Thương hiệu Việt lừng lẫy một thời

Thứ ba, 06/05/2014, 09:51
Trong khi hiện nay các công ty chật vật xây dựng thương hiệu thì từ trước ngày 30/4/1975 đã có khá nhiều thương hiệu Việt lừng lẫy như: Hãng dược OPV, dầu khuynh diệp “Bác sĩ Tín”, kem đánh răng Hynos, xà bông Cô Ba...

thương hiệu việt

Vang bóng một thời - Ảnh: Tư liệu

Những năm 1970, OPV (Office Pharmaceutique du Vietnam) sau khi được ông Nguyễn Cao Thăng mua lại từ người Pháp đã phát triển thành hãng dược lớn và hiện đại nhất VN thời bấy giờ. OPV cũng là nhà đại diện độc quyền cho nhiều hãng dược lớn trên thế giới như Bayer, Mead Johnson, Roche, Smith Kline & French... và liên doanh với Nestlé (Thụy Sĩ) xây dựng nhà máy chế biến sữa bột cho trẻ em lấy nhãn hiệu Dielac. Sau năm 1975, nhà máy dược của OPV do Xí nghiệp dược phẩm trung ương 24 tiếp quản và nhà máy sữa do Vinamilk tiếp quản.

Chúng tôi tin rằng không có lý do gì VN không thể bắt kịp các nước đang phát triển khác, các nước trong khu vực ASEAN và châu Á về công nghiệp dược phẩm. Người VN khi được đào tạo, quản lý một cách bài bản và khoa học, có thể xây dựng được một ngành dược không thua kém bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới
Bà Nguyễn Cao Thăng, vợ của chủ cũ OPV

Từng đánh bạt đối thủ ngoại

Ngoài OPV nổi đình nổi đám, trước năm 1975, ngành dược ở miền Nam có viện bào chế mang tên “Bác sĩ Tín” với các sản phẩm: Thuốc ho, dầu khuynh diệp và thuốc nâng cao sinh lực VITOFORCE - Đại cường Việt.

Bác sĩ Bùi Kiến Tín, chủ Viện Bào chế “Bác sĩ Tín”, nay đã mất. Nhưng người con của ông kể rằng: “Cha tôi là người có tinh thần dân tộc rất cao. Ông nghĩ để nghiên cứu sản xuất Tây dược, phải nhập khẩu nguyên liệu ở Pháp với giá cao, rất khó bán cho người nghèo, nên ông chọn con đường sản xuất đông dược...”. Sản xuất để phục vụ cho hơn 17 triệu dân miền Nam trước năm 1975, cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại từ phương Tây và Tàu, nhưng mỗi năm, riêng sản phẩm dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín bán ra thị trường trên 25 triệu chai và nhập khoảng 20% trên tổng sản lượng tinh dầu khuynh diệp của Bồ Đào Nha. Năm 1956, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cũng từng treo giải thưởng “mua dầu trúng xe Austin”.

Cũng nằm trong dòng sản phẩm chất lượng, gây sóng gió tại thị trường miền Nam từ trước 1975, có thêm sản phẩm xà bông Cô Ba của tỉ phú Trương Văn Bền. Xà bông Cô Ba đã vươn sang thị trường Đông Dương như Lào, Campuchia và có mặt tại các thị trường Hồng Kông, Singapore, thậm chí đánh bạt các thương hiệu xà bông cao cấp hiệu Marseille của Pháp có mặt tại thị trường Đông Dương thời đó. Mỗi năm, hãng của ông Trương Văn Bền đưa ra thị trường khoảng 4.000 tấn xà bông giặt, 1.800 tấn xà bông thơm.

Hãng kem đánh răng Hynos của ông Vương Đạo Nghĩa cũng “làm mưa làm gió” khắp thị trường, đánh bạt các đối thủ kem đánh răng đến từ các nước như Colgate (Mỹ), C’est it (Pháp)... Ông Nghĩa cũng là người nổi tiếng chi mạnh cho quảng cáo lúc bấy giờ, đến 50% lợi nhuận.

Khôi phục thương hiệu cũ

Chất lượng sản phẩm và lối làm ăn bài bản đã phần nào đưa các thương hiệu Việt xưa lừng lẫy là vậy. Thế nhưng, sau năm 1975, đặc biệt giai đoạn đất nước mở cửa với cơn lốc đổ bộ của những tập đoàn sản xuất đa quốc gia, đã có không ít thương hiệu bị xóa sổ.

Thương hiệu xà bông Cô Ba được duy trì thời gian ngắn rồi ngưng hẳn. Công ty cổ phần sản xuất thương mại Phương Đông chuyên gia công và phân phối một số sản phẩm hóa mỹ phẩm, đã nuôi tham vọng khôi phục lại nhãn hàng vang bóng một thời này, song trước áp lực cạnh tranh của các thương hiệu xà bông lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, sản phẩm Cô Ba hiện có mặt khá lặng lẽ trên thị trường. Còn Hynos sáp nhập với Kolperlon thành Xí nghiệp kem đánh răng Phong Lan, rồi chuyển sang thương hiệu P/S, chiếm 60% thị phần trong vòng 5 năm từ 1988-1993. Năm 1997, P/S liên doanh với Unilever, rồi thương hiệu P/S được bán cho tập đoàn nước ngoài này vào năm 2003 với giá 14 triệu USD. Từ năm 2006 đến nay, Công ty hóa phẩm P/S tiếp tục phát triển lại nhãn hiệu kem đánh răng Hynos, tuy nhiên, sản phẩm chưa có gì đột phá trước áp lực cạnh tranh và thị phần lớn của các thương hiệu kem đánh răng ngoại.

OPV sau 1975 vắng bóng hoàn toàn. Đến năm 1994, bà Nguyễn Cao Thăng, vợ của chủ cũ OPV từ Mỹ về nước đầu tư và nhập khẩu phân phối cho các hãng dược lớn trên thế giới tại VN. Năm 2003, nhà máy dược phẩm đầu tiên của OPV tại VN theo chuẩn GMP có tổng mức đầu tư trên 30 triệu USD đã hoàn tất. 7 năm sau đó, năm 2010, OPV đã đăng ký gần 700 sản phẩm dược, trong đó có gần 300 sản phẩm do OPV sản xuất và tiếp thị. Trở lại thị trường VN, thông điệp bà Thăng đưa ra là: “Chúng tôi tin rằng không có lý do gì VN không thể bắt kịp các nước đang phát triển khác, các nước trong khu vực ASEAN và châu Á về công nghiệp dược phẩm. Người VN khi được đào tạo, quản lý một cách bài bản và khoa học, có thể xây dựng được một ngành dược không thua kém bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích