi một đôi. Để cầm cự kinh doanh, bà Liên buộc phải bán thêm dép nhưng vẫn không có chuyển biến.
“Giai đoạn ấy, lời lãi chẳng được bao nhiêu, chỉ đủ tiền cơm hàng ngày, nhưng vì yêu nghề và coi chợ như nhà nên tôi vẫn cố gắng duy trì. May thay, đến năm 2000, du khách nước ngoài bắt đầu ồ ạt sang Việt Nam du lịch, guốc được ưa chuộng nên mới giữ được như ngày nay. Cũng từ lúc ấy, tôi ngưng hẳn bán dép, chỉ duy trì guốc mộc”, bà Liên bộc bạch.
Nhưng vài năm gần đây, kinh tế khó khăn, du khách sang Việt Nam giảm dần, sạp guốc của bà không còn nhộn nhịp như xưa. Thay vì bán một ngày được hơn chục đôi, nay đắt lắm cũng chỉ 3-4 đôi. Giá một đôi guốc mộc hàng bà Liên trung bình từ 100.000-150.000 đồng.
Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng thao tác của bà Liên vẫn rất nhanh nhẹn. Nhiều khách thấy tay bà run run nhưng đóng guốc chỉ một lần là vừa như in. Nhiều khách đề nghị cho mượn để tự đóng, nhưng khi bắt tay vào làm thử thì trầy trật mà đinh vẫn siêu vẹo. Ấy thế mà khi được khách khen, bà vẫn khiêm tốn: “Đóng nhiều thành quen, chứ tay nghề gì đâu”.
Tấm biển mà chàng trai ngoại quốc viết để cảm ơn bà. |
Bộc bạch về kỷ niệm khiến bà nhớ nhất trong đời. Bà kể đó là lần gặp chàng trai người Singapore, đi du lịch sang Việt Nam ghé sạp mua đôi guốc về nước để tặng bạn gái. Sau nhiều năm, chàng trai ấy trở lại Việt Nam và tìm bằng được sạp guốc của bà để cảm ơn vì sản phẩm chất lượng.
“Nhìn thấy tôi, cậu ấy mừng rỡ, nhưng tôi lại không nhớ. Cậu ấy kể lại là đã mua đôi guốc ở đây, được bạn gái khen đẹp và rẻ. Để cảm ơn tôi, cậu ấy đã lấy một tấm bảng bằng gỗ viết: “Custom made shoes. Cheaper! Shoes in Market" có ký tên và ngày tháng bên dưới, rồi nói tôi treo lên để du khách nước ngoài biết đến đặt hàng. Nhưng tôi không thích phô trương nên chỉ giữ tấm bảng làm kỷ niệm”, bà Liên nhớ lại.
Tỉ tê về khó khăn trong nghề, bà Liên cho hay, cái khó duy nhất của bà là nói chuyện với người nước ngoài. Thời gian đầu, nhiều khách ngoại quốc đến xem giày và xin đi thử, nhưng vì không hiểu nên bà lắc đầu và họ bỏ đi hết. Thấy thế, bà liền nhờ những chủ sạp trẻ bên cạnh dịch giùm. Từ ấy trở đi, bà cố gắng lắng nghe và tự học thêm vài câu tiếng anh về mua, bán, giá cả... Giờ đây, khi gặp khách nước ngoài, bà đã không còn lúng túng mà nhẹ nhàng trả lời họ một cách thấu đáo.
Khi nhắc đến việc truyền lại nghề cho con cháu để hưởng tuổi già, đôi mắt của bà bỗng đượm buồn và nhẹ nhàng nói: “Cô sống một mình chứ không có gia đình. Nếu cho thuê lại sạp sẽ được nhàn nhã, thu tiền hàng tháng nhiều hơn tiền lời bán guốc. Tuy nhiên, cô luôn coi chợ này là nhà nên nếu nghỉ sẽ sinh bệnh. Còn về sau này, nếu không làm nữa chắc sẽ để lại cho họ hàng trong gia đình”.
Theo VnExpress